• Zalo

Chống tham nhũng phải có những 'Bao công' quả cảm

Thời sự Thứ Năm, 07/06/2012 12:55:00 +07:00Google News

(VTC News) – Ví von tham nhũng như “trọng bệnh nan y”, ĐB Tiến nhấn mạnh, “phải dùng biệt dược, không thể xoa bóp ngoài da được”.

(VTC News) – Ví von tham nhũng như “trọng bệnh nan y”, ĐB Tiến nhấn mạnh, “phải dùng biệt dược, không thể xoa bóp ngoài da được”.


giáo dục


Tại phiên thảo luận về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011; việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012 tại Quốc hội sáng nay (7/6), nội dung về tham nhũng được Chính phủ thừa nhận là “vẫn còn nghiêm trọng” và “chưa được đẩy lùi”.

Trong khi đó, ở phần thảo luận, ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) thẳng thắn cho rằng, tham nhũng là do sự “lãng quên” cơ chế phòng ngừa tham nhũng.

Tình trạng tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi

Trình bày trước Quốc hội về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2011, tình hình thực hiện nhiệm vụ 4 tháng đầu năm và những giải pháp chủ yếu tập trung chỉ đạo, điều hành trong những tháng còn lại của năm 2012, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận, tình hình kinh tế - xã hội nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức lớn.

ĐBQH Lê Như Tiến (Quảng Trị) - Ảnh: Chung Hoàng. 
Trong đó, kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, lạm phát tuy đã được kiềm chế trong những tháng cuối năm, nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm vẫn ở mức cao là 18,13%; lãi suất còn cao; việc thực hiện chính sách tài khoá thắt chặt, chính sách tiền tệ chặt chẽ tuy đã góp phần quan trọng giúp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nhưng cũng để lại những hệ quả tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống của nhân dân.


Chất lượng tăng trưởng và khả năng cạnh tranh chưa được cải thiện, năng suất lao động xã hội thấp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm.

Quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp còn yếu kém; hệ thống kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, chậm được khắc phục; hiệu quả đầu tư vẫn còn thấp; nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu.

Các lĩnh vực xã hội còn những yếu kém, chậm được khắc phục, nhất là về chất lượng giáo dục đào tạo, khám chữa bệnh...

Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhận định, tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp xảy ra trên nhiều lĩnh vực, tình trạng lãng phí còn rất lớn.

Theo Phó Thủ tướng, đây cũng là một trong những khó khăn thách thức lớn mà nước ta phải đối mặt trong những tháng còn lại của năm 2012.  

"Tình trạng tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi; xuất hiện nhiều vụ khiếu kiện đông người phức tạp, nhất là về đất đai; việc bảo đảm an toàn các công trình thủy điện, tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông ở một số thành phố lớn, vẫn là những vấn đề bức xúc xã hội” – Phó Thủ tướng nói.

Chính vì vậy, đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí được Phó Thủ tướng nhấn mạnh sẽ là một trong những nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ tập trung chỉ đạo, điều hành trong những tháng còn lại của năm 2012.

Theo đó, "đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật, nhất là các vụ việc mà dư luận xã hội và cử tri cả nước quan tâm. Tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo trên tinh thần vừa bảo vệ lợi ích hợp pháp của người dân, công khai minh bạch, đúng pháp luật, vừa giữ nghiêm kỷ cương, phép nước.

Xử lý dứt điểm những vụ việc tồn đọng kéo dài, hạn chế để xảy ra những vụ khiếu kiện mới phức tạp, nhất là trong quá trình thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư" - Phó Thủ tướng nêu rõ.

Chống tham nhũng: "phải dùng biệt dược!"

Tập trung vào nội dung tham nhũng, tại phần thảo luận tại hội trường, ĐB Lê Như Tiến phân tích, tham nhũng có mặt khắp nơi, với nhiều mặt nạ, nhiều vỏ bọc khác nhau như thách đố kỷ cương, phép nước.

Các lĩnh vực là nơi khu trú của tham nhũng, là mảnh đất màu mỡ, nuôi dưỡng tham nhũng nảy nở, phát triển và lũng đoạn như: đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư, xây dựng cơ bản, tín dụng ngân hàng, thu chi ngân sách, quản lý vốn và tài sản nhà nước, mua sắm tài sản công, công tác tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ...

ĐB Tiến cho rằng, người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp có quyền gần như tuyệt đối trong việc định đoạt đất đai. Khi đất đai trở thành hàng hóa có giá trị đặc biệt thì những người được giao quyền rất dễ "xúc động" trước những nguồn lợi béo bở đó, trong khi các cơ sở y tế, các thiết chế văn hóa, các nhu cầu bức thiết về an sinh xã hội, các cơ sở giáo dục, đang thiếu đất nghiêm trọng nhằm giảm tải cho các nhu cầu bức thiết về văn hóa, xã hội, khám chữa bệnh, giáo dục đào tạo...

“Thế là "quốc nạn" có nguy cơ hạ đo ván các "quốc sách" – ĐB Tiến thẳng thắn.

ĐB này ví von, giống buôn lậu và gian lận thương mại, tham nhũng, hối lộ không đi theo con đường "chính ngạch" mà thường qua các con đường "tiểu ngạch" là các quý bà, quý cô, quý cậu, quý người thân trong gia đình; bằng hình thức chuyển dịch tiền và tài sản cho các chủ sở hữu khác nhau. Bằng cách dùng phép thuật nhào nặn, biến hóa các số liệu thu chi tài chính phi pháp thành hợp pháp mỗi khi thanh tra, kiểm toán "hỏi thăm"…

Theo ĐB Lê Như Tiến, biểu hiện của tham nhũng càng tinh vi, phức tạp thì chúng ta càng phải có bộ máy chống tham nhũng tinh thông, tinh nhuệ, thiện chiến, chuyên nghiệp, phải có những "Bao công" quả cảm, công minh, chính đại, trong sáng, vô tư, dám cởi bỏ mũ ô sa, lấy cả tính mạng và chức tước của mình để tuyên chiến với tham nhũng.

Tuy nhiên, nêu rõ về tình trạng “lãng quên” cơ chế phòng ngừa tham nhũng, ĐB Tiến nhấn mạnh, “ở đâu có quyền lực thì ở đó phải có cơ chế kiểm soát quyền lực. Các vụ PMU18, Vinashin, Vinalines là những bài học đắt giá”.

Nhắc đến các tập đoàn được ví như các "quả đấm thép" của nền kinh tế này đã làm thất thoát lãng phí, nợ đọng hàng chục nghìn tỷ đồng của Nhà nước, của nhân dân, ĐB Tiến lo lắng: “Cử tri thấp thỏm chờ xem, tiếp theo còn xuất hiện các "Vina" nào nữa?”

Phân tích sự tan chảy của một số "quả đấm thép", ĐB Tiến đặt câu hỏi: “phải chăng có nguyên nhân là do Nhà nước quá "nuông chiều" các "công tử" này, sẵn sàng cung ứng "bầu sữa" ngân sách, nguồn lực đất đai mà chưa xem xét toàn diện đến năng lực hiện thực và khả năng thực hiện của các doanh nghiệp này.

Mỗi khi doanh nghiệp "hoạn nạn", Nhà nước dễ dàng mở ngân khố, hầu bao quốc gia để giải cứu, ném phao cứu sinh, đến nỗi nhiều doanh nghiệp không mặn mà hồ hởi cổ phần hóa, chỉ muốn bao cấp dài dài”.

Ví von tham nhũng như “trọng bệnh nan y”, ĐB Tiến nhấn mạnh, “phải dùng biệt dược, không thể xoa bóp ngoài da được”.

Chiều ngày 7/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế xã hội.

Kiều Minh
Bình luận
vtcnews.vn