Lý giải về sự tồn tại của những quan điểm cho rằng, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng ta là cuộc “đấu đá phe nhóm, triệt hạ cán bộ”; công tác xử lý các vụ việc tham nhũng vừa qua vẫn còn “giơ cao đánh khẽ”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tín, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, cho rằng, đó là lời lẽ của những kẻ mượn chuyện chống tham nhũng để hướng vào chống đối chế độ, chống phá Đảng.
Thực tế công tác chống tham nhũng thời gian qua đã chứng minh, chúng ta càng đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng thì những người thiếu thiện chí sẽ càng đẩy mạnh chống phá.
“Đánh từ trên xuống, từ trong ra, đánh những nơi quan trọng trước”
- Thưa ông, thời gian qua, mặc dù công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng làm quyết liệt nhưng báo chí hải ngoại vẫn rêu rao rằng, chống tham nhũng ở Việt Nam nhằm “đấu đá cán bộ”? Cá nhân ông nghĩ sao về thông tin này?
Cần phải khẳng định rằng chống tham nhũng không phải là câu chuyện Đảng ta “đánh” ai, “đá” ai. Chủ trương, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta khẳng định, không có “vùng cấm” trong đấu tranh với tham nhũng, có nghĩa, ai tham nhũng, ở đâu có tham nhũng đều phải tìm ra và xử lý bằng được. Cách thức Đảng đang triển khai chống tham nhũng đó là “đánh từ trên đánh xuống, đánh từ trong đánh ra, đánh những nơi quan trọng trước” là cách làm đúng hướng và hiệu quả. Thực tế đã chứng minh, trong những vụ án tham nhũng trọng điểm đã xử lý, hầu hết các vụ án là ở các cơ quan, doanh nghiệp cấp Trung ương.
Tham nhũng tồn tại ở tất cả các chế độ xã hội. Vì vậy, muốn xã hội phát triển phải đấu tranh với tham nhũng. Với Đảng ta, mục đích của công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng là để xây dựng chỉnh đốn Đảng; chống tham nhũng là vì sự nghiệp chung, là “chặt cành để cứu cây”, thì sao có thể gọi là “đấu đá nội bộ”.
Tuy rằng, chống tham nhũng vẫn chưa đạt được như kỳ vọng của nhân dân như Đảng đã thừa nhận, bởi chống tham nhũng là chống “giặc nội xâm”, “giặc” ở trong lòng, phá hoại con người của Đảng và sự nghiệp của Đảng, nên đây là cuộc đấu tranh rất khó, đòi hỏi phải trường kỳ, lâu dài chứ không thể ngày một, ngày hai.
- Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng ở các tỉnh, thành phố sau 10 năm Ban Chỉ đạo cấp Trung ương ra đời, đó có phải là minh chứng rõ nhất cho quyết tâm làm trong sạch Đảng, thưa ông?
Có thể khẳng định, Đảng đang thực hiện đồng bộ các biện pháp để đấu tranh với tham nhũng. Năm 2012, Đảng thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng do đích thân Tổng Bí thư làm Trưởng Ban. 10 năm sau, với Quyết định 67 đã thành lập Ban Chỉ đạo của các tỉnh, thành. Có thể nói, đây là những “cánh tay nối dài” của Trung ương trong đấu tranh phòng chống tham nhũng. Nó không chỉ thể hiện sự đồng bộ, sự mạnh tay với cơ sở, khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, mà sẽ là khâu đột phá trong đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Cùng với đó, Đảng ngày càng hoàn thiện các hệ thống pháp luật, xây dựng các quy chế, quy định để phòng ngừa, răn đe. Gần đây nhất, chúng ta thấy, Đảng xây dựng quy định về kiểm soát quyền lực để phòng chống tham nhũng, lãng phí trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Đó là minh chứng rõ nét trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Đảng còn cho thấy sự quyết liệt trong xây dựng hệ thống chính trị thực sự liêm chính, kiến tạo; xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, sáng về tâm, xứng về tầm.
Đảng cũng đã tổ chức rất tốt khâu kiểm tra, thanh tra trong đấu tranh phòng chống tham nhũng. Hiện Đảng đang tổ chức 8 đoàn kiểm tra chống tham nhũng, điều đó cho thấy cả quyết tâm lẫn biện pháp đều rất quyết liệt, không như rêu rao của các thế lực thù địch là “giơ cao đánh khẽ”.
Lấy “thước đo” lòng dân đánh giá hiệu quả chống tham nhũng
- Để xóa tan những hoài nghi trong công tác phòng chống tham nhũng, theo ông đâu là “thước đo” khách quan nhất về hiệu quả của công tác này?
Thực tiễn đã chứng minh hiệu quả của công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực mà Đảng đang lãnh đạo, chỉ đạo đã thu được kết quả rất lớn. Trong 10 năm qua, cấp ủy Đảng các cấp đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức đảng, 168.000 đảng viên, trong đó riêng kỷ luật và xử lý các hành vi tham nhũng là 7.390 đảng viên. Đảng cũng đã xử lý 170 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 ủy viên, nguyên ủy viên trung ương, có 4 ủy viên, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, 50 tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang. Số tiền thu hồi trong đấu tranh chống tham nhũng của 10 năm qua lên tới 975.000 tỷ đồng.
Nhìn vào các vụ việc Đảng ta quyết liệt xử lý hiện nay như vụ Việt Á, vụ thao túng thị trường chứng khoán, vụ việc liên quan đến tham nhũng trong bất động sản, trong quản lý xuất nhập cảnh…, chúng ta sẽ thấy được rất rõ sự quyết liệt của Đảng. Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực lại được thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, bài bản và hiệu quả như hiện nay. Thực tế này đủ để vạch trần xuyên tạc chống phá của các thế lực thù địch, không thể gọi như thế là “giơ cao đánh khẽ”.
Hiệu quả trong đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực được đong đếm bằng “thước đo” lòng dân, loại thước cho kết quả minh bạch, chính xác, rõ ràng nhất. Niềm tin của nhân dân với Đảng trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng lãng phí hiện nay là rất lớn. Nó là dẫn chứng sinh động nhất cho quyết tâm đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng; là sự phủ định đanh thép đối với những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực. Với lý lẽ như vậy, việc các thế lực thù địch phản động xuyên tạc cho rằng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng Đảng ta đang “giơ cao đánh khẽ” là hoàn toàn phi thực tế.
- Ông kỳ vọng gì vào những “cánh tay nối dài” của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương?
Khi quyết định thành lập Ban Chỉ đạo ở địa phương để đấu tranh phòng chống tham nhũng, là chúng ta đã có những tiêu chí, quy định nhất định, mục đích của việc thành lập là để đấu tranh phòng chống tham nhũng lãng phí tiêu cực ngày càng hiệu lực, hiệu quả. Muốn vậy, rõ ràng cơ quan chỉ đạo phải có đủ tâm, đủ tầm thì mới thực sự hiệu lực, hiệu quả; quy chế, quy định của trung ương phải rất rõ. Nhưng thực tế sẽ cho thấy, đơn vị, địa phương nào thực hiện tốt, quyết liệt sẽ thành công; ngược lại nơi nào còn có vấn đề này vấn đề khác sẽ khó thành công. Vai trò của người đứng đầu, sự gương mẫu của người chủ trì quyết định việc đó.
Cùng với đó, việc giám sát, kiểm tra sự lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu các Ban chỉ đạo cấp tỉnh là hết sức cần thiết và cũng là một nguyên tắc, quy chế hoạt động của Đảng. Tuy nhiên đối với Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh, một đơn vị, một lĩnh vực đặc thù, yêu cầu đặt ra với Ban này rất cao, nhiệm vụ rất nặng nề, khó khăn, phức tạp. Vì vậy, yêu cầu kiểm tra, giám sát đối với người đứng đầu cũng như các thành viên của Ban này càng phải được đặc biệt chú trọng, đồng thời các quy chế, quy định, phải rõ ràng, minh bạch. Tuy nhiên, tôi vẫn nhấn mạnh một lần nữa là vai trò của người đứng đầu, trưởng ban, là hết sức quan trọng.
Và để giám sát hiệu quả, câu chuyện này đòi hỏi tính độc lập tương đối trong việc kiểm tra, giám sát, bởi các cơ quan có chức năng kiểm tra, giám sát thường là thành viên của Ban Chỉ đạo, vì vậy rất cần cái tâm, cái tầm của người lãnh đạo, đặc biệt là người chủ trì và sự minh bạch, độc lập của các cơ quan tham mưu nằm trong Ban Chỉ đạo.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận