• Zalo

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp: Vẫn còn trường hợp bị oan trong điều tra, truy tố

Chính trịThứ Năm, 25/03/2021 10:45:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, ngành kiểm sát vẫn còn để xảy ra các trường hợp bị oan trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố.

Sáng 25/3, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra Báo cáo của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao về công tác của ngành Kiểm sát Nhân dân và Báo cáo của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao về công tác của ngành Tòa án Nhân dân nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội cho biết về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự theo báo cáo của Viện trưởng VKSNDTC, Uỷ ban Tư pháp nhận thấy vẫn còn để xảy ra các trường hợp bị oan trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố liên quan đến trách nhiệm của VKSND.

"Số vụ tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung mà VKS chấp nhận còn khá lớn, trong đó có nhiều trường hợp tòa án trả hồ sơ cho VKS yêu cầu khởi tố tội phạm mới, người phạm tội mới, phản ánh chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra trong các vụ án này còn chưa đáp ứng yêu cầu", bà Nga cho biết.

Ngoài ra, vẫn còn xảy ra một số trường hợp bị truy tố oan, truy tố sai tội danh, sai khung hình phạt; VKSND phải rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa. Một số kháng nghị thiếu căn cứ, sau đó VKSND cấp trên phải rút kháng nghị của VKSND cấp dưới.

Về công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm còn chưa đạt chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội, nhất là tại VKSNDTC.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp: Vẫn còn trường hợp bị oan trong điều tra, truy tố  - 1

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga.

Thẩm tra báo cáo của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao về công tác của ngành Tòa án Nhân dân, Chủ nhiệm Lê Thị Nga cho biết, Uỷ ban Tư pháp tán thành với báo cáo của TANDTC. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp phải hủy, sửa án do nguyên nhân chủ quan.

Một số trường hợp áp dụng tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng, quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, cho hưởng án treo chưa chính xác. Qua khảo sát cho thấy, số lượng kháng nghị giám đốc thẩm của TAND cấp cao đối với TAND cấp huyện ít hơn so với trước đây khi thẩm quyền này thuộc TAND cấp tỉnh.

Một số trường hợp phải hủy, sửa án do nguyên nhân chủ quan. Một số vụ án kinh doanh thương mại, giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp thời gian giải quyết còn dài; Có trường hợp sau khi tuyên án, đương sự phản ứng bức xúc với kết quả xét xử.

Tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm các loại án chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội.

Xuân Trường
Bình luận
vtcnews.vn