Theo các chuyên gia, để đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ, các bà mẹ không nên cho bé dưới 6 tháng tuổi uống nước. Bởi thực tế, sữa mẹ và sữa công thức có thể đảm bảo đầy đủ lượng nước mà các bé cần mỗi ngày.
Trong sữa mẹ có chứa rất nhiều các chất dinh dưỡng, chất béo, protein... và lượng nước đủ cho nhu cầu cơ thể của trẻ, nên trẻ không cần thêm bất kỳ lượng nước nào khác ở giai đoạn này. Thậm chí, nếu cho trẻ uống nước sẽ gây hại cho sức khỏe.
Nếu bé uống nước thường xuyên, nước sẽ được sử dụng như một thức uống không calo làm cản trở khả năng bú nhiều sữa mẹ của các bé. Trong khi đó, sữa mẹ và sữa công thức lại chứa nhiều calo cần thiết cho trẻ.
Việc uống nước cũng làm ảnh hướng tới việc hấp thụ các chất dinh dưỡng có trong sữa mẹ, bởi khi uống nước trẻ sẽ cảm thấy nhanh no hơn và từ chối bú sữa mẹ.
Nguy hiểm hơn, một số trường hợp, trẻ uống quá nhiều nước sẽ bị pha loãng các chất điện giải và chất lỏng, dẫn đến nhiễm độc nước, cực kỳ nguy hiểm.
Vì vậy, theo các chuyên gia dinh dưỡng, các mẹ nên cho bé bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời. Ngoài ra, cần đặc biệt chú ý cho trẻ bú sữa non (sữa vàng) trong vòng 1 giờ sau khi sinh vì đặc trưng của sữa thời điểm này có đặc tính miễn dịch, rất tốt cho sức khỏe của trẻ.
Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ chỉ nên cho trẻ uống nước khi bé bắt đầu bước vào giai đoạn ăn dặm, thời điểm lý tưởng nhất là 6 tháng sau khi trẻ ra đời.
Bình luận