• Zalo

Cho vay tiêu dùng có 'lừa đảo' như bạn nghĩ?

Kinh tếThứ Ba, 26/07/2016 10:43:00 +07:00Google News

Nhiều người có suy nghĩ rằng bị lừa vay với lãi suất cắt cổ, nhưng thực tế vấn đề này lại không phải như vậy.

Nhu cầu tài chính tiêu dùng của người dân gia tăng, nhưng khi thị trường tài chính Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển, vẫn còn một bộ phận người dân chưa hoặc ít có trải nghiệm về dịch vụ tài chính, nên chưa thật sự nắm rõ quyền và nghĩa vụ. Vì thế, nhiều người có suy nghĩ rằng bị lừa vay với lãi suất cắt cổ, nhưng thực tế vấn đề này lại không phải như vậy.

cho-vay-tieu-dung-ca-nhan-lai-thap

 

Lãi suất cao để bù đắp rủi ro

Nhiều người cho rằng, lãi suất cho vay tiêu dùng của công ty tài chính không khác gì tín dụng đen, vì lãi suất quá cao. Một số người thậm chí còn thắc mắc tính pháp lý về sự tồn tại của công ty tài chính khi cho vay với lãi suất như vậy.

Nhưng cần hiểu rõ rằng, khách hàng của các công ty này là những người không đáp ứng được điều kiện tín dụng của ngân hàng. Trong khi đó, các công ty tài chính không những rộng cửa cho vay, mà còn giải quyết hồ sơ chỉ trong 15 phút, nên để bù đắp rủi ro này, lãi suất ắt hẳn sẽ cao.

Có nhiều yếu tố đóng góp vào giá của khoản vay tín dụng tiêu dùng tại các công ty tài chính khiến sản phẩm cho vay này cao hơn tại các ngân hàng.

Đó là chi phí vốn của công ty tài chính cao do không có chức năng huy động vốn; giá trị của khoản vay thấp, kỳ hạn ngắn (khoảng 6 - 18 tháng) dẫn đến các chi phí thu hồi nợ, quản lý khoản vay, chi phí phục vụ cao hơn bình thường; ngành tài chính tiêu dùng có rủi ro cao, mặt bằng lãi suất sẽ cao hơn so với ngân hàng bán lẻ hay ngân hàng thương mại.

Hơn nữa, mức lãi suất cho vay của các công ty tài chính được điều chỉnh cho nhiều đối tượng khác nhau, tùy vào chất lượng hồ sơ từng khách hàng và mức rủi ro của khoản vay tín chấp.

Theo đó, mức độ rủi ro được xác định theo các tiêu chí: mức thu nhập, lịch sử tín dụng và đối tượng khách hàng… Vì thế, khoản vay rủi ro cao thì lãi suất cho vay cũng sẽ được áp mức cao hơn. Nhưng đây không phải là mức lãi suất cố định, mà sẽ dao động tùy vào đối tượng khách hàng, sản phẩm vay. 

Một ví dụ nhỏ là khoản vay của CTTC là 5 triệu đồng với mức phí cần thiết để hoàn thiện là 50 ngàn đồng thì tính cộng vào lãi suất cho vay đã là 1%, nhưng khoản vay của NHTM lớn 50 triệu thì mức phí tính vào lãi suất cho vay chỉ là 0,1% đã có sự chênh lệch tới 10 lần khi tính trên đầu khoản vay.  

Các chuyên gia kinh tế nhận định, một số khách hàng thường kêu ca họ phải vay với mức lãi suất “cắt cổ”, lên tới 70% nhưng họ không hiểu rằng hồ sơ vay của mình quá yếu, bị xếp cuối bảng. Chính các công tài chính cũng rất “run” khi duyệt vay cho các đối tượng này vì chẳng khác nào họ phải “cầm dao đằng lưỡi”.

 Theo khảo sát  thực tế, con số khách hàng vay với lãi suất 70%/năm là rất ít còn phần lớn khách hàng đang vay ở mức lãi suất trên 30%/năm. So với lãi suất cho vay qua thẻ (với điều kiện rất khó đáp ứng…) của một số ngân hàng hiện dao động từ 25 - 35%, chưa kể vô số các loại phí khác;

“Không đọc kỹ điều khoản vay rồi nghĩ mình bị lừa”

Trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, ông cho rằng phải ghi nhận lãi suất vay tín dụng tiêu dùng bao giờ cũng cao hơn tín dụng sản xuất. Việc áp dụng mức lãi suất như thế nào là phụ thuộc vào 2 điều kiện khi vay đó là thế chấp và tín chấp. Thông thường, khách hàng tìm đến công ty tài chính để vay tín chấp thì lãi suất cao là điều đương nhiên.

Với những người nào đã quyết định đi vay thì phải xem xét, cân nhắc khả năng lựa chọn gói vay phù hợp với điều kiện chi trả lãi hàng tháng. Một khi đã đồng ý ký vào hợp đồng vay thì phải chấp nhận và hài lòng với dịch vụ này.

Trước ý kiến phản ánh của khách hàng so sánh mức lãi suất công ty tài chính và ngân hàng. Ông Phong cho hay, dường như một bộ phận khách hàng còn nhầm lẫn giữa các khoản vay cá nhân và vay kinh doanh. Cả ngân hàng và công ty tài chính đều có các khoản vay cá nhân và lãi suất đều cao như nhau là điều chắc chắn. Những người đi vay cần tỉnh táo để có được nhận định đúng đắn. 

Cũng có nhiều người khi đã ký vào hợp vay đồng vay, đến thời hạn trả lãi đã nghĩ mình bị lừa vì số tiền lãi quá cao. Tiến sĩ Nguyễn Như Phong phân tích: “Khách hàng đọc không hết quy định về các điều khoản vay. Ví dụ như bên công ty tài chính chỉ cho vay lãi suất thấp trong 3 tháng đầu thôi, các tháng sau sẽ tính mức khác. Mọi người không biết hoặc không để ý, đến lúc kì hạn lãi mới vỡ lẽ ra và đổ ngay cho mình bị lừa. Đây là điều đã xảy ra rất nhiều. Bởi vậy, khi đã đi vay thì cần đọc thật kỹ và hiểu thật nhiều, nếu khúc mắc là phải hỏi ngay để tránh sự việc không đáng có sau này”.

Thùy Linh
Bình luận
vtcnews.vn