Được biết, Air Mekong được góp vốn bởi các cổ đông lớn có tiềm lực mạnh - Vậy ai đang là “ông chủ “ của hãng hàng không này?
Công ty cổ phần Hàng không Mekong (Air Mekong) được thành lập từ năm 2009, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 09/10/2010 với vốn điều lệ ban đầu 200 tỷ đồng. Theo số liệu của CAPA, vào tháng 2/2012 thì thị phần hàng không nội địa của Air Mekong chiếm tầm 6% nhưng đến cuối năm chỉ còn khoảng 3.4%.
Air Mekong trực thuộc BIM Group (Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Sản xuất Hạ Long). BIM Group hoạt động đa ngành, từ vận tải, đầu tư bất động sản, dịch vụ, công nghiệp đến thủy sản.
Ông Đoàn Quốc Việt là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Tập đoàn BIM, Chủ tịch HĐQT Air Mekong. Ngoài Air Mekong, tập đoàn BIM còn có các thành viên như Công ty TNHH BIM Kiên Giang, CTCP Thủy sản BIM, CTCP muối Ninh Thuận, Công ty TNHH Syrena và Công ty liên doanh TNHH Hạ Long Plaza.
Thị phần hàng không nội địa Việt Nam ước tính đến hết năm 2012:
Nguồn: theo CAPA - Centre for Aviation
Đến đầu năm 2011, Air Mekong cho biết đã trình đề xuất muốn bán 30% cổ phần cho tập đoàn hàng không Mỹ SkyWest. Mặc dù Air Mekong không công bố chính thức tỷ lệ sở hữu của SkyWest là bao nhiêu nhưng theo thông tin trên các phương tiện truyền thông nước ngoài thì tổng số đầu tư của SkyWest tại Air Mekong vào khoảng 10 triệu USD (hơn 30% vốn).
Tiếp đó, vào ngày 06/06/2012, Eximbank tiến hành lễ ký kết đối tác chiến lược, tham gia góp 11% vốn điều lệ và cũng trở thành cổ đông lớn của Air Mekong. Thông qua thỏa thuận hợp tác với Eximbank, Air Mekong dự kiến tăng vốn điều lệ lên 600 tỷ đồng.
Như vậy, có thể điểm mặt được ba cổ đông lớn của Air Mekong là đơn vị sáng lập BIM Group, SkyWest (Công ty Hàng không Hoa Kỳ) và Ngân hàng Eximbank. Đây đều là những cổ đông lớn và có tiềm lực mạnh về tài chính lẫn lĩnh vực hàng không.
Được biết, báo cáo tài chính của SkyWest thời gian qua liên tục ghi nhận những khoản lỗ từ Air Mekong.
Air Mekong là hãng hàng không tư nhân thứ ba được cấp phép tại Việt Nam, sau VietJet Air và Indochina Airlines. Tuy nhiên, Indochina Airlines đã ngừng bay vào cuối tháng 10/2009, chỉ sau chưa đầy một năm khai thác.
Thị phần ước tính hết năm 2012 của Jetstar Pacific khoảng 13%. Trong đó, hai cổ đông chính là Vietnam Airlines với 66.93 % cổ phần và 30 % cổ phần của Hãng hàng không quốc gia Úc – Tập đoàn Qantas. Phần còn lại là của các cổ đông Việt Nam khác như Tổng công ty du lịch Saigon Tourist.
Chiếm thị phần cũng khá lớn là VietJet Air, hãng hàng không này có các cổ đông sáng lập là Tập đoàn T&C, Sovico Holdings và Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank) với vốn điều lệ ban đầu là 600 tỷ đồng và là hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam.
Cuối tháng 4/2009, Sovico Holdings đã mua lại toàn bộ số cổ phần của Tập đoàn T&C và sở hữu 82% cổ phần của VietJetAir. Tháng 2/2010, hãng AirAsia mua lại 30% cổ phần của VietJetAir.
Theo Vietstock, FFN
Bình luận