Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương nhận được nhiều sự đồng tình ủng hộ của các đại biểu Quốc hội.
Trả lời VTC News bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn Đại biểu tỉnh Đồng Tháp, cho rằng quy định này được ban hành là xác định vai trò nêu gương của các những lãnh đạo cao cấp. Các cán bộ này phải thực sự nêu gương, thực sự gương mẫu, thực sự có quyết tâm cao trong việc chống tham nhũng, chống lãng phí.
Bên cạnh đó, vị đại biểu quốc hội tỉnh Đồng Tháp đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của quy định không để chồng, vợ, con của các cán bộ cao cấp sống xa hoa và phô trương.
- Vấn đề nêu gương của các cán bộ lãnh đạo cấp cao như Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Trung ương được cử tri quan tâm thế nào, thưa ông?
Trước đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có quyết định về nêu gương của những người đứng đầu nhưng chưa nói cụ thể là Bộ Chính trị, Ban Bí thư là Ủy viên Trung ương. Lần này, quy định rất cụ thể, rõ ràng, thể hiện quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước trong vấn đề chống tham nhũng.
Quy định này nhằm phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm nêu gương của những lãnh đạo cao cấp để cán bộ Đảng viên chấp hành và noi theo.
- Quy định này vừa là công cụ để quản lý công việc, nhưng cũng là động lực để phát huy nội lực của những cán bộ cao cấp nhất từ Ủy viên Trung ương Đảng đến Uỷ viên Bộ Chính trị, thưa ông?
Tôi nghĩ đây là vấn đề cốt lõi quan trọng. Những người chịu quy định này là các đồng chí ưu tú, các đồng chí là người đứng đầu đều là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư hoặc Ủy viên Trung ương, đứng đầu các Bộ ngành của Trung ương, đứng đầu ở các tỉnh thành phố.
Các đồng chí này phải thực sự tiêu biểu, phải thực sự gương mẫu, phải thực sự làm đầu tàu, nòng cốt, cho bản thân mình, cho gia đình mình để cán bộ cấp dưới nêu gương.
Hiện nay, cán bộ công chức, viên chức, Đảng viên của cấp dưới nhìn vào các đồng chí lãnh đạo để noi theo. Nếu các đồng chí lãnh đạo làm tốt, làm quyết liệt, làm có trách nhiệm, nêu gương, giữ gìn được phẩm chất đạo đức lối sống, trung thực, gương mẫu thì lúc đó mới chỉ đạo, nói cấp dưới mới nghe và nể phục.
- Trong quy định, ngoài vấn đề nêu gương của người đứng đầu còn nhấn mạnh vào việc không để vợ con, gia đình sống xa hoa và phô trương, thưa ông?
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đặt ra những vấn đề cốt lõi đó so với tình hình hiện nay vì đã có những diễn biến xã hội tác động xấu trong các lĩnh vực, ảnh hưởng đến chồng, vợ, con của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Cho nên, vấn đề giữ gìn phẩm chất, đạo đức lối sống và cách sinh hoạt trong đời sống xã hội cũng phải gương mẫu, tiêu biểu, để làm tấm gương tốt cho các vị trí cán bộ khác.
Tất nhiên, quy định này cần đặt trong điều kiện kinh tế của đất nước ta ngày càng phát triển, cuộc sống của người dân trong đó có các cán bộ công chức viên chức ngày càng nâng lên.
Xưa ta nghĩ về chuyện ăn no, mặc ấm thì giờ người ta nghĩ về ăn ngon, mặc đẹp. Chuyện đó, tất cả người dân đều muốn chứ không phải chỉ riêng chồng, vợ, con của các đồng chí lãnh đạo.
Nếu đồng tiền ngoài thu nhập chính có được do những tác động của những người giữ chức vị cao thì chuyện xa hoa, ăn ngon mặc đẹp, sẽ tạo dư âm, cảm giác, cảm xúc không hay trong dân.
Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp)
Ở đây ăn ngon mặc đẹp bằng đồng tiền do chính bàn tay của chúng ta tạo ra là chuyện tất nhiên. Tuy nhiên, nếu đồng tiền ngoài thu nhập chính có được do những tác động của những người giữ chức vị cao thì chuyện xa hoa, ăn ngon mặc đẹp, sẽ tạo dư âm, cảm giác, cảm xúc không hay trong dân.
- Vợ, chồng, con của lãnh đạo cấp cao cũng phải nêu gương?
Vì vậy, quy định này rất phù hợp để phòng ngừa răn đe. Quy định này cũng khuyến khích vợ chồng, con của cán bộ lãnh đạo cấp cao cũng phải nêu gương. Họ cần phải làm theo, mang tiếng tăm của người chồng, người vợ mình khi đang giữ vị trí lãnh đạo. Khi đó, người dân, đồng nghiệp sẽ có sự nể phục.
Tôi nghĩ rằng trong sinh hoạt đời thường, việc những người này giữ được phong cách, tác phong, đạo đức lối sống sẽ có tác động rất lớn, lan tỏa ra ngoài nhân dân. Khi đó, quy định của Bộ Chính trị, của Ban Bí thư mới thành hiện thực và đạt được hiệu quả cao.
- Nhiều người vẫn băn khoăn cơ chế giám sát thế nào để thực sự hiệu quả trong đời sống vì thời gian qua rất nhiều vị lãnh đạo cấp cao vướng vào vòng lao lý?
Tôi nghĩ cơ chế giám sát đã có quy định cụ thể. Hiện tại, Bộ Chính trị và Ban Bí thư giao trách nhiệm giám sát cán bộ, Đảng viên từ người lãnh đạo cao nhất cho đến người Đảng viên bình thường cho Ủy ban kiểm tra.
Không chỉ Ủy ban kiểm tra giám sát mà thực tế còn có sự kiểm tra của nhân dân, cán bộ Đảng viên, của cán bộ cấp trên với cán bộ cấp dưới. Thậm chí, dù chưa có quy định cụ thể về việc cấp dưới giám sát cấp trên nhưng những cán bộ này cũng phải để ý, quan tâm, phải tham gia đóng góp.
Đặc biệt, theo tôi sự tham gia đóng góp của nhân dân chiếm vị trí vô cùng quan trọng. Nếu người dân muốn, họ sẽ phát hiện ra những vấn đề mà cán bộ làm trái quy định của Bộ Chính trị, báo cho cơ quan chức năng, đặc biệt là báo cho Ủy ban Kiểm tra các cấp.
- Như vậy không ngại thiếu cơ chế giám sát thưa ông?
Tôi nghĩ rằng không phải ngại cơ chế giám sát quyền lực. Cơ chế này đã có những quy định cụ thể. Trong quy định nêu gương khi phát hiện sai phạm, bất cứ người đó là ai, ở vị trí chức danh nào cũng phải xử lý theo quy định, không loại trừ, không khoanh vùng cấm.
- Quy định này có góp phần làm vững chắc hơn các quy định trước đó về việc chống chuyển hóa, chống suy thoái trong cán bộ, đặc biệt là trong cán bộ cấp cao?
Quy định nêu gương đã có, Trung ương Đảng chỉ tiếp tục ban hành quy định nêu gương trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương. Đây là vấn đề cốt lõi, quan trọng để các lãnh đạo cao cấp thể hiện tính tiên phong, gương mẫu, xứng đáng giữ vai trò vị trí đó.
Nhiều vấn đề trong thời gian quá còn hạn chế thiếu sót như việc tự chuyển hoá trong một bộ phận của cán bộ Đảng viên trong đó có cán bộ cấp cao đã vướng vào và đã vi phạm.
Vậy nên, quy định này rất quan trọng, giúp phòng ngừa, răn đe để cán bộ, Đảng viên không dám, không muốn, không ham. Những vấn đề mà Bộ Chính trị và Ban Bí thư đặt ra đó là những điều cấm, không nên làm.
- Hàng loạt quy định liên tiếp và một cách tuần tự như vậy cũng cho thấy chúng ta đang dần dần thiết kế được một cái "lồng quyền lực" để “nhốt lồng quyền lực trong lòng cơ chế” như Tổng Bí thư đã từng nhấn mạnh, thưa ông?
Đây là một vấn đề rất là quan trọng như ý của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu. Dần dần chúng ta sẽ nhốt vào "lồng quyền lực", mà quyền lực này của Đảng, của dân giao cho.
Thực tế “nhốt quyền lực trong lòng quyền lực” là tránh việc anh lợi dụng lợi dụng quyền lực để làm sai, làm trái quy định của Đảng và Nhà nước.
Còn lãnh đạo sử dụng quyền lực để thể hiện tinh thần trách nhiệm của Đảng, của người dân tin tưởng giao cho thì quyền lực được thể hiện chứ không phải bị hạn chế.
- Ông từng nói rất nhiều cán bộ cấp cao có sai phạm nhưng không thấy ai từ chức. Liệu rằng quy định này sắp tới có hình thành “văn hóa từ chức” hay không?
Tôi nghĩ rằng trong quy định của Ban Bí thư cũng đã có nêu về vấn đề này. Những người có năng lực kém, uy tín thấp, bị kiểm điểm trách nhiệm, hoặc vi phạm kỷ luật, tôi nghĩ nên tự giác từ chức cho nhẹ nhõm, thanh thản.
Đó gọi là “văn hóa từ chức” và sẽ phù hợp hơn. Không nên để tới khi những cơ quan có trách nhiệm thi hành luật bắt buộc mình phải từ chức, thôi việc, hay thi hành kỷ luật Đảng.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận