• Zalo

Chủ tịch Hiệp hội Nhà Vệ sinh: Người miệt thị chúng tôi đều nhà cao cửa rộng, không đặt mình vào xe ôm, hàng rong, du khách

Thời sựThứ Bảy, 10/11/2018 06:48:00 +07:00Google News

Ông Lê Văn Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam cho rằng, những người phản bác gay gắt cho rằng cụm từ "nhà vệ sinh" thô thiển, phản cảm là những người có nhà cao cửa rộng, không đặt mình vào vị trí xe ôm, hàng rong, du khách.

Ngày 8/11, khi thông tin Bộ Nội vụ trao quyết định thành lập Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam được đăng tải trên nhiều mặt báo, cộng đồng mạng đã "dậy sóng" và cho rằng đây là một hiệp hội không cần thiết.

Nhiều người còn bình luận rằng, chưa cần xét tôn chỉ và mục đích sâu xa nhưng ngay từ cái tên của hiệp hội đã phản cảm, khó chấp nhận.

Liên quan đến vấn đề này, trả lời PV VTC News, ông  Lê Văn Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam cho rằng, những người phản bác gay gắt cho rằng cụm từ "nhà vệ sinh" thô thiển, phản cảm là những người chưa rơi vào hoàn cảnh bí bách khi không có nhà vệ sinh.

nvs1 17

Ngày 8/11, tại trường Đại học Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) Hiệp hội nhà vệ sinh Việt Nam chính thức được thành lập.

- Ông có thể chia sẻ lý do vì sao Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam được ra đời?

Sinh thời, Bác Hồ rất chú ý tới vấn đề nâng cao nhận thức về môi trường cho tất cả mọi người. Bác cho rằng một trong những công việc quan trọng bậc nhất đó là công tác vệ sinh phòng bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Khái niệm “vệ sinh” của Bác rất giản dị, cụ thể. Bác quan tâm từ những vấn đề rất nhỏ về vệ sinh môi trường như đảm bảo nước sạch, hố xí vệ sinh,...

Thế nhưng 60 năm qua, trải qua bao thế hệ, chất lượng nhà vệ sinh của chúng ta vẫn không thay đổi, một số nơi có làm nhưng làm rồi lại đập bỏ, tháo dỡ gây lãng phí.

Nhiều năm nay, thông qua các con, anh em, bạn bè và chính bản thân tôi đã chứng kiến thực trạng nhà vệ sinh công cộng tại nhiều nơi chưa đạt chất lượng, dơ bẩn, người dân chưa có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh chung. Vì vậy, tôi quyết định nghiên cứu về vấn đề nhà vệ sinh và đi nhiều nước để tìm hiểu, khảo sát mô hình, thực trạng nhà vệ sinh của họ.

- Ông đánh giá thế nào về thực trạng nhà vệ sinh ở Việt Nam hiện nay?

Ở Việt Nam, nhiều người vẫn còn thói quen "đi" ngoài đồng, ngoài đường, rất phản cảm.

Trong quá trình nghiên cứu thực tế, khảo sát ở hơn 40 tỉnh thành trên cả nước và thấy nhà vệ sinh ở các trường học, bệnh viện, bến xe, ga tàu... hiện nay quá tệ, chung quy cũng bởi ý thức cộng đồng của người Việt mình.

Do đó, tôi nghĩ, nếu không có một bước đột phá thì không thể thay đổi được. Ở nước ngoài, việc sử dụng nhà vệ sinh của họ rất văn minh, họ không bao giờ "đi bậy", dù thế nào họ cũng phải tìm một chỗ cho đàng hoàng. Tôi mong muốn Việt Nam cũng như vậy. 

Tôi muốn thay đổi ý thức của người Việt bằng cách đi thẳng trọng tâm chứ không vòng vo, e ngại, mắc cỡ nữa bởi đó là nhu cầu thật của cuộc sống.

nvs3 14

Ông Lê văn Hiệp đại diện đoàn chủ tịch thành lập Hiệp hội nhận giấy chứng nhận Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam.

- Có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh cái tên "Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam"...

Thật ra, rôi đã bổ sung thêm chữ "môi trường" vào, thành "Hiệp hội Nhà vệ sinh Môi trường Việt Nam" nhưng do bổ sung trễ nên chưa duyệt xong. Tuy nhiên, theo tôi, trọng tâm vẫn là cụm từ "Nhà vệ sinh", bởi phải khẳng định rõ "nhà vệ sinh" là mối quan tâm hàng đầu và cần thiết.

onghiep-1541731517787508985791-crop-15417315225772016393947 11

onghiep-1541731517787508985791-crop-15417315225772016393947 11

Những người phản đối đa số là những người khá giả, công việc ổn định, họ nhà cao cửa rộng nên họ không suy nghĩ và đặt bản thân vào hoàn cảnh của những người chạy xe ôm, bán hàng rong, hay khách du lịch...

Ông Lê Văn Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam

Những người phản đối đa số là những người khá giả, công việc ổn định. Họ thường chỉ sử dụng nhà vệ sinh ở nhà và nơi làm việc, họ nhà cao cửa rộng nên họ không suy nghĩ và đặt bản thân vào hoàn cảnh của những người chạy xe ôm, bán hàng rong, hay khách du lịch... nên không thể hiểu được sự cần thiết của nhà vệ sinh công cộng.

Đồng thời, tôi đặt chất lượng nhà vệ sinh lên hàng đầu, vừa phổ biến, vừa chất lượng, nên tôi không hề ngại hay xấu hổ với cụm từ này. Những người phản bác gay gắt về việc này là những người chưa rơi vào hoàn cảnh bí bách khi không có nhà vệ sinh.

Đặt trường hợp họ đi du lịch ở một nơi khác, xa lạ, khi rời khách sạn và đi ra ngoài, bỗng họ muốn "đi" nhưng lại không biết "đi" ở đâu, thì tự nhiên họ sẽ ước ở đây có một cái nhà vệ sinh. Vì vậy, tôi muốn nhấn mạnh cụm từ "nhà vệ sinh" để nó gần gũi mọi người. Bây giờ mới nghe có thể chưa quen, nhưng sau này thì sẽ bình thường.

- Ông có bị "lung lay" sau những bình luận tiêu cực trên mạng xã hội?

Thật ra, ý thức hệ của người Việt mình chưa đạt được, nên những cái gì mới, có lợi ích cộng đồng thường trở nên khó nói và vướng mắc. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn khẳng định rằng, nhà vệ sinh là một trong những nhu cầu tất yếu của cuộc sống, mang hệ luỵ trực tiếp đến sức khoẻ cộng đồng, đến chất lượng học tập của trẻ em. Việc lây nhiễm mầm bệnh từ nhà vệ sinh bẩn sang con người rất dễ, gây hệ luỵ về kinh tế, sức khoẻ, giáo dục... 

Cái gì đã mới và lạ thường làm cho mọi người cảm thấy không quen. Cụm từ "Hiệp hội Nhà vệ sinh" cảm thấy thô thiển cũng dễ hiểu.

Do mọi người sử dụng nhà vệ sinh quá bẩn nghe cụm từ "Nhà vệ sinh" thì thấy "ấn tượng", thấy thô thiển, phản cảm. Nhưng tôi cam kết, trong nhiệm kỳ khoảng 5 năm, khi ý thức của con người thay đổi, chất lượng nhà vệ sinh có rồi thì cụm từ này sẽ không phải chỉnh sửa gì nữa. 

Trước đây, khi tôi bắt đầu đi vận động mọi người cùng tham gia, ngay lập tức nhiều người còn cảm thấy khó chịu, tuy nhiên sau khi lắng nghe tôi phân tích thì họ dần bị thuyết phục. Bản thân tôi mong những người dùng mạng xã hội, chưa một lần gặp tôi để nghe phân tích cũng sẽ dần được thuyết phục như thế. Còn bây giờ, tôi vẫn sẽ tiếp thu ý kiến của mọi người.

- Quá trình thành lập hội, ông có vấp phải nhiều khó khăn không?

Tôi phải bỏ toàn bộ tài chính của cá nhân, của công ty và gia đình để nghiên cứu.

Ý tưởng được hình thành cách đây 4 năm xuất phát từ những bức xúc mà bản thân tôi trải qua, khi phải sử dụng nhà vệ sinh kém chất lượng.

Tôi bức xúc khi bản thân tôi, con tôi, cháu tôi phải sử dụng nhà vệ sinh bẩn. Tôi đã từng tài trợ cho trường nơi các con tôi học để làm nhà vệ sinh, nhưng rồi đâu lại vào đó. Làm rồi lại tháo dỡ, đập bỏ, hôi thối, nhếch nhác và không đúng quy chuẩn.

Vì vậy, tôi đã bỏ tiền để thuê 4 người, cùng tôi đi các nước trên thế giới, gia nhập tổ chức nhà vệ sinh thế giới. Sau đó tôi nghiên cứu và bỏ ra khoản tiền rất lớn để nghiên cứu. 

Tôi rất vui, khi gặp lãnh đạo nước mình, một vị lãnh đạo đã động viên tôi: "Rất hoan nghênh chú, vì lẽ ra vấn đề này là nhà nước nghiên cứu chứ không phải bản thân chú. Đã đi đến được bước này rồi thì tôi hoan nghênh chú tiếp tục". Khi nghe những lời đó, tôi thấy trọng trách của mình lại nặng hơn.

Khi đi khắp 40 tỉnh thành ở Việt Nam và vào những trường học, bệnh viện kém chất lượng để quay video làm tư liệu, nhiều lần tôi bị các cơ sở đó phản ứng, chửi bới, đuổi đi.

Tới lúc mang hồ sơ đi trình các cơ quan chức năng để làm, thì lại gặp vướng mắc đây là nghiên cứu mới, các quyết sách về việc này chưa có. Vì thế tôi đã đi theo quyết sách không thu phí người dân, để người dân có ý thức sử dụng nhà vệ sinh văn minh, hiện đại và dần dần bỏ thói quen "đi" ngoài đồng, ngoài đường.

- Mục tiêu và định hướng phát triển của Hiệp hội trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Hiện chúng tôi đang đi theo hướng xã hội hóa, không thu phí người dân khi sử dụng nhà vệ sinh nên trước hết, cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân đặc biệt là đội ngũ xe ôm, bán hàng rong, khách du lịch khi sử dụng nhà vệ sinh và không phóng uế bừa bãi ra đường, các khu công cộng.

Hiện chúng tôi đã có hướng phối hợp với các cơ quan chức năng, đơn vị để có giải pháp thông minh về vốn để nâng cấp, cải tạo, các nhà vệ sinh đạt chuẩn quốc tế, ASEAN để người dân dễ dàng sử dụng.

Trong thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ đề xuất thành lập ở mỗi địa phương một Chi hội Nhà vệ sinh nhằm tạo thành mắt xích quan trọng để phối hợp tuyên truyền, tạo sự thay đổi trong vấn đề nhà vệ sinh ở Việt Nam.

Video: Bộ trưởng Bộ Y tế nói 'Bệnh viện nào nhà vệ sinh bẩn là giám đốc đó ở bẩn'

Xin cảm ơn ông!

Tuệ Lâm
Bình luận
vtcnews.vn