Trong danh sách đó, nhiều người thi trên 2 lần nhưng vẫn chưa đỗ tốt nghiệp và chưa có bằng như mong muốn. Điển hình như huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai), địa phương này có hơn 70 thí sinh là cán bộ, công chức đang công tác tại các xã trên toàn huyện dự thi.
Anh Rơ Châm Prunh (35 tuổi, Bí thư đoàn xã Ia Kreng, huyện Chư Păh) 2 năm liên tiếp đăng ký kỳ thi THPT nhưng đều ‘rớt’. Năm nay anh quyết tâm thi tiếp để lấy bằng THPT. Hiện anh Prunh mới có bằng Trung cấp Luật và bằng lý luận chính trị.
Anh chia sẻ, mỗi năm dạng đề khó hơn. Vì học bổ túc nên rất nhiều phần trong bài học anh không hiểu. Việc làm bài tập và ôn bài cũng bị hạn chế cho công việc thường trực tại cơ quan. Lần này, anh cố gắng ôn tập ngày đêm và nhờ một số thầy cô hướng dẫn thêm.
"Mục đích tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng mong có được tấm bằng để thuận lợi trong quá trình công tác”, anh Prunh nói.
Là thí sinh lớn tuổi nhất tại điểm thi trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Chư Păh), ông Rơ Châm Hyat (54 tuổi, đang giữ chức Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc xã Ia Ka) đến tại điểm thi từ rất sớm, chuẩn bị các thủ tục đầy đủ để bước vào phòng thi.
Ông Hyat bắt đầu đi học bổ túc hệ THPT từ năm 2017. Trước kia ông học hệ 9+3 sau đó học lên nên không có bằng cấp 3. Quá trình công tác, ông Hyat từng giữ các chức vụ quan trọng như Bí Thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND tại 2 xã Ia Ka và Ia Nhin (huyện Chư Păh).
Con gái sinh năm 1998 của ông Hyat cũng được ông vận động đi học tại Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Gia Lai. Hai cha con cùng thi tốt nghiệp THPT 2020.
“Tuổi lớn rồi nhưng tôi vẫn quyết tâm đi học, đi thi để làm gương cho các cán bộ, công chức trong xã và các con. Quá trình đi học, tôi luôn cố gắng sắp xếp hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Để chuẩn bị cho kỳ thi, tôi và con gái thức nhiều đêm để ôn tập, củng cố kiến thức mong có kết quả tốt”, ông Hyat nói.
Tương tự, ông Rơ Châm H’Din (48 tuổi, đang giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Mặt trận xã Ia Kreng, huyện Chư Păh) rất lo lắng vì đây là năm đầu tiên ông tham gia kì thi tốt nghiệp THPT.
“Nơi tôi đang công tác là xã khó khăn, cách trung tâm huyện gần 70km. Vì thiếu bằng cấp nên tôi đăng ký học bổ túc tại Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện. Đây là năm đầu tiên tôi thi tốt nghiệp THPT nên cũng rất lo lắng.
Tuổi cũng lớn nên ghi chép chậm, việc tư duy cũng không nhanh nhẹn như lớp trẻ. Để có kết quả tốt, tôi cũng nhờ những người giáo viên tại địa phương hướng dẫn ôn tập. Tuy nhiên việc ôn tập trước kỳ thi cũng bị ảnh hưởng rất nhiều do dịch COVID-19”. Ông H’Din nói.
Theo quy định về công tác cán bộ của Tỉnh ủy - UBND tỉnh Gia Lai quy định về công tác cán bộ, đến thời gian tái bổ nhiệm chức vụ, các ứng cử viên phải đầy đủ hồ sơ, giấy tờ, trong đó có cả bằng tốt nghiệp THPT theo đúng quy định. Vì vậy, trong những năm qua nhiều lãnh đạo, công chức, viên chức đã đăng ký đi học bổ túc và tham gia kỳ thi tốt nghiệp để bổ sung vào hồ sơ bằng tốt nghiệp THPT theo đúng quy định.
Bình luận