Chống gian lận thương mại dịp Tết Nguyên đán 2022

Thị trườngThứ Năm, 18/11/2021 10:23:00 +07:00
(VTC News) -

Lực lượng quản lý thị trường TP.HCM sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu lớn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2022.

Nội dung được nêu ra tại kế hoạch cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường cuối năm 2021, trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 của Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM.

Cao điểm chống buôn lậu, hàng giả

Theo kế hoạch, đối tượng kiểm tra trong đợt cao điểm lần này sẽ là tổ chức, cá nhân sản xuất, chứa trữ, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa hoặc có hoạt động thương mại điện tử, hoạt động trên môi trường mạng để kinh doanh, có hành vi, dấu hiệu vi phạm.

Chống gian lận thương mại dịp Tết Nguyên đán 2022 - 1

Lực lượng QLTT TP.HCM đang kiểm tra nhà thuốc tại quận 8. (Ảnh: DMS)

Cụ thể kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng không đảm bảo chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm hoặc có hành vi, dấu hiệu vi phạm về thương mại điện tử, quảng cáo, đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, niêm yết giá hoặc có hành vi, dấu hiệu vi phạm khác thuộc thẩm quyền kiểm tra, xử lý của lực lượng quản lý thị trường.

Đặc biệt là hàng tiêu dùng thiết yếu, lương thực, thực phẩm, dược phẩm, trang thiết bị vật tư y tế, sản phẩm phòng chống dịch bệnh COVID-19 có nhu cầu lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng; các đối tượng hoạt động có tổ chức đường dây, ổ nhóm, thường xuyên vi phạm hoặc tác phạm nhiều lần.

Tổ chức, cá nhân kinh doanh tại các chợ, tuyến đường phố, trung tâm thương mại siêu thị, cửa hàng tiện ích, hội chợ; chứa trữ, vận chuyển tại các kho hàng, điểm chứa trữ, bến bãi, trạm xe trung chuyển hàng hóa, càng đường thủy, ga hàng không, ga đường sắt, các tuyến đường song, đường bộ.

Tổ chức cán nhân hoạt động tổ chức hội chợ, khuyến mại, kinh doanh dịch vụ giữ xe.

Thứ hai, đối với mặt hàng kiểm tra sẽ tập trung nhóm mặt hàng cấm, mặt hàng ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán như vũ khí, ma túy, vật liệu nổ, pháo nổ, hóa chất, tiền chất công nghiệp, đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực, tài liệu phản động, sản phẩm mang nội dung gây nhầm lẫn về chủ quyền quốc gia, động vật và thực vật hoang dã.

Nhóm mặt hàng thiết yếu phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2022, như quần áo, giày dép, điện thoại di động, hàng điện tử, điện lạnh, lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, đường, hoa quả, rượu bia, thuốc lá, nước giải khát, thực phẩm chức năng, thuốc tân dược, vị thuốc y học cổ truyền, trang thiết bị vật tư y tế phòng chống dịch bệnh, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em, xăng dầu, gas; gia súc, gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm, thực phẩm tươi sống; đặc biệt chú ý đến cá sản phẩm được sử dụng để làm quà tặng.

Nhóm mặt hàng nông lâm, thủy sản, vật tư nông nghiệp và phân bón; vật liệu và thiết bị xây dựng; xe đạp điện, xe máy điện và mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy; các sản phẩm hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu; các sản phẩm hàng hóa thuộc nhóm bình ổn thị trường.

Trong từng trường hợp cụ thể, nội dung kiểm tra sẽ bao gồm giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và điều kiện kinh doanh; việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động thương mại; thương mại điện tử; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Xúc tiến thương mại, quảng cáo, chất lượng sản phẩm, các dấu hiệu của hành vi đầu cơ, găm hàng; kiểm tra hàng hóa, hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng hàng hóa, nhãn hàng hóa, quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa; kiểm tra việc niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ và bán đúng giá niêm yết…

Thời gian thực hiện kế hoạch cao điểm kiểm tra, kiểm soát cuối năm 2021 và trước, trong, sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Quản lý có trọng tâm

Cục trưởng QLTT TP.HCM Trương Văn Ba yêu cầu các đội QLTT căn cứ tình hình, đặc điểm địa bàn phụ trách, rà soát các mục tiêu trọng điểm; phân công công chức thực hiện các biện pháp nghiệp vụ theo quy định để kịp thời phát hiện, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Theo đó, các Đội QLTT phải xác định địa bàn được phân công quản lý có trọng tâm là mặt hàng gì, hành vi vi phạm chủ yếu như thế nào, khu vực trọng điểm ở đâu để xây dựng và triển khai Kế hoạch kiểm tra đạt hiệu quả. Phải lưu ý các nhóm mặt hàng được vận chuyển, chứa trữ, bày bán tại các khu vực trên thành phố.

Bên cạnh đó, các Đội QLTT chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trên địa bàn TP.HCM để thực hiện có hiệu quả kế hoạch đã triển khai, vận động quần chúng tố giác, cung cấp thông tin để phát hiện và kịp thời xử lý vi phạm.

Theo đánh giá, việc tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát để phòng, chống các hành vi gian lận thương mại nhằm đảm bảo quyền lợi người dân, doanh nghiệp, tránh gây bất ổn thị trường. Đảm bảo hàng hóa trên thị trường bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân dịp Tết Nguyên đán và mặt hàng y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Ngoài ra, các Đội QLTT chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trên địa bàn để thực hiện có hiệu quả kế hoạch đã triển khai, vận động quần chúng tố giác, cung cấp thông tin để phát hiện và kịp thời xử lý vi phạm.

Liên tiếp phát hiện nhiều vụ vi phạm

Ngày 4/12, Đội 1, Cục QLTT TP.HCM kiểm tra kho xưởng sản xuất mỹ phẩm của chi nhánh công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ hóa mỹ phẩm T.L.T nằm trên đường Tân Thới Hiệp 20 tại Quận 12 phát hiện số lượng lớn sản phẩm được sản xuất không đủ điều kiện để bán ra thị trường.

Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện công nhân đang sản xuất nhiều sản phẩm mỹ phẩm như nước rửa tay, dầu gội, sữa tắm… Ngoài ra lực lượng chức năng còn phát hiện hơn 5.500 sản phẩm các loại cùng số lượng hóa chất công nghiệp, máy móc…Nhận định ban đầu, số mỹ phẩm này không đủ điều kiện để bán ra thị trường, chủ cơ sở không cung cấp được giấy chứng nhận đủ điều kiện để sản xuất mỹ phẩm theo quy định.

Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 14 phối hợp cùng Công an phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, TP.HCM kiểm tra Công ty TNHH Y tế HD DIAMOND phát hiện tạm giữ 450 máy đo nồng độ oxy trong máu nhập lậu.

Ngày 9/8, Đội QLTT số 3 phối hợp với Cục Nghiệp vụ QLTT thuộc Tổng cục QLTT và Công an phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân tiến hành kiểm tra Chi nhánh Công ty TNHH TM DV xuất nhập khẩu N.H.B tại địa chỉ số 75-77 đường G7, quận Bình Tân do ông Nguyễn Hoài Bách là người đứng đầu chi nhánh. 

Đoàn kiểm tra phát hiện 300 cái khẩu trang 3M 9001V chưa xuất trình hóa đơn chứng từ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu; ngoài ra có 20 cái máy tạo oxy và 3.400 cái khẩu trang bảo hộ lao động N95 là hàng hóa do Trung Quốc sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định.

Cùng ngày, Đội QLTT số 3 phối hợp với Cục Nghiệp vụ QLTT và Công an phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân tiến hành kiểm tra đối với điểm chứa hàng của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Taisum tại địa chỉ số 98 đường 2B, khu dân cư Vĩnh Lộc, quận Bình Tân.

Tại đây đoàn kiểm tra phát hiện có 143,5 kg găng tay cao su không hiệu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng, chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ và 480 cái khẩu trang 3M chưa qua sử dụng, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu.

Hòa Bình
Bình luận
vtcnews.vn