• Zalo

Chồng bế vợ, bà trải chiếu nằm sân bệnh viện chờ cháu

Sức khỏeThứ Ba, 11/02/2014 06:40:00 +07:00Google News

(VTC News) - Đầu năm mới, bệnh nhân đến khám tại bệnh viện Phụ sản Trung ương đông nghẹt không có chỗ nên chồng bế vợ trên lòng, bà trải chiếu nằm sân đợi cháu mới sinh.

Bà bầu chen nhau chờ khám
9h sáng 10/2, khu khám bệnh phía trong bệnh viện Phụ sản TW đã đông nghẹt người ngồi chờ đến lượt làm thủ tục khám.
Bệnh viện đã có những cải tiến đáng kể trong việc xếp hàng khám. Bệnh nhân đến viện được hướng dẫn lấy số. Nếu khám theo bảo hiểm sẽ có hệ thống số riêng so với khám dịch vụ.

Vì quá đông, không còn chỗ nên người chồng phải bế vợ trong lòng.

Chị Hồng (sinh năm 1983) ở Vĩnh Hưng, Hà Nội cho biết: “Tôi đã có 1 con trai 6 tuổi nhưng giờ muốn có thêm em bé mà mãi không đậu thai nên đầu năm mới đã suốt ruột, muốn đến khám xem tình hình thế nào”.
Theo chị Hồng, bệnh viện đã sắp xếp được chỗ ngồi cho lượng bệnh nhân đông, không còn cảnh  chen lấn nhau lên làm thủ tục khám. Ai đến trước sẽ có số để khám trước.
Tuy nhiên, chị Hồng khá bức xúc vì chị có bảo hiểm nên chị ấn lấy số để khám bảo hiểm. Khi chờ đến lượt thì nhân viên tiếp đón nói, chị khám để biết tại sao mãi không đậu thai thì phải khám dịch vụ.
 “Thế nên dù đã đến lượt nhưng tôi lại phải quay ra lấy lại số khám bên dịch vụ. Giờ  đã gần 11 giờ rồi nhưng vẫn chưa đến lượt đây. Lần sau rút kinh nghiệm, tôi lấy cả số bên khám dịch vụ cả bên bảo hiểm cho đỡ mất thời gian”, chìa số thứ tự là 1.660 chị Hồng nói.
Còn chị Thúy (sinh năm 1987, Hà Nội), đã có con 2 tuổi nhưng gần ngày Tết, chị  thấy ra dịch hồng nhưng vì là 28 Tết nên chị cố chịu để đầu năm mới đi khám.
Chị Thúy không ngờ mới những ngày đầu năm mà bệnh viện đã đông nghịt thế này. Số chờ đến lượt của chị Thúy cũng lên tới 1.664, và đã gần 11 giờ trưa. Chị bảo rằng, chắc chị sẽ ở ăn trưa ở viện và đợi khám vào buổi chiều.

Theo chị Thúy, nếu về nhà ăn cơm, nhà chị ở xa thì đi lại cũng quá tội.

Không chỉ ở khu khám bệnh trong viện, mà khu khám bệnh tự nguyện ở 56 Hai Bà Trưng, Hà Nội cũng đông kẹt người.
Phía ngoài, bà bầu xếp hàng dài đợi lấy số, hành lang dọc các phòng khám, các ghế  đợi không còn chỗ, bà bầu phải  đứng chờ đến lượt khám.

Một bà bầu sắp đến ngày sinh khệ nệ 1 tay bê bụng, 1 tay giữ eo đi nhích từng bước. Bên cạnh chị phải có 1 người đỡ. Chốc chốc, chị lại kêu lên để những người khác không chạm vào bụng vì đông.

Chồng bế vợ, bà trải chiếu nằm sân
Cũng ở phòng khám 56, vì quá đông bà bầu, nên một chị phải ngồi trên lòng chồng bế. Cảnh tượng khá xúc động khi người chồng không ngần ngại vừa ôm vợ vừa nựng.

 

Người thân đi trông sản phụ  trải chiếu ở sân viện.

 Trong sân, ở góc bệnh viện, một nhóm các bà trải chiếu, trải chăn ngồi co ro chống rét. Thôi thì nào túi, nào chăn, nào cặp lồng, phích...
Bà Hòa, quê ở Ứng Hòa, Hà Nội cũng đang ngồi chờ cháu xuất viện. Ngày lạnh đột ngột, các bà, các chị ai có chăn mang chăn, ai có chiếu mang chiếu ra trải. Rồi tất cả nằm chung cho ấm cúng.
Bà Hòa kể: “Thôi thế là mừng rồi, cả Tết cứ thấp thỏm chuyện con đẻ, giờ mẹ tròn con vuông rồi, dù vất vả tí nhưng cũng đã qua”.
Khi được hỏi về chuyện bác sỹ, điều dưỡng ở viện chăm sóc bệnh nhân có tốt không?

Một chị bên cạnh nói chen vào: “Bác sỹ rất tốt và nhiệt tình. Tôi không thấy họ đòi hỏi gì nhà tôi cả. Mà nhà tôi cũng là nông dân, lấy đâu ra tiền biếu bác sỹ”.

Cũng chính chỗ này, năm ngoái phóng viên VTC News cũng gặp những người phải nằm vạ vật để đợi giờ được vào chăm sản phụ.
Anh Quân (Hà Giang) đưa vợ lên nằm viện Phụ sản TW vì chửa trứng. 2 ngày đầu đợi phẫu thuật, 2 vợ chồng anh đã bỏ ra 1 triệu đồng để ở khách sạn. Từ khi nhập viện, vợ nằm trong phòng bệnh, còn anh ở ngoài lang thang. Khi cần, gọi là anh có mặt.
Một hình ảnh khá hài hước mà lại khá buồn đập vào mắt phóng viên VTC News khi đi thực tế tại bệnh viện Phụ sản TW là cùng một chiếc chiếu, đàn ông, đàn bà nằm chung tất.
Có hôm trời mưa, nằm ở hiên, nước mưa bắn vào ướt cả chăn. Họ đi chăm người bệnh nhưng họ vẫn cần sống, vẫn cần nghỉ ngơi. Ở viện này,  tuy có ốm đau, bệnh tật nhưng vẫn có cái để mà hy vọng.

Anh Lê Quang Huy (Đông Anh) có vợ nằm đây chia sẻ: Bệnh viện TW tay nghề bác sĩ rất tốt. Vào đây, chúng tôi rất an tâm. Biết đông là khổ nhưng vẫn đổ xô lên đây. Nhưng ở đây, chi phí tốn kém quá. Đi tắm gội có nước nóng mất 50 ngàn đồng, đánh răng 15 ngàn, đi vệ sinh mất từ 2 ngàn đến 4 ngàn đồng.

Ở trong viện có khoa dinh dưỡng cung cấp cơm, cháo. Tuy nhiên, vì quá đông nên chúng tôi phải xếp hàng chờ. Khi đến lượt mua thì không có thời gian. Vì viện chỉ cho người nhà vào chăm bệnh nhân trong thời gian nhất định.
Đi mua thức ăn cho bệnh nhân ăn rồi còn vệ sinh cho vợ nữa. Dù mua trong viện an toàn nhưng với những lý do trên, chúng tôi vẫn phải ra ngoài viện mua cho nhanh. Tôi mong muốn, viện tăng  cường thêm người bán đồ ăn trong viện, cần có vòi nước công cộng cho người nhà bệnh nhân dùng.
Người phụ nữ này đang cầu nguyện cho cháu đang nằm tại viện vì sinh non.
Trong buổi sáng đầu năm mới, cũng tại viện phụ sản TW, một cảnh tượng khá xúc động khác là một người phụ nữ đứng chắp tay lạy trước tượng bán thân của GS Đinh Văn Thắng, người có công xây dựng nên bệnh viện Phụ sản TW.
Người phụ nữ ấy chắp tay, miệng lầm rầm cầu nguyện. Đợi bà cầu xong, phóng viên đến gần hỏi thăm. Bà cho biết: "Tôi quê ở Nghệ An, ra đây chăm cháu đã hơn 1 tháng rồi. Con dâu tôi sinh non từ trước Tết, cháu tôi chỉ hơn 1,3 kg, vì mẹ nó mang bầu mới 30 tuần thì vỡ ối. Lúc đó, nó đang ở Nghệ An, quê  chồng.
Ngay sau đó, gia đình chuyển nó về Hà Nội và nhập viện Phụ sản TW. Cháu bé sinh ra phải được chăm sóc đặc biệt. Sau đó,  sức khỏe đã ổn định nhưng rồi sức khỏe cháu lại xấu đi nên phải chuyển vào phòng chăm sóc đặc  biệt.
Tôi ra đây cầu nguyện cho cháu được mạnh khỏe. Thôi, sắp đến giờ được vào với cháu, tôi vào cho kịp nhé". Nói rồi, bà vội vã đi.

Bình luận
vtcnews.vn