• Zalo

Chủ nhân hòn đá bị 'bắt giam' kháng cáo

Pháp luậtThứ Năm, 05/09/2013 08:00:00 +07:00Google News

(VTC News) - Cho rằng tòa án xử ép mình, bà Sắc đã làm đơn kháng án lên TAND tỉnh Gia Lai và đã được chấp thuận.

(VTC News) - Cho rằng tòa án xử ép mình, bà Sắc đã làm đơn kháng án lên TAND tỉnh Gia Lai và đã được chấp thuận.




Chiều 5/9, bà Trần Trị Sắc (trú thôn Ia Sa, xã HBông, huyện Chư Sê, Gia Lai) cho biết, bà đã chính thức nộp đơn kháng cáo bản án số 01/2013/HC-ST, ngày 22/8/2013 của TAND huyện Chư Sê và đã được đơn vị này chấp thuận.

Lý do kháng cáo, theo bà Sắc, bản án sơ thẩm số 01/2013/HC-ST không khách quan, không đúng sự thật. Toàn bộ nội dung bản án đều xử ép đối với bà. Bởi thực chất, cục đá bà có được là do trong quá trình đào ao lấy nước tưới cho cây trồng trên diện tích đất hợp pháp, đã được chính UBND huyện Chư Sê cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hơn nữa, việc đào ao của bà cũng đã được UBND xã H’bông cho phép và xác nhận vào đơn của bà.

cục đá, xét xử, cưỡng chế, xử phạt, TAND, Gia Lai
Cục đá, tang vật của vụ án không hiểu sao không bị niêm phong mà lại được đưa đi trưng bày ở Quảng Trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku).

Bên cạnh đó, các thủ tục xử phạt của UBND huyện không đúng với quy định của pháp luật về xử phạt hành chính như: thành phần, chức năng và thẩm quyền xử phạt đều trái luật.

Khi bà khởi kiện QĐ số 17/QĐ-UBND, ngày 30/5/2012 của chủ tịch UBND huyện Chư Sê và trong khi vụ án đang được TAND huyện thụ lý giải quyết, Tòa án không tiến hành niêm phong tang vật (cục đá) mà ngược lại lại để UBND huyện này di lý cục đá đi nơi khác…

cục đá, xét xử, cưỡng chế, xử phạt, TAND, Gia Lai
Trước đó, cục đá được "giam" trong lồng sắt.

Như đã thông tin, trước đó, vào ngày 14/3/2012, do nhu cầu về nguồn nước tưới cho cây hồ tiêu được trồng trên đất đã được UBND huyện cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, bà Sắc đã thuê máy đào ao lấy nước tưới. Trong quá trình đào ao, gặp phải một cục đá lớn, bà đã thuê máy cẩu lên. Phát hiện cục đá có màu sắc đẹp mắt, bà Sắc đã đưa về nhà người quen cùng xã để lau chùi, đánh bóng nhằm trưng bày trong gia đình.

Ngày 28/3/2012, đoàn cán bộ liên ngành huyện này thấy vậy đã đến lập biên bản tịch thu cục đá mà không nêu rõ lý do. Ngày 18/4/2012, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã mời bà Sắc lên lập biên bản xử phạt hành chính với hành vi “Vận chuyển khoáng sản trái phép”.

Tiếp đó, ngày 30/5/2012, ông Nguyễn Hồng Linh, chủ tịch UBND huyện Chư Sê đã ký Quyết định số 17/QĐ- UBND xử phạt hành chính bà Sắc 2 triệu đồng về hành vi “vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp” kèm theo hình phạt bổ sung: Tịch thu hòn đá. Sau đó, chính quyền huyện này đã bỏ một số tiền hàng chục triệu đồng để hàn một cái lồng sắt thật lớn giam hòn đá này trong lồng một thời gian dài.

cục đá, xét xử, cưỡng chế, xử phạt, TAND, Gia Lai
Nguyên đơn Trần Thị Sắc tại phiên tòa sơ thẩm 

Ngày 5/6/2012, bà Sắc gửi đơn khởi kiện vụ án hành chính đến TAND huyện Chư Sê, đề nghị tòa án tuyên huỷ QĐ số 17 của UBND huyện và trả cục đá nêu trên cho bà.

Ngày 21, 22/8/2013, Tòa án nhân dân huyện Chư Sê mở phiên tòa xét xử hòn đá. Tại phiên tòa, trước những chứng cứ rành rành được đưa ra, luật sư Võ Thị Tiết (Đoàn Luật sư Bình Định), người bảo vệ nguyên đơn đã chứng minh hàng loạt những sai sót pháp lý xung quanh quyết định hành chính của chủ tịch huyện và khẳng định: “Toàn bộ các văn bản liên quan mà các cấp huyện Chư Sê ban hành để tịch thu hòn đá của bà Sắc đều trái quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên, vị đại diện bị đơn (chủ tịch UBND huyện) là ông Nguyễn Đình Viên- Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện lại phát biểu rằng “tôi nghĩ thế là đúng”, HĐXX cũng cho là như vậy và đã tuyên bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Sắc.




Ánh Ngân
Bình luận
vtcnews.vn