Mới đây, một số tài xế lên mạng xã hội phản ánh tình trạng các bệnh viện tại Hà Nội thu phí gửi xe hàng trăm nghìn đồng trong thời gian gửi khoảng nửa ngày.
Hơn 300.000 cho nửa ngày gửi xe
Theo phản ánh của tài xế đăng tải thông tin trên, họ phải thanh toán 325.000 đồng cho 13 tiếng đỗ xe (từ 6h10 đến 19h16) tại bệnh viện Nhi Trung ương. Đơn vị trông giữ xe cho biết cách tính phí được dựa theo Quy định 44 năm 2017 của Hà Nội về ban hành giá dịch vụ trông giữ xe.
Quy định này nêu rõ, mức giá trông giữ ôtô từ 9 chỗ trở xuống tại các quận nằm trong đường vành đai 1 là 25.000 đồng mỗi giờ. Trường hợp xe gửi qua đêm từ sau 18h đến trước 6h sáng hôm sau tính bằng 6 lượt (tương đương 150.000 đồng).
Không chỉ ở bệnh viện Nhi Trung ương, một số bệnh viện tuyến trung ương khác như bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng áp dụng cách tính phí gửi xe "giá vé nhân với số giờ".
Đặc thù của các bệnh viện này là thường xuyên đón lượng lớn người bệnh từ nhiều tỉnh thành đổ về. Cách tính phí gửi xe theo kiểu "thủ đô" khiến nhiều người ở tỉnh xa bất ngờ vì không nghĩ tiền gửi lại gấp nhiều lần so với ở quê.
Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Mạnh Thắng, quản trị viên diễn đàn Oto+ cho biết rất nhiều tài xế đã lên diễn đàn bày tỏ bức xúc vì giá vé gửi xe quá đắt tại bệnh viện.
Ông Thắng cho rằng người dân ốm đau, đến bệnh viện đã đủ khổ rồi, cách tính phí 25.000 đồng/giờ khiến cho họ mất thêm cả trăm nghìn tiền gửi xe. "Bệnh viện đông, chờ mãi mới đến lượt chứ không thể trong một giờ mà xong được", quản trị viên Oto+ góp ý.
Nhiều tài xế cũng băn khoăn về việc đỗ xe tại bệnh viện. "Tại sao lại tính tiền đỗ xe cho dân như vậy với lý do là không đủ chỗ đỗ, trong khi vẫn bán quyền khai thác cho taxi, nhiều lúc cả chục chiếc taxi đỗ dọc bệnh viện", anh Phạm Dương, người nhà đến thăm bệnh nhân tại bệnh viện Nhi Trung ương thắc mắc.
Bệnh viện thu phí minh bạch
Ông Trịnh Ngọc Hải, Phó giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương, xác nhận nội dung bảng giá gửi xe như một số tài xế phản ánh.
Ông cho biết bệnh viện không có nhiều diện tích và phải ưu tiên cho những trường hợp bệnh nhân cấp cứu, ngoài ra cũng đã miễn phí cho ôtô ra vào trong vòng 10 phút.
Theo văn bản ngày 12/2/2018 gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội, Cục thuế TP Hà Nội yêu cầu các bệnh viện rà soát hoạt động trông giữ xe, thực hiện đúng quy định mức giá dịch vụ trông giữ xe được nêu tại Quy định 44 năm 2017 của UBND TP.Hà Nội.
Văn bản này chính là căn cứ để Bệnh viện Nhi Trung ương áp dụng khung giá gửi ôtô tại viện là 25.000 đồng/60 phút.
Ngoài thẻ gửi xe, mỗi tài xế ôtô được phát thêm một tờ giấy A5 với nội dung khuyến cáo không gửi xe quá 60 phút để tránh phát sinh nhiều chi phí.
Về nguồn thu từ việc trông giữ xe, đại diện bệnh viện cho biết giao cho công đoàn bệnh viện quản lý, trong đó có trích một khoản để chăm lo đời sống cho cán bộ công nhân viên của bệnh viện.
Liên quan đến hiện tượng xe taxi ABC được dừng đỗ thành hàng dài trong bệnh viện để đón khách, đại diện bệnh viện cho biết việc này để đáp ứng nhu cầu sử dụng phương tiện của người bệnh, đồng thời tránh tình trạng "loạn" taxi dù.
"Nên đến bệnh viện bằng phương tiện công cộng"
Theo Thạc sĩ Nguyễn Anh Tuấn, chuyên gia quy hoạch giao thông (Đại học GTVT), câu chuyện phí gửi xe ở bệnh viện nhìn rộng ra chính là những bất cập về giao thông tĩnh của đô thị Hà Nội.
Nêu thực tế rất nhiều cơ quan công sở trong nội thành có chức năng đón tiếp người dân nhưng không có bãi đỗ xe, ông Tuấn cho rằng nhiều người chấp nhận chi hàng trăm nghìn để gửi xe với tâm lý "tìm được chỗ gửi là tốt rồi".
Theo ông Tuấn, mọi cơ quan, trụ sở ngay từ khâu duyệt quy hoạch xây dựng đã phải đảm bảo diện tích đỗ xe đủ cho nhu cầu nội bộ. Ví dụ, trường học phải có đủ chỗ để xe cho học sinh và giáo viên, bệnh viện phải đủ chỗ để xe cho người dân đến khám bệnh.
Nhưng thực tế, nhiều bệnh viện trong nội thành Hà Nội không đáp ứng được yêu cầu này, hoặc diện tích dành cho để xe theo tính toán ban đầu không còn đáp ứng được nhu cầu hiện tại.
Một số bệnh viện thậm chí còn đóng cửa bãi gửi xe để xây công trình khác (Bệnh viện Bạch Mai), hoặc phải tận dụng vỉa hè xung quanh làm bãi đỗ xe (Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Việt Đức...).
Ở góc độ quản lý giao thông, ông Tuấn cho rằng việc đi ôtô cá nhân đến bệnh viện không được khuyến khích vì sẽ gia tăng tình trạng tắc đường và tăng áp lực cho các bãi đỗ xe của bệnh viện. Song vì chất lượng giao thông công cộng ở Hà Nội chưa đủ đáp ứng nên người dân vẫn ưa chuộng phương tiện cá nhân.
"Việc tìm được một ô đỗ xe trong bệnh viện cũng cực kỳ khó khăn và mất thời gian, chưa kể chi phí gửi xe đắt đỏ. Cá nhân tôi dù có ôtô cá nhân nhưng mỗi khi đưa con đi viện đều sử dụng taxi", ông Tuấn chia sẻ.
Bình luận