• Zalo

Chủ đầu tư Sông Đà Urban Tower bị tố có nhiều hành động trái pháp luật

Bất động sảnThứ Sáu, 08/09/2017 14:39:00 +07:00Google News

Dù đã đi vào hoạt động được 7 năm, nhưng Ban quản trị tòa nhà không được Chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì, con dấu và các tài liệu pháp lý.

Mới đây, Báo điện tử VTC News nhận được đơn thư của Ban quản trị (BQT) tòa nhà hỗn hợp Sông Đà Urban Tower (km 10, đường Trần Phú, Hà Đông) tố cáo nhiều hành vi sai phạm của Chủ đầu tư là Công ty CPĐT xây dựng và phát triển đô thị Sông Đà và công ty TNHH một thành viên và kinh doanh dịch vụ SDU (công ty con của chủ đầu tư) là đơn vị đang quản lý tòa nhà.

“Tự ý cắt điện thang máy, khóa cửa thoát hiểm”

Theo BQT tòa nhà, sau nhiều lần đề nghị, yêu cầu chủ đầu tư và công ty SDU bàn giao lại kinh phí, con dấu và các tài liệu pháp lý nhưng không nhận được sự hợp tác, thậm chí, công ty SDU còn có các hành động “khủng bố” cư dân tòa nhà.

Video: Người dân giăng biểu ngữ phản đối SDU cắt điện thang máy

Ông Đỗ Thái Sảng, Trưởng BQT tòa nhà cho biết, đỉnh điểm, tối 5/9, vừa qua, công ty SDU tự ý cắt điện thang máy cư dân, khóa cửa thang thoát hiểm khiến người dân bức xúc, gây nguy hiểm đến tình mạng người dân, an toàn của tòa nhà.

Bức xúc trước hành động của công ty SDU, cư dân tòa nhà đã tập trung tại lối ra vào tầng hầm và sân dẫn vào khu chưng cư, giăng biểu ngữ, băng rôn phản đối việc làm của công ty.

Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư và công ty sớm bàn giao lại việc quản lý tòa nhà cho công ty Gia Lộc An, đơn vị được BQT tòa nhà ký hợp đồng thuê quản lý.

Sự việc gây xôn xao dư luận, ngay trong đêm, UBND phường Văn Quán, trưởng Công an phường Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội) đã phải trực tiếp đến hiện trường, cùng các bên liên quan ngồi lại để vãn hồi trật tự.

20170905_222456

Người dân bức xúc vì bị SDU cắt thang máy.

Tại buổi làm việc, người dân đã nêu ra những việc làm của công ty SDU mà theo họ là sai trái, vi phạm pháp luật, gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần cư dân. Đồng thời, gây mất trật tự, anh ninh trên địa bàn.

Tại buổi làm việc, ông Phùng Văn Quang, trưởng CA phường Văn Quán tỏ ra thất vọng với đại diện công ty SDU khi không có tinh thần cầu thị, để xảy ra việc bức xúc giữa cư dân tòa nhà và công ty trong nhiều năm liền không giải quyết được, không có một lời xin lỗi người dân.

Không bàn giao kinh phí bảo trì

Cung cấp các tài liệu mà BQT tòa nhà đã gửi các cấp của thành phố Hà Nội và gửi đích danh Bí thư, Chủ tịch thành phố cho PV, ông Sảng nói: "Tòa nhà đã bàn giao và đi vào hoạt động từ năm 2010, sau nhiều năm bị chủ đầu tư trì hoãn, kéo dài nhưng do sức ép của cơ quan chức năng, ngày 15/11/2016, BQT tòa nhà mới được thành lập.

Nhưng, kể từ khi được UBND quận Hà Đông công nhận, BQT không thể hoạt động vì chủ đầu tư không bàn giao con dấu, kinh phí bảo trì và các tài liệu pháp lý.

IMG_20170906_155318

Do không được bàn giao phí bảo trì nên nhiều hạng mục xuống cấp nguy hiểm, không được duy tu, sửa chữa.

Đến ngày 1/4/2017, chủ đầu tư thông qua công ty SDU (công ty con của Sông Đà) mới chịu bàn giao con dấu và tài liệu, nhưng vẫn không giao Nội quy quản lý, sử dụng chung cư.

Đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, nhằm làm tê liệt và vô hiệu hóa BQT."

Cũng theo ông Sảng, nghiêm trọng hơn là việc chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì và hồ sơ tòa nhà. Liên quan đến vấn đề này, ngày 10/7/2017, quận Hà Đông phải ra văn bản yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương giao hồ sơ chung cư, thống nhất số liệu quyết toán kinh phí bảo trì 2% tòa nhà và bàn giao cho BQT trước ngày 30/7.

Trong văn bản số 1449 của quận Hà Đông còn nêu, chủ đầu tư chưa hoàn thiện hệ thống PCCC theo đúng quy định.

Mặc dù vậy, chủ đầu tư vẫn “bơ” quyết định chỉ đạo của quận Hà Đông.

Chị Nguyễn Thị Trang (cư dân chung cư) bức xúc: “Sau 7 năm hoạt động, không có kinh phí bảo trì, tòa nhà đã xuống cấp nghiêm trọng, người dân luôn sống trong trạng thái bất an, nơm nớp sợ hãi cho tính mạng bản thân và gia đình.”

Ông Sảng nói thêm: “Phí bảo trì hiện nay các bên chưa ngồi lại với nhau nhưng nhẩm tính khoảng 350 triệu/năm. Như vậy, suốt 7 năm qua số tiền này lên đến hàng tỷ đồng, vậy nó đi đâu?”

IMG_20170906_155358

 Một mảng tường lớn tại thang máy bị bong tróc nham nhở.

Ngoài ra, BQT tòa nhà còn cho rằng, việc vận hành, quản lý của công ty SDU là hoàn toàn trái phép vì BQT không ký hợp đồng với công ty này.

BQT đã yêu cầu SDU công khai các khoản thu, chi liên quan đến kinh phí vận hành, quản lý tòa nhà nhưng công ty cố tình không cung cấp. Đồng thời, vẫn tự ý thu phí dịch vụ, trông giữ xe, kinh doanh trái phép tại hai tầng hầm là tài sản chung của tòa nhà.

Ngày 19/8, BQT chào giá dịch vụ và đã ký hợp đồng với một công ty khác để quản lý tòa nhà, hợp đồng có hiệu lực từ ngày 24/8. BQT cũng đã thông báo đến các cơ quan chức năng về việc tòa nhà đã có đợn vị vận hành hợp pháp.

Ông Sảng nói: “Sau khi tòa nhà có đơn vị quản lý, vận hành hợp pháp, công ty SDU có những hành vi ngăn cản như cho bảo vệ chốt chặn đông người ở tầng 1, đe dọa cắt điện và thực tế đã cắt điện thang máy, cắt nước… gây hoang mang cho người dân.”

Trưởng BQT tòa nhà đặt câu hỏi, chủ đầu tư và công ty SDU có những hành vi vi phạm pháp luật, không chấp hành các quyết định của quận Hà Đông nhưng vẫn ngang nhiên không bị xử lý? Liệu có lợi ích nhóm hay thế lực nào chống lưng không?

VTC News đã liên hệ với cơ quan chức năng và các đơn vị liên quan để tiếp tục thông tin.

Đức Thuận - Phong Sơn
Bình luận
vtcnews.vn