Giữa cuộc khủng hoảng vì hệ thống y tế quá tải, chính quyền Italy đang phải áp dụng các biện pháp đặc biệt để huy động đủ y bác sĩ cho công tác chống dịch Covid-19 lây lan.
Hôm 7/3, Italy đã bắt đầu tuyển dụng các bác sĩ đã nghỉ hưu trở lại làm việc. Đây là một trong những giải pháp khẩn cấp nhằm bổ sung 20.000 nhân viên y tế để chống lại dịch Covid-19 đang bùng phát tại nước này, theo AP.
Biện pháp này là một trong nhiều biện pháp được chính phủ thông qua tại cuộc họp nội các thâu đêm trong bối cảnh Italy ghi nhận thêm 49 ca tử vong vì Covid-19, số ca tử vong cao nhất trong vòng 24 giờ từng được ghi nhận tại nước này.
Video: "Ghen Cô Vy" ra mắt bản tiếng Anh
Italy huy động từ già đến trẻ đối phó khủng hoảng y tế
Tính đến hết ngày 7/3, tổng số ca nhiễm bệnh tại Italy là 5.883 trường hợp, cao nhất châu Âu và hiện xếp sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Iran. Tổng số người chết vì dịch bệnh lên tới 233, con số lớn nhất bên ngoài Trung Quốc.
Khu vực Lombardy của Italy là tâm dịch bùng phát virus corona chủng mới tại nước này. Đáng báo động là 10% y bác sĩ vùng này không thể tiếp tục làm việc vì đã nhiễm virus corona và đang được cách ly, theo lãnh đạo cơ quan y tế vùng Lombardy, ông Giulio Gallera.
Trước khả năng cao số ca nhiễm virus corona sẽ tiếp tục tăng trong ít nhất một tuần nữa, hệ thống y tế vùng Lombardy đang đạt đến đỉnh điểm của khủng hoảng, theo AP.
Bệnh viện ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề như Lodi và Cremona đã vài lần rơi vào tình trạng quá tải từ tuần trước. Bệnh nhân đổ về nhiều hơn mức có thể tiếp nhận khiến các bệnh viện này phải đóng cửa phòng cấp cứu và bệnh nhân mới được đưa đi nơi khác.
"Một số bệnh viện ở vùng Lombardy đang bị quá tải. Dịch bệnh này ở quy mô lớn hơn mọi người nghĩ và vượt ngoài khả năng ngăn chặn", bác sĩ Massimo Galli, người đứng đầu khoa bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Sacco ở Milan nói với Sky TG24.
Tuy nhiên, bộ phận chăm sóc đặc biệt của các bệnh viện phía bắc vẫn có thể điều trị bệnh nhân. Khoảng 9% số ca được chẩn đoán mắc Covid-19 cần được chăm sóc đặc biệt, theo lãnh đạo Cơ quan Bảo hộ Công dân Angelo Borrelli.
Chính quyền Lombardy cũng đã yêu cầu chính quyền trung ương huy động các bác sĩ và y tá nghỉ hưu quay trở lại làm việc theo biên chế. Ngoài ra, các sinh viên điều dưỡng chuẩn bị tham gia kỳ thi cuối tháng tới dự kiến sẽ tốt nghiệp sớm trong vài ngày tới, và được đưa vào làm việc ngay lập tức, ông Gallera cho biết.
"Chúng tôi có thể nhận bất cứ ai, dù già hay trẻ. Chúng tôi cần nhân sự, đặc biệt là các bác sĩ có trình độ", chuyên gia Gallera nói với các phóng viên.
Các bệnh viện tư ở Lombardy đã cung cấp giường bệnh cho các khoa chăm sóc đặc biệt và các bác sĩ tư cũng đồng ý đến làm việc tại các bệnh viện công để đối phó khủng hoảng.
Chính quyền cũng yêu cầu các bệnh viện tại Lombardy giảm 70% số ca phẫu thuật và số giường bệnh theo yêu cầu để nhường chỗ cho bệnh nhân nhiễm Covid-19, theo ông Attilio Fontana, lãnh đạo chính quyền khu vực.
Giám đốc cơ quan dân phòng Angelo Borrelli khẳng định Italy đang làm hết sức có thể để mua lại và phân phối khẩu trang chuyên dụng, mặt hàng nước này không thể tự sản xuất trong nước.
Để đối phó với dịch bệnh, lực lượng dân phòng đã dựng lên 283 đơn vị phân chia trong các chốt dựng ngoài bệnh viện và các cơ sở khác trong khu vực bị ảnh hưởng nặng nề, nhằm đảm bảo môi trường an toàn cho bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị.
Số ca bệnh ở châu Âu tăng mạnh
Nằm trong lòng thủ đô Rome của Italy, Thành Vatican cũng đang triển khai các biện pháp phòng ngừa chưa từng có để bảo vệ sức khỏe cho 450 cư dân cao tuổi của quốc gia nhỏ bé này.
Ca nhiễm Covid-19 đầu tiên của Vatican được xác nhận tại một phòng khám dành cho linh mục hôm 5/3, trong khi một trường hợp khác đang chờ kết quả xét nghiệm. Người này từng tham gia một sự kiện tại đây vào tháng trước.
Hội nghị đó cũng có sự tham gia của Chủ tịch Microsoft Brad Smith và Chủ tịch Nghị viện Châu Âu David Sassoli. Vatican cho biết tất cả những người tham dự đang được thông báo về vụ việc để đề phòng.
Chính Giáo hoàng Francis đã bỏ lỡ không tham gia hội nghị đó vì ông đang trong thời gian nghỉ ngơi do cảm lạnh.
Hôm 7/3, Vatican dự kiến sẽ công bố liệu Giáo hoàng có thể tiếp tục các buổi lễ chiều chủ nhật như bình thường hay không. Truyền thông suy đoán có khả năng Giáo hoàng sẽ dẫn dắt lễ cầu nguyện qua video trực tuyến.
Hôm 5/3, Vatican cho biết đang xem xét thay đổi trong lịch trình của Giáo hoàng "để tránh sự lây lan" của dịch Covid-19.
Trong khi đó, một loạt quốc gia châu Âu khác hôm 7/3 cũng chứng kiến số ca nhiễm virus corona tăng mạnh là Hà Lan, Bỉ, Thụy Điển, Na Uy và Áo.
Số ca nhiễm virus corona tại Đức vẫn tiếp tục tăng nhanh. Tới sáng 7/3, Đức đã ghi nhận thêm 125 trường hợp dương tính với virus corona, nâng tổng số người nhiễm bệnh tại nước này lên 670, cao thứ hai tại châu Âu chỉ sau Italy.
Đáng chú ý, Thụy Sĩ chứng kiến số người nhiễm virus corona tăng gần gấp đôi chỉ trong 1 ngày. Cụ thể, số người được xác định dương tính với virus corona đã tăng từ 110 lên 214 chỉ trong vòng 24 giờ qua, trong đó 1 ca đã thiệt mạng.
Iran huy động Lực lượng Vệ binh Cách mạng
Trong ngày 7/3, Iran công bố thêm 21 ca chết vì virus corona và 1.076 ca nhiễm mới. Tổng cộng số ca nhiễm ở nước này đã lên tới 5.823 với 145 trường hợp tử vong. Trong khi đó, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cùng ngày cho biết số ca nhiễm mới ghi nhận được ở nước này là 99 trường hợp và thêm 28 người chết vì virus corona, chủ yếu tại thành phố Vũ Hán.
Như vậy, số ca nhiễm mới tại Iran đã gấp 10,8 lần so với Trung Quốc - nơi khởi phát dịch virus corona.
Để đối phó với tình trạng dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, nước Cộng hòa Hồi giáo đã phải huy động Lực lượng Vệ binh Cách mạng, thường phụ trách các nhiệm vụ quân sự và an ninh của Iran.
Động thái diễn ra trong bối cảnh nhiều quan chức cấp cao của nước này, bao gồm cả thứ trưởng Bộ Y tế và hơn 20 nghị sĩ quốc hội, được xác nhận nhiễm virus corona chủng mới. Tính đến ngày 7/3, hai nghị sĩ quốc hội mới trúng cử đã chết vì căn bệnh này.
Việc huy động Lực lượng Vệ binh Cách mạng được cho nhằm đảm bảo sự tồn tại của chính phủ, điều tối quan trọng trong bối cảnh các nhà lãnh đạo Iran đang quay cuồng trước sức ép từ dịch bệnh và các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Lực lượng Vệ binh Cách mạng đã nhanh chóng xây dựng các bệnh viện dã chiến và lập ra một trụ sở có tên là Căn cứ chiến đấu chống Covid-19.
Đeo mặt nạ phòng độc và mặc đồ bảo hộ, các binh sĩ của lực lượng này phun thuốc khử trùng trên đường phố và tại nhiều bệnh viện ở vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh như thủ đô Tehran, thành phố Rasht và thành phố Qom. Họ cũng điều tra những người đầu cơ tích trữ vật tư y tế trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát.
Bình luận