• Zalo

Chống người thi hành công vụ: Nên cho phép bắn

Thời sựThứ Sáu, 15/03/2013 07:31:00 +07:00Google News

(VTC News) – Người thi hành công vụ mang súng nhưng không được bắn hay có bắn thì lại là đạn cao su, làm thế thì tội phạm hay côn đồ càng không biết sợ.

(VTC News) – Người thi hành công vụ mang súng nhưng không được bắn hay có bắn thì lại là đạn cao su, làm thế thì tội phạm hay côn đồ càng không biết sợ.

Dự thảo nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ của Bộ Công an đề xuất trường hợp có dấu hiệu của tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì người thi hành công vụ được sử dụng công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật hoặc nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm để phòng vệ, tấn công, vô hiệu hóa hành vi chống người thi hành công vụ, kịp thời ngăn chặn hậu quả xảy ra và bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ.

Gửi ý kiến đến VTC News về đề xuất cho bắn người cán bộ thi hành công vụ, nhiều độc giả tỏ quan điểm ủng hộ.Bn đọc Vũ Long nói “tôi thấy đưa ra nghị định này là đúng và cần nhanh chóng hoàn thiện”.

Theo bạn Vũ Long, hiện nay tình hình xã hội đã khác trước, suy thoái kinh tế và sự ảnh hưởng từ bên ngoài nên tệ nạn ngày càng nhiều. Phải cho phép người thi hành công vụ được phép bắn tội phạm chống đối.

“Tôi thấy người thi hành công vụ mang súng nhưng không được bắn hay có bắn thì lại là đạn cao su. Làm thế thì tội phạm hay côn đồ càng không biết sợ? Tôi thấy cho phép công an dùng cả đạn thật luôn (đương nhiên là kèm với đạn cao su để trấn áp người quá khích), lúc đó những kẻ côn đồ hay tội phạm mới biết sợ” – Độc giả Vũ Long phân tích.

Nhiều bạn đọc tỏ quan điểm đồng tình với đề xuất cho phép nổ súng, bắn người chống cán bộ thi hành công vụ. 
Tuy nhiên, bạn Long cũng cho rằng, trong trường hợp, người vi phạm chỉ chống đối thông thường, chưa có biểu hiện nguy hiểm thì có thể bắn bị thương hoặc dùng vũ lực để tước hung khí của đối tượng, “làm vậy mới lấy lại được uy nghiêm của ngành công an trấn áp tội phạm”.

"Vì lý do này, nghị định cần nêu rõ khi nào mới được rút súng ra bắn chết hoặc bán bị thương và bên cạnh đó một nghị định đi kèm về việc quản lý vũ khí quân dụng chặt chẽ hơn nữa", Vũ Long góp ý.

Bày tỏ quan điểm ủng hộ đề xuất cho phép nổ súng đối với người chống cán bộ thi hành công vụ, độc giả Trần Thiết Giao bày tỏ “Chính vì bị hạn chế quyền sử dụng súng của lực lượng thi hành công vụ nên bọn tội phạm mới lộng hành như hiện nay”.

Độc giả Nguyễn Mạocũng cho rằng:Trong tình hình hiện nay, rất nhiều kẻ chống người thi hành công vụ gây lo lắng cho xã hội. Do vậy việc ban hành nghị định là cần thiết không cần bàn cãi quá nhiều gây chậm trễ”.

Theo bạn đọc PhuongSang: “Cái này đáng lẽ phải làm từ lâu như ở nước ngoài, dùng súng cao su và súng điện thôi. Cảnh sát cũng phải có "sức mạnh" khi thi hành công vụ chứ, nhất là đối với những kẻ bất trị”.

Trong khi đó, độc giả Hà Chín nêu ý vấn đề “tại sao chúng ta khi bàn bạc về một vấn đề lớn lại không chịu hi sinh một lợi ích rất nhỏ. Thực trạng chống người thi hành công vụ ngày càng nhiều… đó là biểu hiện của việc "nhờn luật" hoặc có ô dù che lấp và lách luật”.

Độc giả Chín cho rằng, một phần không nhỏ những kẻ chống người thi hành công vụ đều là "con ông, cháu cha" nên khi nhà nước chuẩn bị ra nghị định cho phép nổ súng trực tiếp vào người thi hành công vụ thì lại kêu "sợ lạm quyền".
Một cán bộ kiểm lâm bị lâm tặc hành hung, gây thương tích năm 2012.
Ảnh: Pháp luật TP.HCM
 
“Bất cứ điều gì cũng không thể toàn vẹn được. Cho phép nổ súng vào kẻ chống người thi hành công vụ đảm bảo 99,9% tình trạng chống người thi hành công vụ sẽ chấm dứt (trừ những kẻ không sợ chết). Tất nhiên khi ban hành nghị đinh trên sẽ dẫn đến việc lạm quyền: bắn bữa bãi. Khi đó chỉ là 1 phần nhỏ mà thôi. Với lại ai sai thi xử lí người đó” – Bạn Hà Chín khẳng định.

Bàn về việc chống lạm quyền khi bắn, bạn đọc Minh Đỗ cho rằng, khi thi hành công vụ nên đi ít nhất là 2 người và mang theo các thiết bị ghi hình để chứng minh hành động của cảnh sát là đúng, phù hợp. "Ví dụ như trường hợp người thanh niên cầm chai thủy tinh tấn công thì có thể bắn vào tay hoặc vào chân là phù hợp” – Bạn Minh Đỗ phân tích.

Bên cạnh những ý kiến đồng tình, nhiều bạn đọc tỏ ra lo lắng vì những điều trong dự thảo còn “tù mù” và lo ngại người được giao súng lạm quyền.

“Thế nào là hành động hay ngôn ngữ chống đối ? Mức độ chống đối để cảnh sát có quyền bắn ? Chống đối ở mức đô có hay không có vũ khí ? vũ khí chống đối loại gì thì công an được phép bắn. Tất cả đều tù mù. Quyết định này chắc chắn sẽ là giảm tính kiềm chế trước pháp luật của công an” – Độc giả Hoàng Anh lo lắng.

Cùng quan điểm này, bạn Lê Quang Danh băn khoăn về định nghĩ rõ ràng thế nào là chống người thi hành công vụ, vì nếu không rõ ràng thì câu nói này rất mê hồ.

Từ đó, bạn Danh đặt giả thiết, giữa người thi hành công và 1 công dân chỉ xảy ra lời qua tiếng lại, mà trong khi 1 công dân chưa hiểu luật phát rõ ràng thì người thi hành công vụ có được bắn họ không?

“Mỗi viên đạn còn gắn với lương tâm”

Trả lời phỏng vấn trên báo Tiền phong ngày 13/3, Thiếu tướng Trần Văn Vệ (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, Bộ Công an cho biết, việc Bộ Công an xây dựng dự thảo Nghị định trên nhằm tạo hành lang pháp lý cho cán bộ chiến sỹ làm nhiệm vụ độc lập tự bảo vệ tính mạng của mình, người khác và tài sản quốc gia.

Theo Thiếu tướng Vệ, thực tế có cán bộ nổ súng vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc nổsúng vào trường hợp không phải tội phạm, song theo tôi đây chỉ là những trường hợp hy hữu.

Khi quyết định nổ súng vào tội phạm còn phải cân nhắc nhiều điều, ngoài quy định còn là lương tâm con người với nhau… Nếu người thi hành công vụ cố tình vi phạm thì dù có quy định chặt chẽ đến mấy cũng vẫn xảy ra việc lạm quyền. Tôi nghĩ dự thảo Nghị định sẽ được quy định chặt chẽ, đảm bảo không trái Pháp lệnh cũng như không để kẽ hở dẫn đến việc lạm quyền.

Thiếu tướng Trần Văn Vệ khẳng định rằng, bất kể là lực lượng nào cũng phải tuân thủ các quy định của pháp luật, nếu trường hợp đối tượng tấn công không gây nguy hiểm cho tính mạng CBCS hoặc người khác thì không được bắn.




Thủy Trần
(tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn