Ông Nguyễn Văn Năng (68 tuổi, Long An) và bà Phạm Thị Lan (66 tuổi, TP.HCM) lấy nhau từ năm 1973, trải qua rất nhiều trắc trở, những tưởng đến cuối đời sẽ được hưởng những ngày tháng an nhàn, bình dị thế nhưng sóng gió cuộc đời chưa bao giờ thôi khiến họ phải vất vả.
Chồng cụt chân – vợ mù lòa
Trở về sau cuộc chiến tranh ác liệt tại chiến trường miền Đông, ông Năng bị mất cả hai chân, đôi cánh tay cũng không còn lành lặn, mỗi khi trái gió trở trời lại lên cơn đau nhức âm ỉ. Không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình, năm 1973, ông vào Biên Hòa (Đồng Nai) mưu sinh bằng nghề bán báo dạo với chiếc xe lăn làm người bạn đồng hành.
Tại đây, ông tình cờ gặp bà Lan. Xa quê mưu sinh, 2 mảnh đời nương tựa vào nhau cùng chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống. Họ gần nhau, yêu nhau và mong muốn được “về chung một nhà”. Thế nhưng, tình yêu này của họ đã gặp phải không ít lời đàm tiếu và phản đối, đặc biệt từ phía gia đình bà Lan.
“Lúc chúng tôi quyết định cưới nhau, cha mẹ Lan phản đối kịch liệt vì họ thấy tôi tàn tật, sợ rằng tôi sẽ là gánh nặng cho Lan. Cả tôi và Lan phải mất rất nhiều thời gian mới thuyết phục được cha mẹ cô ấy đồng ý. Đó có lẽ là ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi, khi tôi được phép cưới Lan làm vợ”, ông Năng nhớ lại.
Sau đám cưới, bà Lan theo chồng lên Tây Ninh làm kinh tế mới, vì ông không đi lại được nên mọi gánh nặng chăm lo cho gia đình đều do bà đảm nhận. Thương vợ vất vả, năm 1977 ông Năng quyết định trở về Sài Gòn mưu sinh.
Ông bán vé số, bà đi làm đủ mọi việc từ mua ve chai, bán rau... Sau nhiều năm tằn tiện, hai vợ chồng ông Năng cũng cất được một căn nhà che mưa che nắng trong một con hẻm nhỏ ở quận Thủ Đức (TP.HCM).
Sống với nhau hơn 40 năm, hai ông bà không có với nhau mụn con nào, chạy chữa khắp các bệnh viện mới biết bà bị u nang buồng trứng không thể sinh con, ông bà đành chấp nhận số phận.
Ông Năng tâm sự: “Không có con tôi cũng buồn lắm, nhưng thấy bà ấy còn buồn hơn, tôi chỉ có thể an ủi, ôm bà ấy vào lòng trấn an, không có con nhưng 2 vợ chồng sống hạnh phúc với nhau là vui rồi, biết đâu con sinh ra gặp mình lại phải chịu khổ thì sao.”
Những tưởng trải qua bao khó khăn khổ cực, cuối cùng ông bà có thể sống một cuộc đời bình lặng, ấm êm nhưng đến năm 2013, bi kịch lại tiếp tục giáng xuống gia đình của 2 vợ chồng già.
Bà Lan trải qua một cơn bạo bệnh, cuộc phẫu thuật khiến đôi mắt bị mù lòa rồi tai cũng bị ảnh hưởng phải ghé thật sát, nói thật lớn, bà mới nghe được một chút. Thế là bao nhiêu tiền tích góp, ông dồn vào chữa trị cho bà, vay mượn khắp nơi vẫn không thể chữa khỏi.
“Anh là đôi mắt – em là đôi chân”
Từ khi bà Lan bị mù, điếc, căn nhà nhỏ chìm trong bóng đêm và sự im ắng. Mong muốn trả lại ánh sáng đôi mắt cho người vợ giàu đức hy sinh nhưng kém may mắn, ông Năng làm việc ngày đêm, thức khuya dậy sớm. Nhưng cuộc sống vốn khắc nghiệt, người bình thường tranh đấu với nó đã khó khăn huống gì ông lại là một kẻ tật nguyền.
“Có những lúc tôi thực sự rất mệt, vết thương cũ lại tái phát đau nhức khắp mình mẩy, nhưng nhớ lại về những kí ức ngày xưa, về sự hy sinh của Lan dành cho tôi, tôi lại thêm có động lực để cố gắng chống chọi với cuộc sống”, ông Năng chia sẻ.
Tuy rất cố gắng, nhưng mỗi ngày ông chỉ kiếm được 50 - 60 nghìn đồng từ tiền bán vé số, có khi trời mưa to, dầm mưa đi suốt cả buổi tối nhưng chỉ kiếm được 10-20 ngàn.
Từ ngày bà bị ốm, ông cũng chỉ bán quanh quẩn ở những nơi gần nhà, cứ tầm 11h trưa, ông lại ghé về nhà thăm bà, ghé sát tai bà nói lớn: “Bà đói chưa? Tôi lấy cơm cho bà ăn nhé!”
Bà tủm tìm cười gật đầu, căn nhà nhỏ như ấm cúng hơn sau nụ cười của bà. Ông nhìn bà ăn, bà chốc chốc lại sờ trán, sờ vào đôi chân thiếu lành lặn của chồng, ánh mắt hấp háy rưng rưng phần như cảm kích, phần vì thương, vì xót cho chồng.
Video: Cảm động cảnh cha bại liệt đi tìm con bị bắt cóc
Đợi bà ăn xong, ông mới ăn nốt phần còn lại, dọn dẹp, dẫn bà đi nghỉ trưa rồi lại tranh thủ đi bán lại. Mỗi ngày ở nhà, bà Lan đọc kinh, cầu bình an cho chồng. Cứ thế, đã 3 năm nay, tuy vất vả nhọc nhằn nhưng chưa bao giờ ông oán than hay trách móc.
Ông bảo: “Cuộc đời tôi cưới được bà ấy là niềm hạnh phúc lớn nhất, bà ấy đã nguyện vì tôi mà hy sinh thanh xuân, tuổi trẻ, nguyện làm đôi chân của tôi. Bây giờ và sau này, tôi sẽ làm đôi mắt của bà ấy, chăm sóc cho bà ấy đến tận hơi thở cuối cùng, tôi chỉ sợ không may tôi gần đất xa trời, sợ không ai lo cho bà ấy…”
Bình luận