Chuyện khán giả đập tan sân khấu, đánh ông bầu hay đuổi cả đoàn chạy tán loạn là "chuyện thường ngày ở huyện", nơi có những sân khấu "chuồng gà" đến dị hợm.
Cách trung tâm Hà Nội gần 30km, các sân khấu chuồng gà vẫn hoạt động rầm rộ với những tấm băng rôn to. Nếu những địa điểm nổi tiếng có Mr Đàm by night thì ở những vùng đất trống cách thành phố không xa có Khánh Phương by night hoặc của một ngôi sao ca nhạc nào đó được ông bầu tuyển chọn, căn cứ vào sở thích của người dân tại chính địa phương.
Thông thường một đêm nhạc như thế chỉ quy tụ khoảng hai ca sĩ có tiếng, còn lại đều là những gương mặt hát lót quen thuộc ở các sân khấu tỉnh. Tất nhiên, những "cây đinh" của cuộc vui bao giờ cũng được để dành đến phút chót. Thế mới có tình trạng, ca sĩ hát lót đang hào hứng trên sân khấu thì ở dưới, khán giả bực bội hò hét vì mãi vẫn chưa thấy thần tượng xuất hiện.
Sân khấu tạm bợ, chỉ để tạo khoảng cách với bên dưới
Nói về cơ sở vật chất, sân khấu chuồng gà có "cho tiền" cũng không dám "đọ" với những đêm nhạc được tổ chức quy mô. Cái được gọi là sân khấu thật ra cũng chỉ được lắp ghép tạm bợ bằng nhiều mảnh ván gỗ, với mục đích tạo được khoảng cách với khán giả bên dưới.
Vì lẽ này, ca sĩ tham gia đừng bao giờ lên tiếng đòi hỏi việc trang trí sân khấu, đừng nói tạo sự khác biệt trên sàn diễn cho từng tiết mục. Gặp hôm thời tiết tốt, mọi thứ diễn ra còn tương đối suôn sẻ, còn hôm gió to, phông màn đằng sau cứ được thể vui đùa trong gió, bay phần phật như muốn trêu ngươi ông bầu.
Dàn âm thanh và đèn sân khấu cũng vô cùng đơn giản, phù hợp với tiêu chí càng to càng tốt, càng sáng càng oách. Để được "thưởng thức" một đêm nhạc như thế này, những người dân địa phương phải bỏ ra 30.000 đồng/vé cho trẻ em và 60.000 đồng/vé cho người lớn, giá không rẻ với những người dân cả năm chỉ biết đến đồng áng. Vì tiếc tiền, nhiều người chọn cách ngồi ngoài nghe trộm, trèo lên những căn nhà cao tầng nhìn vào, hoặc rạch hàng rào bằng bạt để được chen vào "sống với âm nhạc".
Có lẽ vì thế mà người trong nghề thường đùa nhau, tổ chức ca nhạc ở tỉnh chẳng khác gì chơi trò xóc đĩa. Nếu may mắn, ông bầu có thể kiếm được một khoản kha khá, nhưng nếu xui xẻo, các ông phải chịu lỗ đến... sặc tiết.
Bộ phận âm thanh cũng vô cùng đơn giản. Chiếc võng dưới sân khấu là nơi nghỉ chân của ca sĩ. Dàn loa "càng to càng tốt"
"Đau" nhất là khi bầu show bị ca sĩ trễ giờ hoặc "bỏ bom". Trễ giờ còn dễ xử lý, cứ cho khoảng 2,3 ca sĩ hát lót cầm chân là có thể vượt qua đêm dài. Nhưng nếu bị "bỏ bom", câu chuyện sẽ chuyển biến theo một tình huống khác.
Các ca sĩ hát lót chắc chắn không đủ sức níu chân khán giả và họ cũng không có đủ khả năng để hát một đêm khoảng vài chục bài. Những lúc đó, người chữa cháy chính là bầu show kiêm ca sĩ, bán vé, sửa điện, kiêm đủ thứ phải nhảy lên sân khấu hát hò, làm trò để xoa dịu đám đông ồn ào phía dưới.
Sau đó, cũng chính ông bầu phải kiếm cách thương thuyết, nhỏ nhẹ với khán giả về lý do khiến ngôi sao của đêm diễn không thể đến. Từ đây, mọi chuyện cũng chuyển biến theo những hướng khác nhau. Nếu khán giả lành tính, họ chỉ ôm cục tức về nhà vì bị lừa đảo. Nhưng nếu ở những nơi "không thể đùa được", ông bầu chính là người gánh trọn đau thương.
Toàn cảnh sân khấu |
Khán giả sẵn sàng phá sân khấu, ra tay với bầu show và đòi lại tiền vé. Bị rơi vào những tình huống khóc dở mếu dở, những ông bầu chỉ mong được về nhà với tấm thân nguyên vẹn.
Người ngoài nghe chuyện sẽ giật mình thon thót, nhưng đối với những người trong cuộc, đó chỉ là "chuyện thường ngày ở huyện". Vậy mới có tình trạng, bầu show "treo đầu dê, bán thịt chó", những cái tên hot như: Thanh Thảo, Cẩm Ly... cứ xuất hiện to oành trên băng rôn, nhưng khi vào đêm diễn, khán giả lại được nghe một giọng ca lạ hoắc.
Tuy nhiên, đó là cách ứng biến của bầu show khi có ít ngôi sao tham gia đêm nhạc, nhưng chiêu này không phải chỗ nào họ cũng xài được, nhất là ở những vùng quy tụ nhiều anti-fan, bởi sự mất uy tín này của ông bầu có thể phải trả giá bằng nước mắt và máu.
Khán giả trèo rào vào xem miễn phí |
Không chỉ phải trả giá bởi những trò tàn bạo của anti-fan, cách quảng cáo "treo đầu dê, bán thịt chó" của ông bầu cũng khiến một số ngôi sao "chết tên" ở sân khấu tỉnh. Gọi là chết nhưng nôm na có thể hiểu, dù họ có xuất hiện thật sự trong chương trình cũng rất khó để bán được vé, bởi bị lừa lần thứ nhất, khán giả có thể trở lại lần thứ hai. Và khi bị lừa quá nhiều lần, họ sẽ trở nên thờ ơ. Nếu tiếp tục có ca sĩ đó xuất hiện trên băng-rôn, người dân ở đó sẽ quay đi vờ như không biết, thậm chí còn nặng lời chửi rủa.
Tất nhiên bầu show không phải là người lúc nào cũng là người cầm trịch. Nếu dựng sân khấu ở những vùng đất "dữ", người làm chương trình phải đối phó với không ít những chiêu trò của đám trai làng và đầu gấu. Chỉ cần giả vờ đụng độ trước nơi bán vé, họ sẽ làm cho cả đoàn ca nhạc được một phen nhộn nhạo. Nhân cơ hội đó, một người trong số đó sẽ nhanh tay cướp lấy chồng vé trên tay người bán và cao chạy xa bay, để lại nỗi xót xa đến ngơ ngẩn cho cả đoàn. Nếu không may gặp phải sự cố đau thương này, bầu sô sẽ khóc không thành tiếng vì coi như anh ta mất cả chì lẫn chài.
Bình luận