• Zalo

Chủ đề hóa đơn tiền điện lại nóng vào đầu hè

Kinh tếThứ Năm, 11/04/2019 11:00:00 +07:00Google News

Thời tiết đang dần chuyển sang giai đoạn đầu hè, nhiệt độ có chiều hướng tăng dần vào đầu tháng 4/2019.

Chưa vào dịp cao điểm của mùa hè, nhiều khách hàng sử dụng điện trên địa bàn thành phố Hà Nội đã “té ngửa” khi nhìn thấy hóa đơn tiền điện tăng phi mã. Đến hẹn lại lên, chủ đề hóa đơn tiền điện lại trở thành đề tài bàn tán của khách hàng sử dụng điện.

Cụ thể, ông Đỗ Minh Tú - Đê La Thành, phường Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội chia sẻ về hóa đơn tiền điện tháng 4 lên đến gần 2 triệu đồng trong khi mới là thời điểm đầu hè. Sau khi gọi điện đến Trung tâm Chăm sóc khách hàng của Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội (EVN HANOI), ông Tú đã được giải đáp các khúc mắc trong quá trình sử dụng điện tại gia đình.

Ông Tú cho biết thêm, từ hồi mua điều hòa đến nay cũng được 3 năm nhưng không bảo dưỡng định kỳ vì vẫn chạy tốt, máy giặt lồng ngang thường giặt chế độ nước nóng 33 - 40 độ do khi hậu ngoài Hà Nội độ ẩm tăng cao nếu giặt nước nóng quần áo khi phơi sẽ thơm hơn là nước thường.

Tương tự, gia đình ông Đặng Trung Kiên – Thái Thịnh, phường Thịnh Quang, Đống Đa, Hà Nội cũng có thắc mắc tương tự khi phải thanh toán tăng thêm gần 500 nghìn đồng cho tiền điện tháng 4.

Đối với máy điều hòa không bảo dưỡng định kỳ cũng là sai lầm phổ biến trong cách sử dụng điều hòa tại nước ta. Trong điều kiện không khí ẩm, nhiều bụi, điều hòa bị giảm công suất liên tục trong quá trình sử dụng, chủ yếu do bụi bám vào các tấm lọc, cánh quạt, trục quay quạt. Vì những lý do này khách hàng sử dụng điện nên bảo dưỡng điều hòa của gia đình một cách định kỳ theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất giúp điều hòa vận hành tốt hơn, tiết kiệm điện năng cho gia đình.

Theo thông tin từ Tiêu chuẩn đo lường chuyên đề Thế giới điện, máy giặt lồng ngang sẽ tiêu tốn nhiều điện năng hơn nếu người dùng sử dụng chế độ giặt nước nóng, chế độ sấy, bởi máy phải tiêu hao nhiều điện năng làm nóng nước, sấy khô quần áo.

Việc sử dụng các thiết bị làm mát công suất điện cao sẽ đẩy nhanh quá trình làm mát của thiết bị, đạt hiệu quả mong muốn tức thì của người sử dụng, tuy nhiên điều này cũng là nguyên nhân làm tăng điện năng tiêu thụ vì công suất tiêu thụ điện càng cao sẽ tiêu tốn hơn các thiết bị có công suất nhỏ. Đồng thời việc môi trường thời tiết tăng cao sẽ dẫn đến các thiết bị làm mát tiêu tốn năng lượng nhiều hơn trong quá trình hoạt động.

image001

 

Cũng theo đơn vị điện lực quản lý trên địa bàn, khi sử dụng các thiết bị làm mát có công suất lớn như điều hòa, tủ lạnh, quạt… khách hàng cần lưu ý về công suất tiêu thụ điện của các thiết bị trong nhà, đồng thời tắt các thiết bị khi không sử dụng để đảm bảo vừa an toàn vừa giảm nguy cơ tiền điện bị phát sinh ngoài ý muốn.

Bên cạnh đó, bắt đầu từ ngày 20/03/2019, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 648/QĐ-BCT về điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Cụ thể, giá bán lẻ điện bình quân vừa được điều chỉnh là 1.864,44 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT), tăng 8,36% so với trước đó (1.720,65 đồng/kWh). Phương án điều chỉnh này đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua.

Theo đó, ông Nguyễn Xuân Thắng – Trưởng Ban Kinh doanh EVN HANOI cho biết, việc chốt chỉ số công tơ, nguyên tắc tính toán hóa đơn trong tháng có thay đổi giá được thực hiện theo quy định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Bộ Công thương, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng sử dụng điện.

image003

Công cụ tính tiền điện trực tuyến trên website EVN HANOI 

Bên cạnh đó, EVN HANOI cung cấp công cụ tính giá điện trực tuyến trên website của Tổng công ty (http://evnhanoi.com.vn/giadien), giúp khách hàng thuận tiện hơn trong việc tính giá điện sinh hoạt hàng tháng tại gia đình.

Đối với khách hàng mua điện ngoài mục đích sinh hoạt, việc tính toán tiền điện trong tháng đổi giá của khách hàng sẽ căn cứ vào chỉ số công tơ và mức giá quy định của Nhà Nước.

Riêng khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, việc tính giá điện trong kỳ chuyển đổi giá được thực hiện theo phương pháp nội suy sản lượng. Đây là nguyên tắc được sử dụng để tính sản lượng cho các khoản biến động trong trường hợp có thay đổi về giá bán điện nhưng không thực hiện chốt chỉ số.

Theo cách tính này, ví dụ khách hàng tiêu thụ 520 kWh trong 31 ngày (kỳ ghi hóa đơn 13/3 đến 12/4); số ngày sử dụng điện theo giá cũ là 7 ngày; số ngày dùng giá điện mới là 24 ngày.

Như vậy sản lượng điện tính theo giá cũ: (520 kWh/31 ngày) * 7 ngày  = 117 kWh. Còn lại, sản lượng điện tính theo giá mới là 403 kWh.

Ứng với từng bậc thang và đơn giá điện cũ, số tiền điện phải trả của 7 ngày giá điện cũ là 261.564 đồng. Với định mức cho đơn giá mới, số tiền khách hàng phải trả là 976.774 đồng. Tổng cộng số tiền điện phải trả tháng 4 là 1.238.338 đồng (chưa gồm thuế VAT 10%). Và số tiền điện sau thuế là 1.362.172 đồng.

Như vậy, số tiền điện tháng 4 sẽ phải trả thêm 83.015 đồng so với khi giá điện chưa tăng (mức giá cũ là 1.279.157 đồng, gồm thuế VAT).

image005 3

Bảng tính chi tiết giá điện sau điều chỉnh.Bảng tính chi tiết giá điện sau điều chỉnh 

Để được tư vấn và tìm hiểu thêm thông tin, Quý khách vui lòng liên hệ với Trung tâm Chăm sóc khách hàng của EVN HANOI theo số hotline: 19001288 hoặc các Công ty Điện lực Quận/Huyện trên địa bàn.

Quỳnh Chi
Bình luận
vtcnews.vn