(VTC News)- Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết sẽ chốt phương án kỳ thi THPT quốc gia 2016 và trước Tết Nguyên Đán.
Phát biểu tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 12 diễn ra chiều 28/12, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhận định, đến thời điểm hiện tại, Bộ GD&ĐT có thể khẳng định hiệu quả của kỳ thi THPT quốc gia 2015.
Các ý kiến đóng góp đều cho rằng nên giữ kỳ thi THPT quốc gia 2016 như năm trước, chỉ điều chỉnh chi tiết liên quan xét tuyển, tạo thuận lợi hơn cho thí sinh, gia đình.
“Hiện Bộ GD&ĐT có văn bản cuối cùng để báo cáo Thủ tướng rồi công bố phương án thi muộn nhất là trước kỳ nghỉ Tết nguyên đán” - ông Luận nói.
Trước đó, ngày 16/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý của lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo về việc chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia năm 2016.
Kỳ thi THPT quốc gia 2016 dự kiến sẽ có một số điểm đổi mới |
Vì vậy, đại diện các Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương cũng đã góp ý nhiều ý kiến quan trọng để cải tiến kỳ thi THPT quốc gia 2016.
Đa số các ý kiến đều thống nhất kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 về căn bản vẫn giữ hai loại hình cụm thi.
Thứ nhất là cụm thi địa phương dành cho các thí sinh chỉ tốt nghiệp THPT hoặc đăng ký vào các trường ĐH, CĐ có phương án tự chủ tuyển sinh.
Thứ hai là cụm thi liên tỉnh do các trường ĐH chủ trì, dành cho các thí sinh sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng đề xuất các cụm thi liên tỉnh nên linh hoạt cho thí sinh vùng giáp ranh chọn cụm thi, thuận tiện cho việc đi lại.
Cùng với cách thức tổ chức cụm thi, vấn đề thời gian thi cũng thu hút sự chú ý quan tâm của các sở Giáo dục và Đào tạo. Đại diện nhiều Sở đề nghị tổ chức thi sớm hơn năm 2015, vào giữa tháng 6.
Thời gian thi nên tổ chức trong 4 ngày như năm 2015, trong khi một số khác đề nghị rút xuống trong 3 ngày.
Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng mức phân loại trong đề thi THPT quốc gia 2015 không cao và cần làm tốt hơn công tác ra đề thi.
Việc cộng điểm ưu tiên quá nhiều (có trường hợp lên tới 3,5 điểm) cũng dẫn tới có thiệt thòi cho thí sinh không được ưu tiên. Tuy nhiên, Bộ cũng cần có chính sách phù hợp để không thay đổi, ảnh hưởng đến thí sinh diện chính sách, vùng sâu vùng xa.
Trước ý kiến góp ý của các Sở Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ tiếp thu, nghiên cứu nhằm tăng cường tính khách quan, nghiêm túc của kỳ thi, đồng thời tạo thuận lợi nhất cho thí sinh và các trường, các địa phương.
Theo dự kiến của Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT quốc gia 2016 diễn ra 3 ngày, thay vì 4 ngày như năm 2015. Trong đó, Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Vật lý, mỗi môn thi một buổi. Mỗi cặp môn Sinh - Lịch sử và Hóa học – Địa lý thi trong một buổi và bắt đầu cùng giờ. Thí sinh được chọn một trong mỗi cặp môn Sinh học hoặc Lịch sử, Hóa học hoặc Địa lý.
Những vấn đề này sẽ được chốt lại trước Tết Nguyên đán để học sinh có thời gian chuẩn bị.
Phạm Thịnh
Bình luận