Nghị quyết 01 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao (có hiệu lực từ 1/7/2024) quy định: "Trường hợp vợ đang có thai, sinh con thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt vợ có thai, sinh con với ai. Trường hợp vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt con đẻ, con nuôi".
Có thể hiểu, dù người vợ ngoại tình, vi phạm nghĩa vụ một vợ một chồng dẫn đến mang thai với người đàn ông khác thì người chồng vẫn không có quyền ly hôn. Điều này gây nên cuộc tranh luận sôi nổi với nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội.
Pháp luật bảo vệ bà mẹ và trẻ em
Trả lời VTC News, TS Hồ Lâm Giang, chuyên gia nghiên cứu về giới, nhận định trong văn hóa truyền thống, người phụ nữ "chính chuyên chỉ có một chồng", có con với người khác là việc không thể tha thứ. Không chỉ người đàn ông, ngay cả những người phụ nữ cũng không chấp nhận được điều này, vì nó vi phạm đạo đức xã hội, văn hóa và cả pháp luật.
Thế nên, bà Giang cho rằng, việc dư luận "dậy sóng" trước những nội dung trong Nghị quyết 01/2024 là điều dễ hiểu. Song, bà đánh giá, dư luận đang nhìn nhận chưa thấu đáo khía cạnh nhân văn của luật.
"Quy định này nhằm bảo vệ cho bà mẹ và trẻ em là nhóm người yếu thế. Ai cũng biết phụ nữ khi khi mang thai và nuôi con nhỏ sẽ gặp nhiều trở ngại và khó khăn trong việc kiếm sống, trẻ sơ sinh cần sự quan tâm chăm sóc của người mẹ", chuyên gia nói.
Bà Giang phân tích, không phải người phụ nữ nào cũng có điều kiện kinh tế để tự xoay xở khi mang thai và nuôi con nhỏ. Thậm chí, nếu ly hôn, nhiều người phụ nữ có nguy cơ tay trắng, không nhà cửa, không tài sản… Trong hoàn cảnh rất khó khăn như vậy dễ khiến họ bị dồn vào bước đường cùng.
Do vậy, việc không cho phép người chồng có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi nhằm bảo vệ tối đa bà mẹ và trẻ em.
"Nếu cảm thấy không thể chung sống, muốn ly hôn, thì đợi sau khi người phụ nữ sinh nở, con đủ 12 tháng, người chồng vẫn có thể để đợn ly hôn, trong luật không ngăn cấm điều này", vị chuyên gia nói.
TS Hồ Lâm Giang cho rằng nghị quyết này rất cần thiết, bởi cũng có trường hợp người phụ nữ có thể mang thai với người khác, nhưng chưa chắc đã vi phạm về đạo đức.
"Ví dụ như cô ấy chẳng may bị hãm hiếp, hoặc mang thai hộ với mục đích nhân văn (pháp luật đã cho phép), người chồng không thể lấy cớ để đòi ly hôn, ít nhất là khi cô ấy đang trong hoàn cảnh mang thai và nuôi con dưới 12 tháng. Đó là chưa kể, nhiều trường hợp người chồng ghen tuông vô cớ, không có bằng chứng rõ ràng, chỉ dựa vào nghi ngờ nhưng quyết tâm ly hôn, dồn người vợ mang thai vào hoàn cảnh khốn cùng", bà Giang nói.
Vị chuyên gia cũng nêu thực tế, nếu ngoại tình, vi phạm nghĩa vụ một vợ một chồng dẫn tới có thai với người đàn ông khác, nhiều người phụ nữ sẽ đồng thuận cho người chồng ly hôn, thậm chí còn chủ động đệ đơn ly hôn.
"Pháp luật quy định là thế, nhưng với chuẩn mực đạo đức xã hội, "búa rìu" dư luận, khi rơi vào trường hợp này đa phần phụ nữ sẽ đồng thuận ly hôn hoặc chủ động đệ đơn ly hôn chứ không đến mức chồng yêu cầu ly hôn và bị tòa án bác bỏ", bà Giang nhìn nhận.
Bà Giang cũng nêu thực tế, bà đã tiếp xúc với nhiều trường hợp người vợ mang thai con của người khác nhưng vẫn được chồng chấp nhận, thậm chí người chồng rất mực thương yêu vợ và nuôi con riêng của vợ.
"Chúng ta thường có câu "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh". Quan điểm và nhận thức của mỗi người trong cùng một vấn đề cũng hoàn toàn khác nhau. Hạnh phúc là tuỳ thuộc vào giá trị và quan điểm của mỗi người. Do vậy, chúng ta nên có sự mở lòng và khách quan hơn khi nhìn nhận mọi vấn đề", chuyên gia bày tỏ.
Vợ vẫn được quyền yêu cầu ly hôn
Trước ý kiến thắc mắc nếu người vợ ngoại tình và mang thai với người khác mà người chồng không thể ly hôn, liệu có quá thiệt thòi với người chồng, luật sư Hà Công Tâm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nêu rõ, quy định nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em.
"Giai đoạn đang mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi, cả người mẹ và trẻ đều rất dễ bị tác động tiêu cực từ các yếu tố bên ngoài, trong đó có việc ly hôn. Thế nên quy định tại luật và hướng dẫn tại nghị quyết nhằm hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực có thể xảy ra", ông Tâm nói.
Hơn nữa, theo luật sư, quy định chỉ điều chỉnh trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi sinh con, sau thời điểm này, người chồng hoàn toàn có quyền yêu cầu ly hôn.
Về luồng ý kiến trường hợp vợ mang thai với người không phải chồng mình tức là tình cảm đã không còn, nếu chồng không được quyền ly hôn, cứ khiên cưỡng sống với nhau sẽ càng đau khổ hơn. Luật sư Tâm lý giải, luật chỉ quy định hạn chế quyền ly hôn của người chồng chứ không hạn chế với người vợ.
"Nghĩa là trong khoảng thời gian trên, nếu người vợ muốn ly hôn thì họ hoàn toàn có quyền đề nghị, tòa án không được quyền từ chối mà phải thụ lý giải quyết theo thủ tục chung", ông Tâm phân tích.
Luật sư Hà Công Tâm nói thêm, chồng không được quyền ly hôn khi vợ đang mang thai hoặc sinh con dưới 12 tháng tuổi là quy định không mới.
Cụ thể, Điều 85 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 từng quy định "trường hợp vợ có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn".
Tuy nhiên, luật chỉ quy định về trường hợp "vợ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng", nên có thể xuất hiện các tình huống phát sinh như nếu người vợ mang thai không phải với chồng thì chồng có được quyền yêu cầu ly hôn không.
Để giải đáp, năm 2000, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao ban hành Nghị quyết 02/2000, hướng dẫn 2 cách xử lý đối với tình huống trên.
Thứ nhất, nếu chưa thụ lý vụ án thì tòa trả lại đơn kiện cho người nộp đơn. Thứ hai, nếu đã thụ lý vụ án, tòa giải thích cho người nộp đơn biết là họ chưa có quyền yêu cầu xin ly hôn, nếu vẫn không rút đơn thì tòa tiến hành giải quyết theo thủ tục chung và quyết định bác yêu cầu xin ly hôn.
Đến năm 2014, Luật Hôn nhân và gia đình mới được ban hành, thay thế luật cũ năm 2000. Tại Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 tiếp tục quy định "chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi".
"Tuy nhiên, luật mới này cũng không nêu rõ trường hợp vợ mang thai với người khác thì chồng có được quyền yêu cầu ly hôn hay không. Trong khi đó, Nghị quyết 02/2000 hướng dẫn áp dụng quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đã hết hiệu lực", ông Tâm nêu thực tế.
Vì vậy, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao ban hành Nghị quyết 01/2024 với hướng dẫn cụ thể trường hợp vợ đang có thai, sinh con thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt vợ có thai, sinh con với ai.
"Như vậy, quy định về việc chồng không được quyền yêu cầu ly hôn khi vợ đang mang thai, bất kể mang thai với ai, tiếp tục được áp dụng như trước đây. Nếu muốn ly hôn, người chồng bắt buộc phải chờ hết thời gian theo quy định", luật sư Hà Công Tâm nói.
Bình luận