Thị trường địa ốc năm 2019 được dự báo vẫn tiếp diễn mạch trầm lắng. Nhưng nhiều ý kiến lại cho rằng cơ hội sẽ không thiếu bởi nhu cầu trên thị trường bất động sản đang biến đổi theo sự phát triển của nền kinh tế. Trong khi đó, nền kinh tế năm 2018 tăng trưởng 7,08%, kỷ lục trong 10 năm gần nhất. Điều này đồng nghĩa với đời sống người dân ngày càng cải thiện và nhu cầu nhà ở cũng có sự thay đổi…
Bên cạnh đó, sự phát triển tích cực của thị trường bất động sản những tháng cuối năm cũng mở ra một giai đoạn phát triển tiếp theo, nhất là trong bối cảnh các chủ đầu tư bắt đầu có hướng đi mới.
VTC News phỏng vấn TS. Nguyễn Việt Cường - Chủ tịch Hội đồng quản trị Kosy về những xu hướng phát triển mới của thị trường bất động sản và tiềm năng phát triển của mỗi phân khúc trong 2019.
- Theo ông, thị trường bất động sản Việt Nam năm 2019 sẽ tiếp tục phát triển thế nào?
Năm 2019, các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức song cũng nhiều cơ hội.
Phân khúc nhà ở bình dân có giá vừa túi tiền và phân khúc nhà ở trung cấp vẫn sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ đạo và có tính thanh khoản cao nhất. Tuy nhiên, nguồn cung quỹ đất cho phân khúc này đang thiếu hụt nghiêm trọng, trái ngược với dấu hiệu thừa cung ở phân khúc nhà cao cấp. Do vậy, các chủ đầu tư cần phải tính toán cơ cấu lại sản phẩm và lộ trình, tiến độ đưa sản phẩm ra thị trường. Sự cạnh tranh ở phân khúc căn hộ cao cấp sẽ rất khốc liệt.
Phân khúc bất động sản công nghiệp, văn phòng cho thuê sẽ phát triển mạnh trong năm 2019.
Giá cả của phân khúc đất nền tự phát, đất nông nghiệp phân lô trái phép sẽ trở về giá trị thực và các khu vực bị phân lô trái phép sẽ được rà soát, chấn chỉnh theo quy định của pháp luật.
Sẽ không xảy ra "bong bóng" trong năm 2019.
TS Nguyễn Việt Cường
Phân khúc condotel sẽ tiếp tục xu thế chững lại và giá cả hợp lý hơn.
Ưu thế thuộc về các dự án có vị trí đắc địa, phát triển theo hướng bất động sản xanh, thông minh, tạo ra đẳng cấp khác biệt, độc đáo, tích hợp đồng bộ nhiều tiện ích, dịch vụ, an toàn.
- Bất động sản khu vực nào sẽ nổi sóng trong năm tới, thưa ông?
Sóng bất động sản vẫn sẽ tập trung mạnh ở phân khúc dịch vụ, song có xu hướng chuyển dịch sang hình thái đất nền tại vùng ven các đô thị lớn. Trước đây, đô thị mới thường chỉ tập trung nhiều ở các thành phố lớn, nhưng những năm gần đây, các dự án tỉnh lẻ lại thu hút được sự quan tâm đặc biệt từ thị trường.
Bản chất dòng tiền trong dân không hề thiếu, thậm chí còn được coi là một nguồn khá dồi dào, song do tâm lý “ăn chắc mặc bền” khiến họ lựa chọn các phương án tích lũy khác mà không phải là bất động sản. Tuy nhiên, những năm gần đây, thực tế thanh khoản của các dự án đô thị hay khu dân cư mới tại các tỉnh đã và đang cho thấy sự thay đổi nhất định trong quan điểm này.
- Thời gian gần đây, nhiều luồng ý kiến cho rằng hiện tượng bong bóng tại một số nơi đã hình thành và chỉ chờ chực các hiện tượng khác của nền kinh tế để vỡ ra. Ông nghĩ sao về điều này và liệu kịch bản xấu nhất có thể xảy ra?
Sẽ không xảy ra "bong bóng" trong năm 2019.
Sở dĩ có thể khẳng định được điều này là bởi thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng hiệu quả các công cụ về thuế, tăng cường kiểm soát tín dụng và chặt chẽ hơn các công tác liên quan đến việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng như chủ trương đầu tư dự án.
Đây chính là công cụ hiệu quả để điều tiết thị trường bất động sản ngay khi nó có dấu hiệu nổi bong bóng. Vậy nên, sẽ không có khả năng xảy ra “bong bóng” bất động sản trong năm 2019.
Mặc dù sẽ có những làn sóng mạnh đổ vào từng phân khúc của thị trường, song nó sẽ cho thấy sự vận động sôi động của thị trường nhiều hơn là nỗi lo về “bong bóng”.
- Bên cạnh các công ty trong nước, những năm gần đây xuất hiện một loạt các nhà phát triển dự án nước ngoài đầu tư vào thị trường nhà ở Việt Nam (như Keppel Land, Sunwah Group, Gamuda Land, Lotte…). Ông đánh giá thế nào về xu hướng này?
Việc xuất hiện các nhà đầu tư nước ngoài triển khai phát triển dự án bất động sản ở Việt Nam đang là xu hướng nở rộ trong vài năm trở lại đây. Bạn có thể thấy ở các thành phố lớn như Đà Nẵng, Hà Nội hay TP.HCM, các doanh nghiệp này đặc biệt quan tâm đến các thương hiệu khách sạn quốc tế và phát triển loại hình căn hộ dịch vụ. Họ đều trực tiếp phát triển các dự án có quy mô, tạo ra các công trình lớn và có tính biểu tượng nhất định.
Xu hướng này về bản chất là sẽ là chất xúc tác để chúng ta có cơ hội thanh lọc thị trường, bởi các doanh nghiệp nước ngoài luôn được đánh giá là chuyên nghiệp hơn, nguồn lực tài chính mạnh hơn,… sẽ khiến các doanh nghiệp trong nước buộc phải cải thiện chất lượng dịch vụ, chất lượng dự án để có thể cạnh tranh công bằng, hoặc sẽ bị hụt hơi trong cuộc đua.
Các doanh nghiệp Việt có thể học hỏi được nhiều hơn, song tính đào thải của thị trường đương nhiên cũng vì thế mà sẽ khắt khe hơn.
- Hạ tầng công nghệ như IoT, viễn thông băng thông rộng… được dự báo sẽ tạo nên nhu cầu về không gian sống và làm việc thông minh, có tính kết nối cao và thân thiện với môi trường. Các xu hướng này trên thế giới đang diễn ra như thế nào và việc ứng dụng tại Việt Nam hiện nay ra sao, thưa ông?
Đô thị thông minh hay thành phố thông minh đang là xu thế phát triển và trở thành chiến lược cốt lõi của các thành phố hàng đầu trên thế giới. Và tương tự như thế ở Việt Nam trong bối cảnh hiện tại có nhiều thuận lợi nhất định.
Thuận lợi đầu tiên chính là sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 và xác định rõ đô thị thông minh chính là xu thế tất yếu. Từ quyết tâm của hệ thống chính trị, hành lang pháp lý đang dần hình thành nhằm hỗ trợ và có thêm nhiều giải pháp thu hút đầu tư để triển khai thực hiện mô hình đô thị thông minh.
Chính phủ đã và đang đẩy mạnh thực hiện xây dựng chính phủ điện tử. Đa số các dịch vụ công hiện nay đã chuyển sang trực tuyến (88%). Việt Nam đã cơ bản phủ sóng 4G, 54% dân số dùng Internet và khoảng 55% người Việt sử dụng điện thoại thông minh.
Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn khi triển khai xây dựng đô thị thông minh bởi việc xây dựng đô thị thông minh hiện nay vẫn còn đang thiếu “chuẩn”. Chủ yếu các bộ tiêu chí vẫn đang “dựa” theo tiêu chuẩn quốc tế là nhiều. Cho nên, một trong những việc cần thiết giai đoạn này chính là nhanh chóng xây dựng hệ thống quy chuẩn kỹ thuật để đảm bảo triển khai đồng bộ.
Ngoài ra, khó khăn lớn nhất phải kể đến là chưa tìm đc hình thức hợp tác hay nguồn vốn hiệu quả để xây dựng đô thị thông minh vì việc này đòi hỏi nguồn vốn rất lớn. Trong khi đó, ngân sách nhà nước hiện còn khó khăn. Ngay cả vấn đề thuê dịch vụ thông tin thì cũng chỉ có duy nhất một quyết định thí điểm về hình thức này chứ cũng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Bởi vậy, rất khó thực hiện.
Thời gian tới, chúng tôi kỳ vọng ở hình thức đối tác công tư - đây là hình thức hợp lý để huy động hiệu quả các nguồn lực trong xã hội, đặc biệt sẽ thu hút được cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia xây dựng đô thị thông minh.
Sóng bất động sản vẫn sẽ tập trung mạnh ở phân khúc dịch vụ, song có xu hướng chuyển dịch sang hình thái đất nền tại vùng ven các đô thị lớn
TS Nguyễn Việt Cường
- Ông có thể chia sẻ một số thành quả nổi bật của Kosy trong năm 2018 và chiến lược phát triển cho năm 2019 là gì?
Năm 2018 là năm ghi dấu sự trưởng thành mạnh mẽ của Kosy sau 10 năm hình thành và phát triển với nhiều sự kiện lớn, nhiều dấu mốc quan trọng đã diễn ra trong năm này. Chúng tôi đã tăng vốn thành công lên hàng nghìn tỷ đồng, chính thức khai trương văn phòng đại diện Tập đoàn Kosy tại TP.HCM, khởi công các dự án thủy điện tại Lai Châu,… đồng thời tăng cường đẩy mạnh công tác đầu tư phát triển các dự án có quy mô lớn hơn, ở phân khúc cao cấp hơn thuộc nhiều lĩnh vực tại các tỉnh thành trong cả nước như Hà Nội, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Phú Thọ, Lào Cai, Sa Pa,…
Trong năm 2019, Kosy chủ trương tập trung phát huy thế mạnh cốt lõi là lĩnh vực bất động sản với việc triển khai khởi công nhiều dự án mới, đồng thời phát triển mạnh hơn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, để từ đó tạo ra những giá trị phát triển bền vững trong dài hạn cho Tập đoàn.
Chúng tôi kỳ vọng có thể tự tin khẳng định giá trị thương hiệu là một trong những doanh nghiệp kinh tế đa ngành hàng đầu tại Việt Nam vào năm 2025 và vươn tầm ra thế giới!
Bình luận