Ngày 15/3, một đoạn phim xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy những hình ảnh về phiên bản xe tăng M60 được nâng cấp, được cho là sản phẩm của ngành công nghiệp quốc phòng Iran. Cộng hòa Hồi giáo Iran hiện có khoảng 150 xe tăng M60 do Mỹ sản xuất. Lô xe tăng này, ban đầu có tổng cộng 460 chiếc, là di sản được Lực lượng Vũ trang Cộng hòa Hồi giáo Iran (IRIAF) kế thừa kể từ sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979.
Những sửa đổi của Iran được tiết lộ trong video cho thấy sự khác biệt rõ rệt, khác hoàn toàn những chiếc M60 ban đầu do Mỹ sản xuất từ thời Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, do thời lượng video khá ngắn, ban đầu đoạn video được các nguồn tin của Iran tiết lộ nên cũng phần nào hạn chế mọi phân tích toàn diện về các nâng cấp trên phiên bản M60 này. Ngoài ra, có vẻ như các kỹ sư Iran đã lấy cảm hứng từ những khái niệm chiến tranh tương lai để thiết kế lại chiếc xe tăng này.
Những nâng cấp có thể nhận thấy
Tháp pháo trên xe tăng M60 của Iran ngay lập tức thu hút sự chú ý của giới phân tích. Tháp pháo trên chiếc xe tăng này đã trải qua những sửa đổi đáng kể hoặc có thể được thay thế hoàn toàn. Mặc dù rất khó để xác định chính xác những thay đổi đã được thực hiện, nhưng khi so sánh với tháp pháo xe tăng M60 nguyên bản, thì phiên bản của Iran có sự khác biệt rõ rệt.
Một ấn tượng khác nữa là các tấm chắn mô-đun được gắn hai bên thân xe. Tháp pháo cũng được trang bị mô-đun chiến đấu hiện đại và được gắn súng máy tương tự như trên các loại xe tăng hiện đại. Ngoài ra, còn có những sửa đổi bổ sung như vỏ và giáp nghiêng ở hai bên thân xe.
Các chuyên gia cũng đã đưa ra nhiều suy đoán về pháo chính trên xe tăng. Trên các phiên bản M60/M60A1 và M60A3 của Mỹ chỉ sử dụng pháo chính có cỡ nòng 105 mm. Chỉ có phiên bản M60A2 được trang bị pháo 152 mm, nhưng mẫu này chưa bao giờ được xuất khẩu cho Iran.
Do đó, rất có thể Iran đã thay thế pháo 105 mm trên phiên bản cũ sang pháo 120 mm cỡ lớn hơn hoặc thậm chí là 125 mm, điều mà Iran cũng đã từng làm trên xe tăng Zulfiqar. Suy đoán này càng được củng cố rõ ràng hơn bởi mối quan hệ chặt chẽ giữa Nga và Iran, cũng như sự phổ biến của pháo 125 mm trên các loại xe tăng chiến đấu chủ lực mà Iran đang biên chế.
“Bản sao” của M60T Sabra
Điều thú vị là các chuyên gia đã nhận thấy sự giống nhau đáng kinh ngạc giữa M60 hiện đại hóa của Iran, với phiên bản M60T Sabra được hiện đại hóa từ nhiều năm trước và đang phục vụ trong lực lượng vũ trang Israel. Ngay cả những sửa đổi trên pháo chính của Iran dường như cũng bị ảnh hưởng bởi việc nâng cấp trên M60T của Israel.
Khi xem xét việc nâng cấp các phương tiện bọc thép như M60T Sabra, các chuyên gia chỉ ra ba lĩnh vực quan trọng gồm khả năng hỏa lực, khả năng phục hồi của lớp giáp bảo vệ và hiệu quả di chuyển. Sức mạnh hỏa lực được tối đa hóa thông qua việc tích hợp các hệ thống dẫn đường tiên tiến, mở rộng đường kính của pháo chính và cho phép áp dụng các hệ thống vũ khí mới.
Về mặt bảo vệ, sự tiến hóa thể hiện ở dạng áo giáp phản ứng và tổng hợp, do đó mang lại khả năng phòng thủ vượt trội trước vũ khí chống tăng. Những cải tiến về khả năng di chuyển đã đạt được nhờ động cơ mạnh mẽ và hệ thống treo tiên tiến, nâng cao khả năng cơ động trên nhiều địa hình khác nhau.
Tóm lại, những cải tiến được thực hiện đối với M60T Sabra đã đảm bảo tính phù hợp lâu dài của nó trong chiến tranh hiện đại, đảm bảo khả năng đối phó với những thách thức ngày càng gia tăng trên chiến trường. Tuy nhiên, sự phát triển và ra đời của xe tăng Merkava đã khiến M60T mất dần vai trò. Mặc dù xe tăng M60T đã được thay thế bởi Merkava tiên tiến hơn, nhưng M60T vẫn đại diện cho một cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển xe tăng của Israel, là sơ sở cho sự ra đời của thế hệ xe tăng tiếp theo.
Iran là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ vũ khí quân sự của Mỹ và Anh trong những năm 1970. Trong thời kỳ trị vì của mình, Shah (vua) cuối cùng của Iran, Mohammad Reza Pahlavi, có nguồn tài chính dồi dào nhờ giá dầu tăng vọt sau cuộc xung đột Ả Rập - Israel năm 1973. Với sự giàu có này, ông đã mua được một số vũ khí tối tân cho quân đội Iran khi đó.
Xe tăng M60 của Iran
Có một số điểm khác biệt chính khi so sánh M60 của Iran với phiên bản gốc của Mỹ. Nổi bật nhất là lớp giáp và hỏa lực được nâng cấp. Cụ thể là việc trang bị lớp giáp phản ứng nổ trên toàn thân và tháp pháo của xe tăng. Hơn nữa, xe còn được trang bị máy đo khoảng cách laser và hệ thống chụp ảnh nhiệt giúp nâng cao độ chính xác khi tiêu diệt mục tiêu.
Các chi tiết cụ thể về mặt kỹ thuật cũng gây được nhiều sự chú ý. M60 của Iran sử dụng động cơ diesel tăng áp kép Continental AVDS-1790-2 V12 làm mát bằng không khí, với công suất lên tới 750 mã lực. Trên đường phẳng, chiếc xe tăng này đạt tốc độ tối đa 48 km/h và phạm vi hoạt động khoảng 500 km. Về trọng lượng, xe tăng nặng khoảng 52,6 tấn, dài khoảng 9,3 mét, rộng 3,63 mét và cao 3,27 mét.
Xe tăng M60 của Iran còn được trang bị một số hệ thống được thiết kế đặc biệt để nâng cao hiệu quả chiến đấu. Bao gồm máy tính đạn đạo giúp tăng khả năng bắn chính xác, hệ thống tìm kiếm mục tiêu bằng laser để ước tính khoảng cách cụ thể và hệ thống chụp ảnh nhiệt cải thiện khả năng hiển thị mục tiêu trong các điều kiện khắc nghiệt. Về tính năng bảo vệ, xe tăng được trang bị hệ thống phòng thủ hạt nhân, sinh học và hóa học (NBC) và máy tạo khói ngụy trang.
Xe được trang bị pháo M68 105 mm có thể phóng nhiều loại đạn khác nhau, bao gồm cả đạn chống tăng nổ mạnh (HEAT) và đạn xuyên giáp ổn định vây (APFSDS). Ngoài ra, M60 còn mang theo súng máy M240 7,62 mm và súng máy M2 Browning cỡ nòng 0.50, cả hai đều được thiết kế để có khả năng phòng không và chống bộ binh.
Video về xe tăng M60 được nâng cấp của Iran
Bình luận