Với mong muốn tôn vinh và gìn giữ những giá trị văn hoá cổ truyền của cha ông, trải qua nhiều năm dày công nghiên cứu, nghệ nhân Phạm Đạt - người con của làng gốm truyền thống Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) đã chủ trì chế tác thành công 3 bộ gốm "Phúc Lộc, Bảo An và Hưng Thịnh" mang đậm giá trị văn hoá truyền thống.
Chia sẻ với PV VTC News, nghệ nhân Phạm Đạt cho biết, những tác phẩm này được ông sáng tạo dựa trên cảm hứng từ truyền thống của dòng họ, gia tộc có lịch sử hàng nghìn năm tại làng gốm Bát Tràng và làng dát vàng Kiêu Kị (Gia Lâm, Hà Nội).
"Gia đình tôi đã có 3 đời làm nghề gốm. Tôi chính là cháu trai của nghệ nhân Cửu Huỳnh, người đầu tiên được phong danh hiệu nghệ nhân gốm thời kỳ Đông Dương. Dòng men rạn ở Bát Tràng có nhiều gia đình đã phục chế thành công. Tuy nhiên, để phục chế dòng men rạn có tỷ lệ rạn đều như gia đình tôi thì chưa ai có", nghệ nhân Phạm Đạt chia sẻ.
Nói về điều đặc biệt trong bộ sưu tập gốm tâm linh lần này, ông Đạt phân tích, tác phẩm gốm dát vàng là sự kết hợp tinh tế giữa dòng men lam cổ với vàng ròng, biểu tượng của sự phú quý, mang lại giá trị văn hóa độc đáo và ý nghĩa trường tồn. Dòng men rạn cổ được ông phục chế theo bí kíp gia truyền từ thế kỷ 16.
Và đặc biệt, cặp lộc bình được dát vàng ròng trong bộ sưu tập này được xác lập kỷ lục cao nhất Việt Nam. Ngoài ra, bộ sưu tập gốm dát vàng này cũng được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (đơn vị thuộc Trung ương Hội Kỷ Lục Gia Việt Nam) cấp Bằng xác lập kỷ lục “Tác phẩm gốm men lam chàm cổ dát vàng độc đáo nhất Việt Nam”.
"Mỗi bộ sưu tập gồm 42 tác phẩm được chế tác tuân thủ nghiêm ngặt thuận theo yếu tố ngũ hành, chuẩn kích thước lỗ ban thuộc các cung tốt.
Nguyên liệu đất sét được chính tay tôi tuyển chọn kỹ lưỡng từ vùng đất linh thiêng như đất Tổ Hùng Vương, đất sét trắng lấy ở Đông Triều - nơi có núi thiêng Yên Tử thờ Đức Thánh Trần.
Đất quý hoà quyện với nước phù sa sông Hồng nên khi nung lửa như được phủ lên mình lớp men bí quyết gia truyền của ông cha từ ngàn năm truyền lại", nghệ nhân Phạm Đạt cho biết thêm.
Với bàn tay tài hoa của người nghệ nhân, tác phẩm gốm dát vàng không chỉ đem lại sự xa hoa, uy quyền, tạo cảm giác linh thiêng mà còn chứa đựng bên trong những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Ba bộ sưu tập này phù hợp trưng bày với các không gian tâm linh như nhà biệt thự, nhà phố, nhà cổ, nhà thờ gia tộc… hoặc đặt ở những địa danh linh thiêng như đình, đền, chùa, phủ.
Theo nghệ nhân Phạm Đạt, để làm ra được một bộ sưu tập như thế này ông mất rất nhiều công sức và thời gian. Chi phí cho mỗi tác phẩm lên tới hàng tỉ đồng. Bởi sản phẩm là hàng thủ công, mỹ nghệ nên cần thời gian và sự tỉ mỉ mới tạo ra giá trị và sự độc đáo.
Xem thêm một số hình ảnh bộ gốm Bát Tràng dát vàng ròng độc đáo của nghệ nhân Phạm Đạt:
Video: Bộ sưu tập gốm dát vàng ở Bát Tràng
Bình luận