Tại buổi họp báo thông báo nội dung nổi bật của Hội nghị Thủ tướng Chính phủ và doanh nghiệp lần thứ 2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: "Tại hội nghị diễn ra sáng 17/5, trong số 2.000 đại biểu trực tiếp dự tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia thì có tới 1.500 đại biểu doanh nghiệp tư nhân.
Chính phủ xác định doanh nghiệp là động lực phát triển của nền kinh tế; cần cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp tư nhân chính là đối tượng cần nhất điều này".
Một năm thực hiện Nghị quyết 35 đã đạt nhiều kết quả tích cực, tạo dựng niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện những cam kết của Chính phủ đối với cộng đồng doanh nghiệp, truyền đi thông điệp mạnh mẽ về Chính phủ kiến tạo, phục vụ, hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.
Sau một năm triển khai Nghị quyết, trong năm 2016, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 110.100 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký trên 900 nghìn tỷ đồng, đạt kỷ lục cao nhất về số lượng từ trước tới nay. 4 tháng đầu năm 2017 có gần 40.000 doanh nghiệp thành lập mới.
“Chúng ta cũng nhận thấy rất rõ chưa bao giờ tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp lại sôi động, mạnh mẽ, có sức sống như thời gian vừa qua” – Bộ trưởng nhận định.
Nghị quyết 35 đặt mục tiêu tới 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực tư nhân đóng góp khoảng 48-49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm v.v…
Về đầu tư nước ngoài, tính đến cuối năm 2016 cả nước có 2.613 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký là 15,81 tỷ USD, tăng 23,3% về số dự án và bằng 96,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Riêng trong 4 tháng đầu năm 2017 cả nước có 734 dự án mới được cấp giấy chứng nhận với tổng vốn đăng ký là 4,88 tỷ USD, bằng 96% so với cùng kỳ năm 2016.
Video: Bầu Đệ tố doanh nghiệp bị địa phương 'lật kèo'
Chính phủ trả lời nhiều vấn đề nóng hổi
Tại buổi họp báo, phóng viên các tờ báo đã đặt những câu hỏi nóng đến Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Báo Tuổi Trẻ TPHCM:Một trong những công việc rất quan trọng của Thủ tướng là giảm chi phí kinh doanh cho DN. Vậy trong cuộc họp của Thủ tướng với các bộ ngành, Thủ tướng đã có những chỉ đạo cụ thể gì với từng bộ ngành và có những chỉ tiêu nào để tạo cơ sở cho DN kiểm tra những chi phí kinh doanh không chính thức đang là gánh nặng cho DN?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Việc giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp (DN) là việc rất quan trọng như tôi vừa nói ở trên. Ngay cả vấn đề cải cách thủ tục hành chính, vấn đề công khai trả kết quả tại dịch vụ công và thành lập những trung tâm dịch vụ công, việc thanh toán ở các bưu điện công ích… và nhiều việc khác nữa.
Mục tiêu là năm nay sẽ tập trung tháo gỡ các rào cản, nhất là các thủ tục, giấy phép con, lợi ích nhóm… để giảm những chi phí chính thức và chi phí không chính thức, để giảm giá thành, để có điều kiện cạnh tranh sản phẩm.
Đây là điều tiên quyết của Thủ tướng Chính phủ và của cả Chính phủ.
Báo Người tiêu dùng:Vừa qua, Bộ Tài chính có văn bản 2000/BTC-TTr gửi kiến nghị lên Thủ tướng nêu 60 dự án sẽ tiến hành thanh tra liên quan tới cổ phần hóa. Người mua nhà cảm giác đây như là một sai phạm của chủ đầu tư, dẫn tới hiệu ứng nhiều người mua nhà, nhà đầu tư thứ cấp rút tiền, gây hiệu ứng xấu. Cũng trong văn bản này, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các thành phố lớn có các dự án chung cư cao tầng, tạm đình chỉ các tòa nhà chung cư đó để phục vụ công tác thanh tra. Xin được hỏi về quan điểm của Chính phủ về việc này?
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn: Việc này được thực hiện theo yêu cầu của Thủ tướng giao Bộ Tài chính cùng các bộ rà soát tình trạng sử dụng đất của DN cổ phần hóa, báo cáo Thủ tướng và kiến nghị giải pháp.
Do vậy, chúng tôi đề nghị cho phép chuyển danh sách 60 dự án đó sang cho Thanh tra Chính phủ tham khảo để chọn ra các đối tượng rủi ro để thực hiện thanh tra, kiểm tra. Chính phủ đã chấp nhận kiến nghị đó.
Kiến nghị thứ hai, trong số 60 dự án đó, đối với các dự án có dấu hiệu vi phạm, gây bức xúc trong dư luận thì kiến nghị Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh đình những cái đang thực hiện, chứ không phải tất cả.
Như vậy, việc Bộ Tài chính báo cáo là theo yêu cầu của Chính phủ, và theo chức năng nhiệm vụ, kiến nghị đó là theo đúng đối tượng vi phạm thì cần phải có biện pháp ngăn chặn và khắc phục.
Bình luận