• Zalo

Chủ căn hộ dự án 8B Lê Trực: ‘Mẹ tôi mất vẫn chưa được vào nhà mới'

Kinh tếThứ Ba, 21/05/2019 15:15:00 +07:00Google News

Chủ căn hộ 1002 – dự án 8B Lê Trực chia sẻ, dự án nơi bà mua nhà gần 5 năm nay vẫn “niêm phong”, mẹ bà mất rồi mà chưa được vào nhà mới.

Hàng loạt khách hàng mua nhà tại dự án 8B Lê Trực (Ba Đình, Hà Nội) vừa có đơn kiến nghị khẩn cấp gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

Theo đó, những người dân mua căn hộ dự án 8B Lê Trực mong muốn các cơ quan có thẩm quyền "sớm có biện pháp thấu tình đạt lý trong xử lý công trình để tạo điều kiện cho người mua sớm ổn định cuộc sống, cho người dân dọn vào ở".

60487961_298577534384421_5305607516321742848_n

 Cư dân 8B Lê Trực bức xúc khi có nhà vẫn không được vào nhà.

Trước đó, hồi tháng 6/2015 – khi tòa nhà thuộc dự án 8B Lê Trực bắt đầu hoàn thiện, cũng là lúc người mua nhà mới ký kết hợp đồng mua căn hộ và đã đóng cho chủ đầu tư 80-90% giá trị căn hộ để được nhận nhà vào tháng 12/2015.

Tuy nhiên, tới tháng 9/2015, báo chí đưa tin về tình trạng xây dựng sai phép, các cấp chính quyền, ban ngành vào cuộc. Đến tháng 3/2016, việc cưỡng chế phá dỡ phần sai phạm công trình được tiến hành. Tháng 10/2016, việc cưỡng chế giai đoạn 1 kết thúc.

“Từ đó đến nay, tòa nhà vẫn im lìm nằm đấy trong khi người dân gặp muôn vàn khó khăn mong ngóng từng ngày để được về ở”, đơn thư nêu rõ.

Trả lời VTC News, bà Nguyễn Thị Hồng Xuân - chủ căn hộ 1002 – dự án 8B Lê Trực rưng rưng: “Gần 5 năm nay, nhà của chúng tôi, chúng tôi không được vào. Mẹ tôi bán nhà cũ để dồn tiền mua nhà mới, nhưng cuối cùng bà cụ 90 tuổi cuối đời phải ở nhà thuê, bà cụ mất rồi vẫn chưa được vào nhà mới.

Bà Xuân cũng cho biết, chúng tôi là khách hàng, bỏ tiền ra mua nhà chỉ mong có một cuộc sống bình yên. Thế nhưng gần 5 năm nay, chúng tôi không thể vào được căn nhà của mình.

 
Chúng tôi là người dân, chúng tôi cần được bảo vệ. Tại sao giờ chúng tôi lại trở thành những “oan gia”, có nhà không được ở?

Người mua nhà tại dự án 8B Lê Trực

“Lỗi do chủ đầu tư hay cơ quan quản lý thì cũng đâu phải lỗi của người dân chúng tôi. Sao cuối cùng hậu quả người dân lại phải gánh chịu?”, bà Xuân đặt câu hỏi.

Ông Nguyễn Sỹ Duyên – Chủ căn hộ 1802 cũng bức xúc nói, gia đình ông đã chuyển bàn thờ tổ tiên về dự án 8B Lê Trực từ giữa năm 2015, nhưng sau đó nhận giấy thông báo cưỡng chế và từ đó đến nay không được vào căn nhà của mình nữa.

“Gần 5 năm nay, ông bà tổ tiên nhà tôi không được con cháu thắp hương. Xót xa quá”, ông Duyên nghẹn ngào.

Ông Duyên cũng cho biết, gia đình đã dồn tiền bạc vào để mua căn hộ tại 8B Lê Trực, nhưng nhà của mình mình cũng không thể vào, mấy năm nay gia đình ông phải đi ở thuê. Tiền lương hưu của hai vợ chồng chỉ đủ trả tiền thuê nhà, cuộc sống vô cùng khó khăn.

“Chúng tôi ủng hộ việc sai ở đâu thì xử lý ở đó. Đúng người đúng tội. Cơ quan quản lý cũng đã yêu cầu phải xử lý sai phạm tại công trình này ráo riết. Nhưng một công trình ở giữa Thủ đô mà gần 5 năm năm nay chưa xử lý xong sai phạm. Khi chúng tôi gửi đến các cơ quan chức năng thì đơn vị nọ đùn đẩy đơn vị kia. Người dân chúng tôi đã mất niềm tin vào chính quyền. Chúng tôi là người dân, chúng tôi cần được bảo vệ. Tại sao giờ chúng tôi lại trở thành những “oan gia”, có nhà không được ở”, ông Lung - một chủ căn hộ tại dự án 8B Lê Trực lên tiếng.

Được biết, hồi năm 2015, Hà Nội đưa ra thông điệp kiên quyết xử lý công trình xây dựng này, nhưng câu hỏi đặt ra là sự “kiên quyết” đó đến đâu khi gần 5 năm nay, các sai phạm tại công trình này vẫn chưa có một phương án chính thức nào được đưa ra.

UBND TP Hà Nội cũng nhiều lần yêu cầu Sở Xây dựng, UBND quận Ba Đình xem xét phương án xử lý, các đơn vị này sau đó cũng lần lượt báo cáo, kiến nghị. Thế nhưng, sự việc cũng dừng lại ở việc “trên dưới” chờ nhau, “quả bóng” trách nhiệm tiếp tục bị đá đi, đá lại.

Theo tìm hiểu, công trình 8B Lê Trực được Hà Nội thực hiện phá dỡ giai đoạn 1 gồm phầm tum, thang và tầng 19 từ tháng 11/2015 cho đến cuối tháng 10/2016 hoàn thành. Công trình sau đó tiếp tục được yêu cầu phá dỡ, tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc phá dỡ giai đoạn 2 có nguy cơ gây mất an toàn vì có thể phá bỏ cả tòa nhà.

Nhận rõ điều này, Cty CP Hạ tầng Phương Bắc – Tập đoàn Phương Bắc (đơn vị chịu trách nhiệm phá dỡ giai đoạn 1) đã nhiều lần làm đơn kiến nghị đến các ban, ngành chức năng đề xuất phương án xử lý đối với giai đoạn 2 nhưng hiện vẫn chưa có phương án chính thức nào được Hà Nội đưa ra.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn