Sự phân bố tiền bạc, của cải trên thế giới đang có những thay đổi lớn. Ngày càng có nhiều người gia nhập tầng lớp giới siêu giàu. Số lượng cá nhân thu nhập cao (HNWI) từ châu Á Thái Bình Dương, Trung Đông tăng nhanh hơn nhiều so với khu vực Bắc Mỹ và châu Âu.
Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, châu Á Thái Bình Dương có số triệu phú - tỷ phú nhiều nhất hành tinh. Còn những đại gia Trung Đông thì được nhắc tới với vẻ ngưỡng mộ pha lẫn ghen tị không giấu giếm nhờ khối tài sản kếch sù cũng như thói quen chi tiêu cực kỳ hào phóng.
Các chuyên gia dự đoán sẽ có mức tăng trưởng ngoạn mục trong tiêu dùng của giới siêu giàu ở châu Á Thái Bình Dương và Trung Đông.
Những số liệu thống kê mới nhất dựa trên hoạt động mua bán qua thẻ Visa Infinite trong 12 tháng qua cho thấy, khắp châu Á Thái Bình Dương, Trung tâm châu Âu, Trung Đông và châu Phi, có 3 xu hướng tiêu dùng chủ yếu khiến giới siêu giàu mê mẩn, họ gọi đó là 3D: Đó là dùng bữa tại nhà hàng (Dining); đầu tư vào kim cương (Diamond) và các điểm du lịch siêu sang (Destination) - trong đó du lịch trải nghiệm và theo yêu cầu đang là loại hình phổ biến nhất.
Dùng bữa tại nhà hàng (Dining)
Nhà hàng luôn là một trong những lĩnh vực có thể kiếm bộn tiền nhất từ giới siêu giàu. 3 nơi có số lượng người giàu chi nhiều tiền nhất cho các bữa ăn ngoài chính là Hong Kong, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) và Singapore. Nơi họ thường xuyên lui tới là các nhà hàng hạng sang, nhà hàng trong khách sạn cao cấp.
Theo báo cáo của Capgemini World Wealth 2012, giới siêu giàu đang ngày càng chi nhiều tiền hơn vào thứ mà họ gọi là đầu tư vì đam mê (IOP) - những sở thích, bộ sưu tập, đặc biệt trong hoàn cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn như hiện nay.
Ví dụ điển hình của IOP chính là các loại trang sức, đá quý, đồng hồ đeo tay. Dựa trên số liệu cung cấp bởi Visa, các chủ thẻ giàu có đến từ Hong Kong và UAE đã chi tương ứng 70 triệu USD và 97 triệu USD cho các nhà bán lẻ trang sức.
Đặc biệt ở UAE, khối lượng lớn tiền bạc đang được giữ tại các kênh đầu tư IOP. Các loại trang sức vốn là một phần không thể thiếu trong văn hóa Trung Đông - chúng thường được sử dụng làm quà cưới - và giờ đây còn đóng vai trò là "kênh đầu tư đôi" nhằm thích ứng với điều kiện kinh tế suy thoái.
Đứng trên quan điểm nhà đầu tư, nhu cầu về kim cương luôn cao, nhờ một phần ảnh hưởng tích cực từ đầu tư vàng theo kiểu truyền thống, trong khi giá vàng liên tục tăng. Bên cạnh đó, tác động của các trào lưu mới trong lĩnh vực thời trang cũng khiến chi tiêu cho trang sức đạt mức tăng trưởng đáng kể.
Điều này có nghĩa là, bên cạnh các cửa hiệu bán lẻ chuyên cung cấp túi xách, giày dép, váy áo... hàng hiệu, còn xuất hiện thêm nhiều tiệm trang sức siêu sang, được chế tác thủ công theo yêu cầu từ bộ phận khách hàng VIP.
Điểm du lịch siêu sang (Destination)
Theo điều tra của Visa Global Travel Intentions 2012, khách du lịch đến từ châu Á Thái Bình Dương là đối tượng chính làm nóng thị trường du lịch siêu sang trong vòng 2 năm tới.
Điểm đến ưa thích của họ là Mỹ và Anh, cho thấy du lịch quốc tế đang trở thành xu hướng mới thay thế cho các điểm đến quen thuộc trong khu vực như Trung Quốc.
Trên thực tế, những khách du lịch giàu có thường xuyên di chuyển bằng máy bay và đặt tour ở các công ty lữ hành chủ yếu đến từ UAE (với mức chi 6,149 tỷ USD), Đài Loan (6,298 tỷ USD), Singapore (5,968 tỷ USD) và Hong Kong (5,872 tỷ USD).
Trong khi các trung tâm mua sắm vẫn nằm trong top hấp dẫn nhất khi lựa chọn điểm du lịch đối với những chuyến đi ngắn ngày thì các khách VIP có đủ thời gian đi nghỉ dài ngày lại tìm kiếm những trải nghiệm độc đáo hơn, mới lạ hơn.
Phổ biến nhất là những gói du lịch bằng du thuyền và tàu lửa siêu sang. Công ty lữ hành sẵn sàng thêm thắt nhiều hình thức giải trí theo yêu cầu riêng từ khách để chiều lòng các thượng đế lắm tiền như đua xuống trên sông, khám phá thế giới băng tuyết ở Bắc Cực, du lịch kết hợp liệu pháp làm đẹp...
Khánh Huyền (theo Plush)
Bình luận