• Zalo

Chọn rời bỏ EU, Anh mất nhiều hơn được

Kinh tếThứ Ba, 28/06/2016 19:29:00 +07:00Google News

Giới phân tích cho rằng, việc Anh tách ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) về dài hạn, nước Anh sẽ mất nhiều hơn được.

Chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, nguyên nhân Brexit thì nhiều, nhưng tựu chung lại do “cái dạ dày” của nhiều người Anh bị thu nhỏ lại. Hiện tượng Brexit bắt nguồn do hạn ngạch, hạn mức phân bổ hạn chế nhiều lĩnh vực vì “cái dạ dày” chung của EU cùng với hiện tượng nhập cư, chủ quyền, lợi ích đảng phái nội bộ nước Anh.

Còn TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc Anh gia nhập EU vốn là một “cuộc hôn nhân” rất khó khăn. Cách đây vài chục năm Anh được mời gia nhập ECC (Cộng đồng kinh tế châu Âu) nhưng từ chối, rồi sau đó gia nhập EU.

Anh là một “ốc đảo” khác biệt với cộng đồng chung châu Âu. Kể từ khi Anh gia nhập khối này, nhiều người dân Anh có luồng tư tưởng là Anh không thuộc về châu Âu, và bất đồng với tư cách thành viên của EU, do họ thấy không có nhiều lợi từ việc gia nhập này, bên cạnh các vấn đề phí tổn và nhập cư.

brexit

 

Rất tiếc trong thời gian gần đây, các vấn đề khó khăn của Anh Quốc và châu Âu đang nổi lên như chống khủng bố, người nhập cư…

Mất nhiều hơn được khi ra khỏi khối EU

"Người Anh không nhận được gì từ châu Âu, trong khi chi phí rất lớn. Nhiều người cân nhắc ra đi vì họ không còn thấy có lợi gì trong EU. Chính vì thế Brexit xảy ra với 52% người dân Anh bỏ phiếu", ông Hiếu nhắc lại.

Tuy nhiên, ông Huỳnh Thế Du, Giám đốc Đào tạo Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright trả lời trong BizTALK với chủ đề “Thiên nga đen” Brexit và ứng xử của Việt Nam ngày 28/6 lại cho rằng Tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế dẫn tới một sân chơi chung và EU được hình thành với ý nghĩa như thế.

Hình thành khối EU tạo ra một thị trường lớn để giảm chi phí giao dịch, tạo lợi thế thương mại nhờ quy mô lớn… Tiến trình này dẫn tới tự do hóa di chuyển dòng vốn, hàng hóa và nhân công.

Tuy nhiên khi quy mô lớn cũng có những trục trặc và rủi ro đi kèm. Đó là sự đồng nhất của văn hóa, đồng nhất của cộng đồng giảm đi. Rủi ro lớn nhất ở đây là người nhập cư và vấn đề khủng bố.

Thực tế lợi ích của hội nhập rất lớn và được thể hiện từ từ, nhưng cái rủi ro thì lại thấy ngay.

"Chẳng hạn, năm 2015 có hàng triệu người di cư từ Trung Đông và Bắc Phi sang các nước châu Âu đã dẫn tới cuộc khủng hoảng người nhập cư tại EU, tác động trực tiếp tới tâm lý người dân EU.

huynhthedu

 

Nhiều công dân trong khối EU có cảm giác rủi ro quá lớn so với lợi ích mà họ nhận được dẫn đến trạng thái phòng ngự. Chính vì vậy đã nảy sinh tâm lý muốn tách ra khỏi khối EU của người Anh.

Ông Huỳnh Thế Du, Giám đốc Đào tạo Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright

Nhiều công dân trong khối EU có cảm giác rủi ro quá lớn so với lợi ích mà họ nhận được dẫn đến trạng thái phòng ngự. Chính vì vậy đã nảy sinh tâm lý muốn tách ra khỏi khối EU của người Anh", ông Du phân tích.

Bên cạnh đó, phong trào muốn dẹp bỏ tiêu cực, bất lợi xảy ra khắp mọi nơi, từ những nước đang phát triển tới những nước phát triển. Nhưng họ không lường trước được hết hậu quả của việc phá hủy hiện tại sẽ để lại những “vết thương” không ngờ cho tương lai và tương lai đó sẽ tệ hơn hiện tại.

Việc Anh tách ra khỏi EU đã có những ảnh hưởng rất lớn cho nước Anh và kinh tế toàn cầu.

Về dài hạn, giới phân tích cho rằng, nước Anh sẽ mất nhiều hơn được khi ra khỏi khối EU.

Điều nhận thấy ngay khi kết thúc ngày 24/6, thị trường chứng khoán London với chỉ số FTSE đã giảm điểm mạnh 3,2% (có lúc giảm tới 9%), đồng bảng Anh (GBP) đã mất giá chỉ còn 1,34 USD/GBP và sẽ còn yếu đi, nước Anh mất vị thế trung tâm tài chính của khu vực,… vì Anh đang là nền kinh tế cung cấp dịch vụ cho toàn cầu, khi tách khỏi EU, vai trò và khả năng của Anh sẽ giảm đi.

Sau hiện tượng Brexit cho thấy sự ảnh hưởng của tâm lý đám đông rất khủng khiếp. Thực tế đã cho thấy nước Anh với trình độ dân trí không phải thấp nhưng nhiều người dân Anh đã bỏ phiếu ủng hộ Brexit, khi kết quả là Anh rời khỏi EU thì họ lại sốc, họ cho rằng đó là điều không mong muốn?! Họ làm những việc phi lý trí, làm mà không nghĩ hết.

Trong một cộng đồng nếu tính đồng nhất ngày càng cao, giá trị chung cũng ngày càng lớn sẽ tạo ra sự tin tưởng lẫn nhau. Nhưng khi tính đa dạng của cộng đồng tăng lên thì mức độ tin tưởng, giá trị của cộng đồng khác đi rất nhiều, vốn xã hội sẽ giảm đi.

Nước Anh phải có trách nhiệm

Theo TS. Đỗ Sơn Hải, Trưởng khoa Chính trị Quốc tế, Học viện Ngoại giao, hậu quả khi nước Anh rời khỏi EU đã được cảnh báo rất nhiều, nên không có gì phải bàn cãi.

Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra, nguy cơ nhiều như vậy, tại sao người Anh vẫn lựa chọn thì điều đó chứng tỏ các nguy cơ rồi sẽ ra đi.

"Suốt hơn 40 năm qua, nước Anh gắn bó mô hình điều hành của mình trong khối chung. 44% xuất nhập khẩu của nước Anh là từ nội khối. Nước Anh đã có quyền lợi và cả trách nhiệm trong suốt thời gian họ ở trong EU. Họ tham gia đầy đủ về tiến trình định đoạt của EU, nói cách khác, mọi quyết định của EU đều có sự đóng góp của nước Anh. Không thể nói nước Anh bị EU tước đoạt đi quyền này hay quyền kia. Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của EU là có những quy chuẩn của nước Anh, nói cách khác, nước Anh có trách nhiệm trong việc quyết định rời khỏi EU.

Vấn đề ở đây, nước Anh đã quyết định rời bỏ EU trong khung cảnh quá ngán ngẩm. EU đang phải đối mặt với quá nhiều khó khăn để đứng vững được. Họ chỉ có thể vượt qua khi và chỉ khi các thành viên đều phải ý thức được cần có sự góp sức, trong khi đang khó khăn thì nước Anh lại quyết định ra đi, với lý do không đáp ứng được nhu cầu của họ nào là an ninh, nhập cư…

Đáng ra, tại thời điểm như hiện nay, nước Anh đáng ra phải có trách nhiệm cao hơn, nhiều hơn, trách nhiệm hơn và xứng đáng là một trong những nhân tố tốt nhất châu Âu thì giờ họ lại ra đi và họ đánh giá là, trách nhiệm đó không cần bàn nữa", ông Hải đánh giá.

Bảo Bình
Bình luận
vtcnews.vn