• Zalo

Chủ tịch Hà Nội: 'Vụ cháy EVN không khác nào vụ 11/9'

Thời sựThứ Sáu, 16/12/2011 11:17:00 +07:00Google News

(VCT News) - “Vụ cháy tòa nhà EVN chiều qua nhìn những hình ảnh đó chẳng khác nào vụ tháp đôi ở Mỹ vào ngày 11/9/2001", Chủ tịch Hà Nội nhận xét.

(VCT News) - “Vụ cháy tòa nhà EVN chiều qua báo chí cập nhật liên tục, tôi cũng theo dõi khá sát tình hình. Nhìn những hình ảnh đó chẳng khác nào vụ tháp đôi ở Mỹ vào ngày 11/9/2001, nó làm chấn động cả nước, làm tinh thần người dân nao núng”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đánh giá.

Ngay sau vụ cháy tại tòa nhà Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) chiều tối qua, sáng nay (16/12) Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã triệu tập cuộc họp khẩn giữa Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Sở, Ngành có liên quan để đánh giá lại công tác phòng cháy chữa cháy tại Hà Nội thời gian qua và chỉ đạo công việc thời gian tới.

Chủ tịch Hà Nội ví vụ cháy tại tòa nhà EVN như vụ khủng bố 11/9 tại Mỹ.

Nói về vụ cháy tại tòa nhà EVN chiều qua, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, đặt câu hỏi: "Tôi theo dõi nhưng không thấy các đồng chí huy động thêm trực thăng tới giải cứu người. Cái đấy chỉ cần phối hợp với Quân đội điều động trực thăng tới, rồi thả dây xuống nóc nhà để đưa người còn mắc kẹt lại khỏi tòa nhà, vì lúc đấy tất cả người mắc kẹt lại đều đã chạy hết lên nóc nhà. Vì vậy, tôi đề nghị Sở PCCC Hà Nội cũng phải có trực thăng”, Chủ tịch Hà Nội nói.

Chủ tịch Hà Nội cũng chỉ đạo, cần khắc phục hậu quả ngay. Về những công nhân bị thương phải đưa đi cấp cứu cần kiểm tra sức khỏe toàn diện, ban đầu thì chăm sóc theo dõi, số người không sao thì cho về nhà. Tuy nhiên, hậu quả của nó đến sức khỏe các công nhân do nhiễm độc khói phải có theo dõi thường xuyên, và có hướng xử lý.

Đồng thời, Sở LĐ-TB&XH, Tổng Công ty điện lực VN cần quan tâm đến anh em, chăm sóc, bồi dưỡng để không để lại hậu quả với sức khỏe của họ.

“Chủ đầu tư, đơn vị thi công cần sớm khắc phục hậu quả của vụ cháy. Cơ quan quản lý xử lý trách nhiệm theo quy định của luật pháp, không thể chỉ đơn thuần là rút kinh nghiệp. Mục tiêu không chỉ là khắc phục hậu quả, còn phải xử lý kiểm điểm, rút kinh nghiệm, trên cơ sở rút kinh nghiệm thì có biện pháp khắc phục”, ông Thảo chỉ đạo.

Cũng tại cuộc họp, Chủ tịch Hà Nội chỉ ra hàng loạt vấn đề an toàn các công trường xây dựng tại Hà Nội, như bao giờ trước thi công việc an toàn phóng cháy, chữa cháy phải được quan tâm đầu tiên, nếu không đảm bảo phương án sẽ không được cấp pháp xây dựng, việc này cần kiểm tra lại, nếu chỗ nào không đảm bảo cần xử lý ngay.

“Hay như vấn đề của tháo hiểm cũng chưa được tốt, tại một số nhà các cửa đều được đóng chặt, nếu khi xảy ra cháy anh phải làm thế nào, chứ không phải là mở mãi ko được”, ông Thảo dẫn chứng.

Chủ tịch Hà Nội đánh giá, “qua vụ cháy tại tòa nhà EVN, vấn đề quản lý tổ chức thi công, kỹ thuật, an toàn lao động, phóng cháy của chúng ta có vấn đề, phải siết chặt lại. Trong luật đều có hết, nhưng việc thực hiện vẫn chưa tốt”.

Ngay sau vụ cháy tại tòa nhà EVN, Hà Nội đã phải triệu tập cuộc họp khẩn để chỉ đạo siết lại tình hình. 

Vì vậy, Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo các Sở, ngành thời gian tới cần tăng cường công tác phóng cháy chữa cháy, hạn chế tối thiểu thiệt hại xảy ra. Việc chữa cháy tại Hà Nội thời gian qua còn một số hạn chế, do nhân và vật lực còn nhiều thiếu thốn, việc điều động xe chữa cháy tới hiện trường gặp khó khăn do vụ cháy xảy ra vào giờ cao điểm…

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu, Sở Cảnh sát PCCC là nòng cốt phải xây dựng các tình huống diễn tập cho thực tế, phối hợp lực lượng đa dạng. Vì hiện nay Sở này vừa tách ra, nên nếu phối hợp không cẩn thận thì sự phối hợp sẽ rất khó khăn.

“Sở Tài chính cung cấp kinh phí để Sở Cảnh sát PCCC trang bị thêm trang thiết bị chữa cháy, trang thiết bị bảo hộ có đầy đủ thì anh em mới nhảy vào lửa được, giờ mỗi cái mũ bảo anh em nhảy vào lửa thì sao dám nhảy”, - ông Thảo chỉ đạo.
 
Ngoài ra, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu các Sở, ngành cần tăng người phối hợp hơn nữa trong công tác phònng cháy chữa cháy, thanh kiểm tra công tác phóng cháy, an toàn lao động… tại các công trường đang xây dựng, tòa nhà cao tầng đang sử dụng.

Tổng Công ty điện lực Việt Nam cần tăng cường an toàn điện, không riêng gì vụ việc này, mà phải kiểm tra việc sử dụng điện tại các công trường, tòa nhà.

“Thời gian qua Hà Nội đã thay toàn bộ hệ thống dây điện có vỏ, nhưng hiện nay việc quản lý vẫn còn rất lơi lỏng, những tòa nhà cao ốc đã kiểm tra và đưa vào sử dụng rồi nhưng giờ sử dụng thế nào, cũng phải kiểm tra, nếu nó cháy thì làm sao?”, ông Thảo nói.

Ngoài ra, theo Chủ tịch Hà Nội, vấn đề cùng cấp thông tin với báo chí cũng phải kịp thời, chuẩn xác để thống nhất thông tin cung cấp tới người dân.

Chủ tịch Hà Nội gửi lời khen ngợi đến lực lượng phòng cháy chữa cháy đã phản ứng kịp thời, chỉ trong 30 phút đã huy động được lực lượng hùng hậu đến hiện trường, với tinh thần khẩn trương, có trách nhiệm.

Cũng tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cho biết, thời gian qua tại Hà Nội đã xảy ra hàng loạt vụ cháy nổ, như nổ khí gas, cháy xe máy, cháy nhà… Hà Nội cũng đã ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo các Sở, Ngành, địa phương siết chặt quản lý, tăng cường thanh kiểm tra công tác phóng cháy, chữa cháy.

Đồng thời, Hà Nội đã cho xây dựng thêm 500 họng cứu hỏa. Tuy nhiên, hiện nay một số vùng ngoại thành vẫn chưa có họng cứu hỏa bằng nước máy, đa phần dùng nước ao hồ, đây là một bất cập cần khắc phục ngay.

Ông Khôi cũng đề xuất cho huy động các vị trí, bến xe còn trống để tập kết phương tiện phóng cháy chữa cháy.

Lê Việt

Bình luận
vtcnews.vn