• Zalo

Chống tham nhũng: Có công khai tài sản ở nơi cư trú?

Thời sựThứ Tư, 19/09/2012 09:00:00 +07:00Google News

(VTC News) – Chỉ công khai tài sản ở cơ quan đơn vị hay công khai cả nơi cư trú - là nội dung vừa được các thành viên UB Thường vụ Quốc hội “đặt lên bàn cân”.

(VTC News) – Chiều 18/9, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), trong đó, nội dung công khai tài sản ở cơ quan đơn vị hay công khai tài sản cả nơi cư trú được các thành viên UBTVQH “đặt lên bàn cân”.

Cần làm rõ việc công khai tài sản ở nơi cư trú

Nhiều thành viên UBTVQH quan tâm thảo luận về quy định công khai Bản kê khai tài sản cả ở nơi công tác và nơi cư trú để đồng nghiệp nơi công tác và nhân dân, cử tri nơi cư trú theo dõi.

Ông Ksor Phước đề nghị làm rõ thêm việc công khai tài sản nơi cư trú để tránh phức tạp (Ảnh: Lê Anh Dũng).
Đồng tình, một số ý kiến cho rằng quy định như vậy sẽ có điều kiện giám sát việc kê khai góp phần phòng, chống tham nhũng.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý, việc công khai cả hai nơi thuận tiện để “theo dõi”, tuy nhiên, để tránh việc kê khai tài sảnhiện được đánh giá là vẫn hình thức, kê khai tài sản để chống tham nhũng là phải kiểm soát được thu nhập.

“Hiện nay một người thu nhập bao nhiêu, nhiều hay ít không ai đánh giá được, và kiểm soát thu nhập là một trong những điều kiện để đảm bảo kê khai tài sản có đúng không" - ông Lý nêu.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước thì cho rằng, việc công khai tài sản khá phức tạp, nếu quy định công khai tài sản tại nơi cư trú thì “cư trú là cái gì, là nơi đăng ký thường trú hay là nơi tạm trú?”.

Ông Ksor Phước nêu, hiện có những đồng chí ở Hà Nội là thường trú, có đồng chí là tạm trú vẫn giữ nguyện hộ khẩu ở tỉnh, thậm chí có người còn ở quê gốc, có khi vợ con ở chỗ khác.

“Vậy việc kê khai này có công khai ở chỗ cha mẹ, vợ con họ đang ở không, hay chỉ công khai nơi cư trú - mà cách hiểu về cư trú rất rộng. Theo tôi trước mắt cơ quan chịu trách nhiệm quản lý cán bộ đó phải có trách nhiệm xác minh nơi cư trú của cán bộ này, và khẳng định khai báo như vậy là đúng đắn. Nếu không thì không nên công khai ở nơi cư trú, rất phức tạp” – ông Phước nói.

Về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đưa quan điểm: “Chỉ công khai nơi công tác thường xuyên, còn công khai nơi cư trú rất phức tạp, mục đích để làm gì, có kiểm soát phòng chống tham nhũng được hay không?”

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng cho rằng, việc quy định kê khai tài sản cũng khó mà phát hiện được tham nhũng và đưa ví dụ tài sản là viên kim cương nhỏ xíu có thể giấu được thì “có gì mà kê khai”.

Đưa ý kiến và cũng là kết luận cho nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu, dự luật nên chỉnh sửa ngay việc kê khai tài sản cho rõ như kê khai nơi cư trú là ở đâu, việc dán bảng kê khai ở cửa nhà, hay UBND phường, hay gửi cho ai và ai có quyền kiểm tra cũng phải làm rõ, “nếu không ai cũng có quyền vào kiểm tra tài sản thì loạn cả lên”.

Một nội dung khác được các thành viên UBTVQH tập trung thảo luận là đối tượng kê khai tài sản. Ngoài đối tượng kê khai tài sản là người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng và bổ sung thêm đảng viên thì cũng có ý kiến đề nghị cần quy định việc kê khai tài sản, thu nhập của cả bố mẹ, vợ, chồng, con cái (kể cả đã thành niên), anh em ruột của người có nghĩa vụ phải kê khai, góp phần khắc phục tính hình thức và hiệu quả thấp trong công tác kê khai, minh bạch tài sản thời gian qua.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, đối tượng kê khai tài sản không nên mở rộng thêm, cứ theo quy định của dự luật để tập trung “giám sát thẩm tra cho thực chất”.

Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng sẽ là cơ quan của Đảng

Một nội dung được nhiều thành viên UBTVQH quan tâm làquy định về Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng. Theo đó, Chính phủ đề xuất 3 phương án, trong đó, phương án 1 xác định rõ Ban chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư đứng đầu.

Phương án 2 chỉ quy định trách nhiệm của Ban chỉ đạo trong việc chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước và giao UBTVQH quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động.

Phương án 3 xác định Ban chỉ đạo là cơ quan của Đảng, không phải là cơ quan nhà nước.

 

Việc thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng Ban là để bảo đảm sự thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng đối với toàn bộ hệ thống chính trị của Nhà nước ta...

Ông Nguyễn Văn Hiện
 
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, qua thẩm tra, Ủy ban Tư pháp cho rằngchỉ còn phương án 3 là không quy định tổ chức, hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng trong luật mà Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng là một ban của Đảng, do Ban chấp hành Trung ương hoặc Bộ Chính trị thành lập, trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng Ban.

Theo chức năng nhiệm vụ, quyền hạn do Hiến pháp và pháp luật quy định, Quốc hội, UBTVQH, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp và các cơ quan, tổ chức hữu quan khác tùy theo thẩm quyền đều có trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng.

“Việc thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng Ban là để bảo đảm sự thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng đối với toàn bộ hệ thống chính trị của Nhà nước ta trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tổ chức, hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng sẽ được quy định trong văn kiện của Đảng là phù hợp” – ông Hiện nói.

Dự án Luật phòng chống tham nhũng sẽ tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện đề trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ 4 vào tháng 10 tới.

Trần Vũ

Bình luận
vtcnews.vn