Chồng đánh vợ, chửi khách tây giữa phố: 'Ta phải thấy xấu hổ, nhục nhã'

Thời sựThứ Sáu, 25/03/2016 07:56:00 +07:00

Người đàn ông đánh vợ rồi chửi khách nước ngoài khi bị can ngăn là hết sức vô văn hóa, vi phạm hàng loạt điều luật.

(VTC News) – Người đàn ông đánh vợ rồi chửi khách nước ngoài khi bị can ngăn là hết sức vô văn hóa, vi phạm hàng loạt điều luật.

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn video dài hơn 1 phút ghi lại cảnh một người đàn ông mặc áo xanh đang chửi bởi tục tĩu, thậm chí còn có dấu hiệu đe dọa đối với một người nước ngoài.

Trong tiếng chửi tục tĩu của người đàn ông mặc áo xanh, mọi người nghe rất rõ tiếng một người phụ nữ đang khóc nức nở.

Theo thông tin chia sẻ thì sự việc được ghi lại trên phố Hồng Hà, Hà Nội. Trong lúc người đàn ông áo xanh đang đánh vợ thì vị du khách nước ngoài đi qua. Thấy sự việc bất bình, vị khách nước ngoài tốt bụng này đã tới khuyên can người chồng dừng hành động vũ phu với vợ của anh ta.

Nhưng không ngờ, người chồng quay sang chửi bới, có dấu hiệu đe dọa vị khách nước ngoài
rồi quay lại đánh vợ. Không giữ được bình tĩnh, vị khách nước ngoài xông vào kẹp cổ người chồng. Lúc này, một số người hàng xóm bắt đầu can thiệp thì sự việc mới dừng lại.

Người đàn ông mặc áo xanh đang đuổi theo, thách thức vị khách nước ngoài.

Liên quan đến sự việc này, phóng viên VTC News đã phỏng vấn Giáo sư Hoàng Chương – Giám đốc Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt nam.

Giáo sư Hoàng Chương cho biết, trước hết, đây là trường hợp thể hiện một vấn nạn nhức nhối còn tồn tại ở nước ta, đó chính là bạo lực gia đình. Luật pháp đã quy định rất rõ ràng, nhưng nhiều người chồng cứ cho mình đặc quyền rằng, vợ mình thì mình thích đánh thì đánh.

“Chưa nói đến việc cô vợ trong trường hợp này có làm sai điều gì hay không, nhưng việc đánh vợ của người chồng ngay ở giữa nơi đông người là hành vi vi phạm pháp luật rõ ràng và hết sức vô văn hóa. Khi có người nước ngoài tới can ngăn, người chồng lại quay ra chửi bới thì sự vô văn hóa của anh ta lại tăng lên một cấp độ nữa,” Giáo sư Hoàng Chương nói.

 

Tại sao những người Việt Nam có mặt lúc đó không vào can ngăn ông chồng kia mà lại để một người nước ngoài lên tiếng
GS Nguyễn Hoàng Chương
 
Về hành động vào can ngăn của vị khách nước ngoài, Giáo sư Hoàng Chương nói: “Mặc dù là khách qua đường, có sự bất đồng về ngôn ngữ nhưng vị khách đó không ngần ngại tới ngăn cản hành động đánh vợ của người đàn ông. Điều đó cho thấy sự văn hóa cao của người phương Tây.

Ở đây, tại sao những người Việt Nam có mặt lúc đó không vào can ngăn ông chồng kia mà lại để một người nước ngoài lên tiếng? Chúng ta để người nước ngoài ngăn cản một hành vi vô văn hóa như vậy thì chúng ta cũng phải cảm thấy xấu hổ, nhục nhã,” Giáo sư Hoàng Chương bày tỏ quan điểm.

Giám đốc Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam đề nghị cơ quan chức năng phải vào cuộc xử lý nghiêm khắc hành vi của người đàn ông đánh vợ, chửi người nước ngoài nói trên.

“Nếu đúng là sự việc như vậy diễn ra ngay ở Thủ đô Hà Nội thì nó đã làm ảnh hưởng tới hình ảnh tốt đẹp của người Hà Nội. Người Hà Nội vốn nổi tiếng là văn minh, lịch sự. Nếu văn hóa của người Hà Nội là tờ giấy trắng thì hành động đánh vợ, chửi khách nước ngoài của người đàn ông trong trường hợp này là một chấm đen trên tờ giấy trắng đó.

Hành động của người đàn ông trong sự việc này không chỉ vô văn hóa mà còn làm mất an ninh trật tự, vi phạm luật pháp rõ ràng. Cơ quan chức năng cần phải vào cuộc xem xét xử phạt nghiêm khắc. Các cơ quan truyền thông cũng phải lên tiếng phê phán.

Dù không phải là hiện tượng phổ biến, nhưng chúng ta phải lên tiếng mạnh mẽ. Từ một trường hợp vi phạm về văn hóa, chúng ta phải làm thật nghiêm để răn đe, làm gương cho những ai có ý định vi phạm. Có như vậy, văn hóa của chúng ta mới ngày càng tốt đẹp, mới không gây ấn tượng xấu trong mắt người nước ngoài,” ông Chương nói.


Trong khi đó, trao đổi với phóng viên VTC News, một số luật sư cho rằng, hành động can ngăn người chồng đánh vợ của vị khách nước ngoài là đúng đắn.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay, người chứng kiến hành vi bạo lực gia đình mà không có động thái ngăn cản, không thông báo với cơ quan chức năng thì cũng là hành vi vi phạm.

Nếu sự việc này là đúng, người vợ hoàn toàn có thể gửi đơn tới Hội liên hiệp Phụ nữ hoặc các cơ quan có thẩm quyền địa phương đề nghị can thiệp.

Video: Khách nước ngoài ngăn cản người chồng đánh vợ


Cơ quan chức năng có thể căn cứ vào vào Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Phòng chống bạo lực gia đình; Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình... để xử lý người đàn ông nói trên.

Về lỗi cụ thể của người đàn ông, trước hết, người này có dấu hiệu chửi bới người khác nơi công cộng. Về hành vi này, cơ quan chức năng có thể xử phạt anh ta theo theo Điều 5 Nghị định 167 quy định xử phạt đối với hành vi “Vi phạm quy định về trật tự công cộng”.

Điều 5 Nghị định 167 nêu rõ, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi: “- Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; - Gây mất trật tự ở rạp hát, rạp chiếu phim, nhà văn hóa, câu lạc bộ, nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, lễ hội, triển lãm, hội chợ, trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư, trường học, bệnh viện, nhà ga, bến tàu, bến xe, trên đường phố, ở khu vực cửa khẩu, cảng hoặc ở nơi công cộng khác.”

Ngoài vi phạm quy định về trật tự công cộng, người đàn ông chửi, đánh vợ còn có dấu hiệu của hành vi bạo lực gia đình.

Theo Luật Phòng, chống bạo lực gia gia đình, những hành vi như: Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng... đều được coi là hành vi bạo lực gia đình.

Khoản 1, Điều 42 Luật Phòng, chống gia đình có quy định rõ: “Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.


Khoản 1, Điều 51 Nghị định 167/2013 của Chính phủ cũng quy định rõ, người có hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình sẽ bị phạt  tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Trong trường hợp này, nếu người chồng đánh vợ gây thương tích nhưng chưa tới mức độ bị xử lý hình sự thì có thể bị xử phạt theo quy định tại Khoản 1, Điều 49 Nghị Định 167. Theo điều luật này, người có hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng.

Đối với hành vi chửi bới vị khách nước ngoài

Cơ quan chức năng có thể xử phạt anh này theo quy định tại Điều 58 Nghị định 167.


Điều 58 Nghị định 167 quy định xử phạt về “Hành vi bạo lực đối với người ngăn chặn, phát hiện, báo tin bạo lực gia đình, người giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình”. Cụ thể như sau:

“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Đe dọa người ngăn chặn, phát hiện, báo tin bạo lực gia đình, người giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình;

b) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm người ngăn chặn, phát hiện, báo tin bạo lực gia đình, người giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Hành hung người ngăn chặn, phát hiện, báo tin bạo lực gia đình, người giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình;

b) Đập phá, hủy hoại tài sản của người ngăn chặn, phát hiện, báo tin bạo lực gia đình, người giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này;

b) Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.


Đà Long
Bình luận
vtcnews.vn