Chơi với con, có nghĩa là bạn đã trao con thông điệp: Cha mẹ yêu thương và quý trọng con thật nhiều. Nhờ đó, con sẽ hiểu được giá trị bản thân, giá trị gia đình...
Thu Trang, một bác sĩ về dinh dưỡng, lại tâm sự với đồng nghiệp rằng đứa con gái 14 tuổi của chị cứ đi học về lại bỏ vào phòng riêng đóng chặt cửa và chỉ xuất hiện khi có người đến gọi ăn cơm. Tương tự, Giang Anh, một nữ kiến trức sư khá nổi tiếng, khổ sở cho biết cô không sao trò chuyện được với đứa con gái mới 11 tuổi của mình, nó luôn làm ngược lại những gì cô yêu cầu. Nhiều bậc phụ huynh nhận xét “làm bạn với con khó quá. Càng lớn chúng càng như người lạ trong nhà”.
Việc cha mẹ làm bạn với con luôn là một quá trình dài lâu và liên tục, từ khi con còn ẵm ngửa cho tới khi con bước vào tuổi trưởng thành. Việc “làm bạn” ấy thông qua một hoạt động vô cùng đơn giản đó là: chơi với con.
Cha mẹ thường nhận biết được tính tình, nhân cách, trí thông minh của con mình qua ba hoạt động: chơi, làm và học. Nếu cha mẹ chỉ bắt buộc trẻ làm và học thật giỏi, trẻ sẽ không phát triển toàn diện, thiếu nhiều kỹ năng sống cần thiết. Thậm chí trẻ căng thẳng và bị sang chấn tâm lý, rối loạn nhân cách.
Ảnh: Inmagine |
Chơi có lợi gì cho trẻ?
Hầu hết các trò chơi đều giúp phát triển và rèn luyện nhân cách cho trẻ.
- Những trò chơi vận động (đá banh, nhảy dây, kéo co, banh đũa, đá cầu…) giúp trẻ phát triển thể chất, cơ thể khoẻ mạnh chân tay khéo léo…
- Những trò chơi trí tuệ (đánh cờ, lắp ráp…) giúp trẻ rèn trí nhớ, kích thích tư duy, có óc tìm tòi, có trí tưởng tượng phong phú,
- Trò chơi hỗ trợ học tập (nhanh tay lẹ mắt, đoán từ...) giúp trẻ thêm hứng thú trong việc học và học hiệu quả hơn.
- Khi trẻ chơi theo nhóm, trẻ sẽ học được cách san sẻ, quan tâm và hoà đồng. Nhờ đó, trẻ dần dần sẽ có kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng hợp tác và làm việc theo nhóm. Quan trọng hơn cả, trẻ sẽ phát triển những phẩm chất tốt đẹp như tinh thần đồng đội, tính kiên trì, trung thực, sự nhường nhịn cùng một bài học quy giá là “thắng không kiêu, bại không nản”.
- Khi chơi ngoài trời, ngoài việc phát triển thể chất, trí tuệ, trẻ còn có được sự phóng khoáng, cởi mở, lòng nhân ái, tình yêu thiên nhiên và ý thích tìm tòi, học hỏi. Theo một số nghiên cứu gần đây, trẻ không có điều kiện chơi ngoài trời, chỉ được chơi với máy tính, chơi game sẽ dần sống lạnh lùng, thờ ơ do cảm xúc bị bó chặt, chai sạn…
Ảnh: Inmagine |
Lợi ích của việc cha mẹ chơi với con:
- Trẻ luôn bộc lộ cá tính và khả năng tư duy qua trò chơi. Thông qua việc chơi với con, cha mẹ sẽ gần gũi con, hiểu con nhiều hơn.
- Nhờ chơi cùng con, cha mẹ và con cái sẽ gắn bó mật thiết. Cha mẹ sẽ được con xem như người bạn lớn, hiểu con theo từng độ tuổi, nâng đỡ con khi cần thiết. Thậm chí, thông qua các trò chơi, cha mẹ ngầm đưa ra những tình huống, những nhiệm vụ, những thông điệp và định hướng con một cách khéo léo.
- Thông qua việc cha mẹ chơi cùng con, bầu không khí gia đình sẽ cởi mở, ấm cúng, hạnh phúc… Đó là điều không dễ có được trong tất cả các gia đình hiện nay.
Chơi với con không khó
Sau khi đi làm và đón con về, người mẹ còn có rất nhiều việc phải giải quyết như nấu bữa cơm gia đình, giặt giũ và dọn dẹp. Vì thế mẹ không nhất thiết bỏ hết công việc để ngồi xuống chơi cùng con. Vừa làm việc nội trợ, bạn cũng có thể để mắt tới con, quan sát con chơi, cổ vũ, động viên con trong các trò chơi. Đó là mức độ đơn giản và dễ thực hiện nhất.
Ảnh: Inmagine |
Mức độ cao hơn là cha mẹ hưởng ứng, hỗ trợ con trong những trò chơi, chứng tỏ sự quan tâm sâu sắc đối với con. Khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ có thể cùng con đến công viên, nhà thiếu nhi ngồi xem con chơi đu quay, cầu trượt, thú nhún. Cũng có khi cha mẹ cùng ngồi làm cho con vài món đồ chơi đơn giản như dán cái lồng đèn, xếp chiếc tàu bay giấy… Trẻ lớn hơn, cha mẹ cũng nên hỗ trợ tài chính và khuyến khích con đi dã ngoại cùng trường lớp, bạn bè. Sau đó cha mẹ hỏi han và lắng nghe con kể về chuyến đi, chia sẻ cùng con những cảm xúc, những trải nghiệm mới mẻ….
Mức độ thứ ba trong việc chơi với con là tổ chức và bày trò cho con chơi với nhau. Nhân dịp lễ hoặc sinh nhật con, cha mẹ có thể bày con chơi diễn kịch, chơi các trò chơi dân gian, các trò chơi yêu cầu có tính tổ chức cao. Cha mẹ chỉ đóng vai trò rất gián tiếp như người quản trò hoặc trọng tài. Trẻ sẽ rất vui và tự hào về cha mẹ mình trước bạn bè. Cũng qua việc này, cha mẹ có thể hiểu được cá tính con, gần gũi với bạn bè con để có những điều chỉnh và dạy bảo con một cách phù hợp.
Ở cấp độ cao nhất trong “sự nghiệp” chơi với con là cha mẹ trực tiếp tham gia vào trò chơi. Ở cấp độ này, cha mẹ đã trở thành người bạn của con, cùng tuân theo những luật chung, nguyên tắc chung của trò chơi, cùng bình đẳng và cùng chia sẻ. Từ sự bình đẳng này, cha mẹ cũng hiểu được cái nhìn, cách suy nghĩ và cảm xúc của con. Từ cha mẹ, trẻ thu được nhiều kinh nghiệm quý giá về ứng xử, về kiến thức, về thế giới xung quanh. Đây cũng là những kỷ niệm sâu sắc của trẻ để khi trẻ lớn lên có sức đề kháng mạnh mẽ với cái xấu, hồi phục nhanh chóng khi vấp ngã.
Khi dành thời gian để chơi với con chính cha mẹ cũng được giảm tress, học được cách yêu thương, cách cho và nhận vô điều kiện từ con. Chơi với con, có nghĩa là bạn đã trao con thông điệp: Cha mẹ yêu thương và quý trọng con thật nhiều. Con của bạn chắc chắn sẽ hiểu được giá trị bản thân, giá trị gia đình. Khi lớn lên, con bạn sẽ trở thành một người hết sức cởi mở, tự tin và mạnh mẽ.
Theo GĐT
Bình luận