• Zalo

Chủ tịch Hà Nội: ‘Người dân băn khoăn chất lượng thuốc phun diệt muỗi’

Thời sựThứ Năm, 24/08/2017 21:56:00 +07:00Google News

Ông Nguyễn Đức Chung đã chất vấn lãnh đạo Trung tâm y tế dự phòng về chất lượng thuốc phun diệt muỗi phòng chống sốt xuất huyết.

Chiều 24/8, tại cuộc giao ban trực tuyến của thành phố Hà Nội về phòng chống sốt xuất huyết, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho hay, người dân có băn khoăn chất lượng thuốc phun diệt muỗi và đề nghị ngành y tế tăng cường kiểm soát.

chu-tich-ha-noi-nguoi-dan-nghi-ngai-chat-luong-thuoc-phun-chong-muoi

 

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu kiểm soát chặt chất lượng thuốc diệt muỗi. Ảnh minh hoạ: Ngọc Thành.

Theo ông Chung, có dư luận liên quan đến chất lượng hoá chất hoà vào nước phun diệt muỗi không đảm bảo dẫn đến con muỗi không chết. “Việc này có hay không”, người đứng đầu chính quyền Hà Nội đặt câu hỏi với ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng thành phố.

Ông Cảm thông tin, hoá chất thành phố đang dùng để phun diệt muỗi sốt xuất huyết là hoá chất do Việt Nam sản xuất được Bộ Y tế khuyến cáo dùng. Ngành y tế Thủ đô mua loại hoá chất này và "đây là loại hoá chất thế hệ mới nhất, tốt nhất, sẵn có và khi cần có thể huy động được ngay”.

Cũng theo ông Cảm, đánh giá của các cơ quan độc lập cho thấy tỷ lệ diệt muỗi mang mầm bệnh sốt xuất huyết của hoá chất trên lên đến 95%.

Lãnh đạo ngành y tế dự phòng Hà Nội cho biết thêm, hoá chất chỉ diệt muỗi có virus sốt xuất huyết và hai tiếng sau khi phun là không còn tác dụng, nên việc nghi ngại của người dân là đúng vì chỉ phun thuốc hôm trước hôm sau lại thấy có muỗi.

Video: Máy cao áp phun 'trắng trời' ở nghĩa trang diệt muỗi

Lấy dẫn chứng việc TP HCM đổ 100 tấn hoá chất xuống kênh Nhiêu Lộc cũng không diệt được hết muỗi, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội cho rằng phun thuốc chỉ là phần ngọn, cái gốc để phòng chống sốt xuất huyết là đảm bảo môi trường.

Chủ tịch Hà Nội cho rằng "những nghi ngại của người dân thường có phần đúng", vì những năm trước mấy ngày sau khi phun thuốc vẫn không có muỗi. Ông Chung yêu cầu ngành y tế tăng cường kiểm tra chất lượng thuốc hoà vào nước để phun có đúng tỷ lệ hay không, và tìm hiểu kỹ về hoá chất vì nếu chỉ có tác dụng diệt muỗi trong vòng hai tiếng thì “không ổn lắm”.

Lãnh đạo thành phố cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân để dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp như thời gian qua có trách nhiệm của Trung tâm y tế dự phòng và Sở Y tế trong việc dự báo, đánh giá và tuyên truyền phòng chống dịch.

chu-tich-ha-noi-nguoi-dan-nghi-ngai-chat-luong-thuoc-phun-chong-muoi-1

 Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội cho rằng, diệt loăng quăng, bộ gậy là giải pháp căn bản để phòng chống dịch sốt xuất huyết. (Ảnh minh hoạ. Nam Phương)

Thời gian tới, ông Chung yêu cầu các quận, huyện, thị xã tăng cường thông tin đến người dân các biện pháp tự phòng chống dịch, tờ rơi phải được phát đến mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị; hoàn thành việc phun đủ ba lần trước ngày khai giảng tại tất cả các trường học trên địa bàn, tuyệt đối không để phát sinh ổ dịch tại trường học; bổ sung kinh phí mua máy phun, hỗ trợ cho lực lượng xung kích diệt bọ gậy…

Phát biểu tại buổi giao ban, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng “chưa có dấu hiệu nào cho thấy thành phố Hà Nội đã kiểm soát được dịch sốt xuất huyết”.

Theo ông, Hà Nội hiện đứng đầu cả nước về số ca mắc, Bộ Y tế đánh giá dịch “rất đáng quan ngại". Lãnh đạo thành phố đã vào cuộc rất quyết liệt, nhưng “chỉ nóng ở cấp thành phố, cấp quận huyện chưa nóng, cấp phường xã còn bình chân như vại”.

Lãnh đạo Bộ Y tế thẳng thắn nêu, qua công tác giám sát độc lập của Bộ cho thấy, việc diệt loăng quăng, bọ gậy chưa triệt để, hiệu quả hoạt động của đội xung kích chưa tốt.

“Sở ban ngành và chính quyền địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ hơn, áp dụng tất cả các biện pháp phun, nếu cần thiết Bộ sẽ tiếp tục huy động hỗ trợ thành phố”, Thứ trưởng Y tế nói.

Tính đến 23/8, cả nước đã ghi nhận trên 99.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 26 trường hợp tử vong (số mắc tăng gần 48% so với cùng kỳ, số tử vong tăng chín trường hợp).

Tại Hà Nội, có gần 20.000 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, bảy trường hợp tử vong. Các quận, huyện có số mắc từ 1.000 trở lên gồm: Hoàng Mai (3.200), Đống Đa (3.100), Hai Bà Trưng (1.800), Thanh Xuân (1.600), Hà Đông (1.300), Cầu Giấy (1.200), Thanh Trì (1.100), Ba Đình (1.000).

Theo sở y tế Hà Nội, số bệnh nhân đang điều trị nội trú tại bệnh viện trên 2.300 trường hợp và có xu hướng giảm so với các tuần trước (tuần trước trung bình 2.700 bệnh nhân/ngày, tuần này trung bình 2.400 bệnh nhân/ngày).

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận
vtcnews.vn