Từ ngày 1/10, sau khi TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai nới lỏng giãn cách xã hội, mỗi ngày có hàng chục nghìn người lao động trên địa bàn ùn ùn kéo về quê. Trong vòng 6 ngày (từ 30/9 đến hết ngày 5/10) đã có hơn 123.000 người rời Bình Dương về quê.
Bài toán đưa tỉnh phục hồi kinh tế sau nhiều tháng giãn cách chưa được giải quyết thì vấn đề thiếu hụt lao động trầm trọng lại được đặt ra. Lúc này, để trở về trạng thái "bình thường mới" cần có sự quyết liệt của các cấp, ngành chức năng.
Chủ tịch Bình Dương kêu gọi các doanh nghiệp mở cửa trở lại
Chiều 8/10, trả lời VTC News, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tính đến ngày 6/10, toàn tỉnh có 3.330 doanh nghiệp đã đăng ký và đang hoạt động “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 địa điểm”, “3 xanh”. Hiện tỉnh đang tạo cơ chế mở nhằm kêu gọi các doanh nghiệp mở cửa trở lại.
Dựa trên cơ sở các kiến nghị của hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, tỉnh đề nghị các cấp, ngành chức năng, địa phương thảo luận, tháo gỡ các nhóm vấn đề gây khó khăn cho doanh nghiệp như: phương án mở lại, chuyển đổi mô hình sản xuất, vấn đề lao động, lưu thông liên tỉnh, các quy định về xét nghiệm cho công nhân nhà máy...
Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, Sở Công Thương, các địa phương vùng xanh sẽ phối hợp tạo điều kiện cho doanh nghiệp đi vào hoạt động kèm theo hướng dẫn, phương án phòng chống dịch COVID-19. Các doanh nghiệp có quy mô lớn, môi trường dễ bùng phát dịch trước sẽ được ưu tiên quan tâm hàng đầu.
Đối với vấn đề xử lý F0 trong doanh nghiệp, ngành y tế sẽ tiếp tục chú trọng hướng dẫn xử lý F0. Cấp huyện thành lập đội phản ứng nhanh xử lý F0 để tiếp nhận thông tin, phối hợp xử lý F0 cho doanh nghiệp khi xảy ra. Trong đó, địa phương cần triển khai mạnh mẽ việc xây dựng pháo đài xanh tại nhà trọ.
Các doanh nghiệp sẽ được hướng dẫn đăng ký hoạt động mới về quy trình xét nghiệm theo nguyên tắc trong 1 - 2 lần/tuần trong khoảng thời gian đầu trên nguyên tắc tầm soát hết người lao động. Để thuận tiện trong việc kiểm soát, tỉnh sẽ áp dụng quản lý dịch bệnh chung cho tất cả doanh nghiệp theo hướng áp dụng công nghệ vào phòng chống dịch.
Các doanh nghiệp đi vào hoạt động trở lại sẽ được tổ chức tiêm vaccine mũi 2 ngay tại nhà máy. Do còn nhiều vùng nguy cơ, cần phải thận trọng về quản lý đi lại, doanh nghiệp tự cấp giấy chứng nhận từ công ty đến nhà máy. Tỉnh cũng cho phép doanh nghiệp tổ chức đi lại liên tỉnh bằng ô tô, xe ô tô đưa đón chuyên gia đảm bảo quy định.
"Các cấp, ngành chức năng đã và đang tiếp tục khẩn trương phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động khó khăn. Những người lao động có nhu cầu trở lại Bình Dương làm việc sẽ được sắp xếp phương án hỗ trợ", ông Minh nói.
Tập trung 5 nhóm nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, trở lại “bình thường mới”, Bình Dương có khoảng 85% doanh nghiệp chuẩn bị khởi động lại. Hiện đơn vị đang ưu tiên phối hợp với các địa phương để đón chuyên gia, người lao động quay lại làm việc.
Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh đang thực hiện khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động, hỗ trợ an sinh cho các đối tượng khó khăn, hướng tới sống chung với dịch bệnh, ổn định sản xuất lâu dài.
Để sớm khôi phục sản xuất, Bình Dương đang đẩy mạnh ưu tiên tiêm vaccie mũi 2 cho công nhân, người lao động.
Đặc biệt, tỉnh sẽ tập trung thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, bao gồm: Hỗ trợ tín dụng, thực hiện các chính sách thuế, bảo hiểm xã hội, lao động, tiếp cận thị trường.
Tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ. Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết, Bình Dương vừa được phân bổ 1 triệu liều vaccine Vero Cell và các loại vaccine khác. Trong tháng 10, tỉnh sẽ phối hợp với các doanh nghiệp đẩy nhanh tiêm vaccine mũi 2 cho người lao động.
Sở cũng sẽ giới thiệu cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vật tư y tế xét nghiệm kháng nguyên từ Hàn Quốc với giá dưới 65.000 đồng/test. Nếu test mẫu "gộp 3" và với tần suất 3 ngày/lần thì chi phí cho mỗi công nhân sẽ rất thấp, giải tỏa những áp lực về tài chính cho doanh nghiệp sau dịch bệnh.
Bình luận