• Zalo

Chú bé 'lạ' trong bức ảnh chụp với Bác Hồ

Thời sựThứ Ba, 28/05/2013 12:00:00 +07:00Google News

Chú bé ấy bây giờ tuổi đã ngoài 60, là Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam, và là tác giả cuốn tiểu thuyết đầu tiên về đường ống xăng dầu, bộ đội Trường Sơn.

Bức ảnh Bác Hồ cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cố Tổng Bí thư Trường Chinh với các chiến sĩ Điện Biên trong sinh nhật Bác 19/5/1954 do nhà quay phim Vladimia Isurin chụp đã được đăng trên báo nhiều lần, nhưng rất ít người để ý về một "chú bé lạ", đứng nép bên Bác Hồ.

Chú bé ấy bây giờ tuổi đã ngoài 60, là Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam, và là tác giả cuốn tiểu thuyết đầu tiên về đường ống xăng dầu, bộ đội Trường Sơn vừa được xuất bản...

thiếu tướng
Thiếu Tướng Hồ Sĩ Hậu, tác giả tiểu thuyết “Dòng sông mang lửa”.  
Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu kể: "Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ tôi mới lên 8 tuổi, theo cha lên chiến khu Việt Bắc, trong cơ quan Văn phòng Trung ương Đảng.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đoàn làm phim của nhà quay phim  nổi tiếng người Nga Roman Cácmen từ mặt trận về cơ quan Văn phòng Trung ương Đảng để quay phim về Bác Hồ. Bọn trẻ chúng tôi được may quần áo mới và quàng khăn đỏ mỗi khi ra trước ống kính.

Tôi thì được các cô may cho một bộ quần áo ka ki màu tím than mà trước đó tôi chưa bao giờ dám mơ. Chúng tôi được đi mừng sinh nhật Bác Hồ, sau đó thì được mặc quần áo mới để đón các chiến sĩ ưu tú từ Điện Biên Phủ về báo công mừng sinh nhật Bác.

Hôm đó, khi các bạn tản đi chơi chỗ khác hết rồi, tôi vẫn la cà quanh khu vực Bác Hồ tiếp khách. Trong cơ quan, thỉnh thoảng Bác cho trẻ con lên nhà sàn chơi. Tôi cũng có lần được Bác bế lên ngồi lòng. Qua cửa sổ nhà sàn, tôi thấy dòng suối, nương ngô xanh mướt, thấp thoáng bóng áo chàm có chút gì đó như sương khói.

Phong cảnh của một buổi chiều Việt Bắc cứ đọng lại mãi trong trí nhớ của tôi. Thấy Bác Hồ và các chú, các bác lãnh đạo nói chuyện rất vui vẻ với các chiến sĩ nên tôi đứng cạnh một gốc cây gần đó xem một cách tò mò và thích thú. Bác ân cần hỏi chuyện gia đình từng chiến sĩ rồi gắn huy hiệu "Chiến sĩ Điện Biên Phủ" cho từng người.".


Nhớ lại câu chuyện được chụp ảnh với Bác Hồ, Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu vẫn còn bồi hồi xúc động. Trong ký ức non nớt của một cậu bé 8 tuổi, hình ảnh Bác tỏa ra một vẻ đẹp diệu kỳ. Bác nghiêm khắc khi chú bé sà vào lòng Bác lúc Bác đang làm việc. Nhưng đến khi xong việc rồi, Bác lại gọi chú bé vào hỏi han, âu yếm, không một chút khó tính.

"Thấy tôi thập thò ở gốc cây hóng chuyện, Bác gọi: "Cháu vào đây với Bác". Rồi Bác lách tay qua mấy anh bộ đội để dắt tôi vào. Hai tay Bác ôm lên vai tôi, như cách của một người ông hiền từ yêu chiều cháu nhỏ. Tôi đứng nép vào Bác, nghe Bác và các bác lãnh đạo nói chuyện với bộ đội. Tôi không thể ngờ toàn bộ những kỷ niệm trên đều được quay vào những thước phim tư liệu của nhà làm phim Cácmen.

Và ngạc nhiên hơn nữa là thấy mình trong bức ảnh Bác Hồ và các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và 6 chiến sĩ Điện Biên. Những bức ảnh này được chụp bởi nhà nhiếp ảnh người Nga Isurin - người đi cùng đoàn làm phim với đạo diễn Cácmen".


Sau này một vài bài báo viết về bức ảnh lại cho rằng chú bé đứng cạnh Bác Hồ là TS Đặng Việt Bích, con trai cố Tổng Bí thư Trường Chinh. Về chi tiết này, khi trò chuyện với phóng viên, "chú bé" trong ảnh, nay là Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu hóm hỉnh: "Tội nghiệp Đặng Việt Bích, cậu ấy trắng trẻo, thư sinh, đẹp trai nữa, lại bị nhầm với thằng bé "nhà quê một cục" như tôi".

Anh hùng LLVTND Lê Mã Lương, Giám đốc Bảo tàng Quân đội đã "đính chính" lại với mọi người đến xem bảo tàng mỗi khi có ai hỏi về chú bé trong bức ảnh, rằng đó là Hồ Sỹ Hậu, con trai một đồng chí nguyên là ủy viên Trung ương Đảng….

chú bé, bức ảnh, bác hồ
Bác Hồ trò chuyện với 6 chiến sĩ Điện Biên Phủ (chú bé trong bức ảnh nay là Thiếu tướng Hồ Sĩ Hậu) 

Chú bé 8 tuổi đứng nép vào Bác Hồ, và ngồi cạnh bác Trường Chinh trong những bức ảnh lịch sử của hơn nửa thế kỷ về trước, nay đã là một thiếu tướng quân đội, một nhà văn. Theo truyền thống gia đình, lớn lên, "chú bé" vào bộ đội, là một kỹ sư thiết kế, thi công tuyến đường ống xăng dầu Trường Sơn huyền thoại.

Những năm tháng được sống cùng cha ở chiến khu Việt Bắc, lại được gần gũi Bác Hồ và các bác, các chú lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước đã thôi thúc trong lòng "chú bé" một mong muốn, là phải phấn đấu để có cơ hội gặp lại Bác với tư cách là "một người anh hùng hay một chiến sĩ thi đua".


Tham gia vào cuộc chiến tranh khốc liệt, đóng góp công sức, trí tuệ cho đường ống xăng dầu Trường Sơn, Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu là một nhân chứng sống của lịch sử. Những tư liệu khổng lồ, chân thực về con đường "huyền thoại trong huyền thoại", là đường ống xăng dầu Trường Sơn đã được ông kể lại trong tiểu thuyết "Dòng sông mang lửa".

Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của một thiếu tướng quân đội đã làm ngỡ ngàng bạn đọc, cả về tính chân thực và chất lãng mạn hòa quyện. Cả tuổi trẻ của mình, Hồ Sỹ Hậu đã cống hiến cho cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Ông là người đã sống qua mất mát, qua lửa đạn, đối mặt với cái chết nhiều lần, và "nắm giữ" nhiều ký ức sống động về chiến tranh.

Dù việc viết văn đối với ông không phải để nổi tiếng, hay để trở thành một nhà văn, nhưng chỉ bằng cuốn tiểu thuyết đầu tay, viết với mong muốn để tri ân đồng đội này, Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu đã có những đóng góp nhất định cho nền văn học.

"Dòng sông mang lửa" là cuốn sách đầu tiên viết về bộ đội xăng dầu. Tác giả đã cung cấp cho bạn đọc những trang tư liệu sống động về quá trình xây dựng đường ống xăng dầu Trường Sơn, con đường quan trọng được ví như mạch máu của quân đội, nhưng có đặc điểm là sau khi hoàn thành nhiệm vụ thì mọi dấu vết của nó đều được xóa đi, không giống như đường mòn Hồ Chí Minh còn tồn tại đến hôm nay.

Không có cuốn sách của Hồ Sỹ Hậu, không có những trang viết chân thực của một vị tướng đã "nếm mật nằm gai" trên những cung đường để vận chuyển xăng dầu vào chiến trường, phục vụ cho quân đội, thì rất ít người trong chúng ta hôm nay hiểu được thấu đáo những đóng góp quan trọng và to lớn của những người lính xăng dầu cho chiến thắng cuối cùng của dân tộc.


Trong suốt những năm đeo ba lô, cầm súng đi chiến đấu dưới trời bom đạn, người lính Hồ Sỹ Hậu, "chú bé lạ" trong bức ảnh nổi tiếng của các nhà làm phim tài liệu người Nga mà chúng ta vừa nhắc, đã luôn nhớ về hình ảnh vị Cha già dân tộc như một nguồn cổ vũ, động viên lớn lao để hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu kể lại: "Bác Hồ từ trần ngày 2/9/1969, khi tôi đang là trợ lý kỹ thuật đi tiền trạm cho cơ quan tiền phương Trung đoàn đường ống. Vì không có báo đài để biết thông tin, nên đến ngày 5/9 tôi mới biết tin Người đã ra đi. Nhớ đến kỷ niệm năm xưa được chụp ảnh chung với Bác, và lời tự hứa sẽ gặp lại Bác khi mình đã làm được nhiều việc có ích cho Tổ quốc, tôi hiểu rằng mình đã không còn cơ hội để gặp Người.

Đêm ấy ở Trường Sơn tôi đã khóc rất nhiều, và hiểu đến tận cùng niềm vinh dự lớn lao về một đoạn đời tuổi thơ tôi được gần gũi Bác. Không có mấy bạn thiếu nhi bằng tuổi tôi ngày đó có được may mắn và vinh dự ấy. Sáng ngày 6/9/1969 và hàng tháng trời sau đó, từng đợt B52 và mọi loại bom đạn của địch càn đi quét lại trên tuyến ống dẫn dầu của bộ đội đường ống Trường Sơn chúng tôi.

Rất nhiều đồng đội của tôi đã hy sinh, nằm lại trên những cánh rừng. Họ đã biến thành đất đai, cây cỏ. Với sự sáng tạo, lòng dũng cảm, gan dạ, bền chí của những người lính xăng dầu, chúng tôi đã góp phần mình cho ngày đại thắng của dân tộc. Ngày trở về, đứng trước bàn thờ của Bác, tôi đã khấn: "Thưa Bác, cháu nguyện sẽ sống và cống hiến xứng đáng với những kỷ niệm tuổi thơ đã được ở gần Bác và được Bác dạy dỗ, thương yêu".


Thiếu tướng, nhà văn Hồ Sỹ Hậu hiện đã nghỉ hưu. Ông có nhiều dự định trong những ngày tháng này, mà dự định lớn nhất là viết về bè bạn, những người lính đã cùng ông chia ngọt sẻ bùi trong một phần đời rất quan trọng, là phần đời chiến trận...





Theo Công an Nhân dân
Bình luận
vtcnews.vn