Đơn kiến nghị của ông David Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan ngày 16/7/2018 đề cập đến một số việc đang được dư luận quan tâm.
Đó là việc liên quan đến nội dung tố cáo của một cá nhân đối với VWS về khoản tiền trả trước 9 triệu USD từ ngân sách Nhà nước cho công ty này; việc đơn giá xử lý rác được tính bằng ngoại tệ và việc VWS liên tiếp bị thanh tra trong thời gian qua.
Giải thích về số tiền trả trước 9 triệu USD
Trong đơn cầu cứu gửi Thủ tướng, ông David Dương cho biết: Ngày 5/1/2018, Thanh tra Bộ Tài chính đã thực hiện thanh tra tại VWS, nhằm làm rõ khoản tiền trả trước 9 triệu USD từ ngân sách Nhà nước và đơn giá xử lý rác theo quy định ngoại hối của hợp đồng.
Về việc này, vị Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam giải thích như sau:
Hợp đồng giao nhận và xử lý chất thải rắn giữa đại diện UBND TP.HCM là Sở TN&MT và VWS đã được ký kết vào đầu năm 2006, sau hơn 18 tháng làm việc, đàm phán công khai và công bằng để chọn công nghệ, giá thành xử lý, khối lượng xử lý và thời gian thực hiện hợp đồng để đi đến sự thỏa thuận giữa VWS với tổ đàm phán, gồm nhiều sở ngành chức năng của TP.HCM.
Các điều khoản và điều kiện của hợp đồng đã được soạn thảo theo đúng các quy định của Luật Đầu tư nước ngoài và các luật liên quan khác của Nhà nước Việt Nam; và VWS đã được Bộ KH&ĐT cấp giấy phép đầu tư năm 2005, trở thành doanh nghiệp nước ngoài (FDI) đầu tiên tham gia xã hội hóa trong ngành xử lý môi trường.
Khoản tiền trả trước 9 triệu USD đã được đưa vào tính và khấu trừ trong giá xử lý rác (tính theo tấn) từ lúc ban đầu, để đi đến giá thỏa thuận từ 17,77 USD/tấn xuống còn 16,40 USD/ tấn. Đây cũng là số tiền mà ngân hàng tài trợ cho dự án đã yêu cầu TP.HCM phải trả trước cho VWS để đầu tư vào hạ tầng.
Bởi theo yêu cầu của ngân hàng tài trợ, khu vực xây dựng dự án là một vùng đầm lầy, xung quanh bao bọc sông rạch, sẽ tốn kém rất nhiều chi phí cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Đây còn được xem như lời cam kết của UBND TP.HCM đối với nhà đầu tư nước ngoài lần đầu tiên tham gia vào lĩnh vực xã hội hóa xử lý môi trường cho TP.
Lý do đơn giá xử lý rác được tính bằng USD
Về việc ghi giá xử lý rác bằng đồng USD, ông David Dương cho biết: Căn cứ Pháp lệnh số 28/2005/UBTVQH có hiệu lực từ ngày 1/6/2006 và Pháp lệnh số 06/2013/UBTVQH13 có hiệu lực từ ngày 1/1/2014, cả hai đều ban hành sau ngày ký "Hợp đồng giao, nhận và xử lý chất thải rắn giữa UBND TP.HCM và VWS" (hợp đồng được ký ngày 28/2/2006). Điều này có nghĩa việc ghi giá bằng tiền USD trong hợp đồng không chịu sự điều chỉnh của hai pháp lệnh nói trên (theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật).
Ngoài ra, hai pháp lệnh nói trên đều không quy định các hợp đồng ký kết trước ngày 1/6/2006 hoặc 1/1/2014 phải điều chỉnh lại đơn giá thành tiền đồng Việt Nam, nếu hợp đồng đã được thỏa thuận giá bằng ngoại tệ. Như vậy, đơn giá ghi bằng ngoại tệ trong hợp đồng giữa UBND TP.HCM và VWS không bắt buộc phải điều chỉnh.
Khổ sở vì liên tiếp bị thanh tra
Theo đơn kiến nghị của ông David Dương, dù đã giải thích và làm việc cụ thể với đoàn thanh tra của Bộ Tài chính các nội dung liên quan nhưng đến ngày 3/7/2018, VWS được biết Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục thanh tra nội dung trên theo đơn tố cáo của một công dân là ông Đoàn Văn Đức.
Và cũng theo ông David Dương, nếu tính luôn lần thanh tra sắp tới thì công ty phải "tiếp bốn đoàn thanh tra trong hơn hai năm qua".Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 quy định chỉ được thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp một lần/năm.
Trong đơn cầu cứu, vị Chủ tịch VWS cho biết: Trong quá trình hoạt động VWS luôn phải đối mặt với nhiều thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp; vướng những quy định quản lý chồng chéo giữa các bộ, sở ngành, thiếu sự ổn định, hao phí nhiều thời gian và tiền của. Và nay lại thêm 1 lần thanh tra tiếp theo liên tục trong hơn 2 năm (lần thanh tra trước cũng mất 5 tháng).
Cũng theo đơn cầu cứu, trong thời gian thanh tra, đại diện pháp luật của công ty không được ra nước ngoài công tác, mọi hoạt động tại các phòng ban bị xáo trộn vì nhiều nhân viên phải dành thời gian làm việc với cán bộ của đoàn thanh tra, không còn tinh thần để làm việc.
“Bằng văn bản này, chúng tôi khẩn thiết kính đề nghị Ngài Thủ Tướng bằng sự công tâm nhất xem xét, trực tiếp chủ trì và các Bộ, ban ngành hỗ trợ giải quyết cho chúng tôi – Một doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), đặc biệt là Việt kiều về nước đầu tư theo lời kêu gọi của Chính Phủ (quy định tại Điều 13 của Luật đầu tư năm 2014 về ưu tiên bảo đảm quyền lợi của Nhà đầu tư khi về hoạt động tại Việt Nam) và cho phép chúng tôi được tham gia tất cả các cuộc họp liên quan đến vấn đề của doanh nghiệp vì hơn ai hết chỉ có chúng tôi mới hiểu rõ sự việc để giải trình cụ thể cho các cấp thẩm quyền để trả lại sự công bằng, uy tín – trả lại sự an tâm giúp chúng tôi có thể yên tâm đầu tư, và có thể tái đầu tư, làm tốt công việc của mình đối với dự án và quê hương", ông David Dương viết.
Bình luận