Theo nghiên cứu được công bố hôm 29/4, một sinh vật giống mực đang nuốt chửng một loài giáp xác thì bị một con vật, có thể là cá mập lao tới làm thịt.
Con cá mập bơi đi, nhưng sinh vật 10 tay, 2 vây, được gọi là belemnite đã chìm xuống đáy biển. Hóa thạch chứa xác của nó và con mồi tồn tại trong 180 triệu năm trước khi được tìm thấy trong ngôi làng nhỏ gần Stuttgart ở Tây Nam nước Đức năm 1970.
Phiến đá lưu giữ hóa thạch của bộ đôi này vẫn còn nguyên dấu vết về mô mềm của chúng.
"Hóa thạch này là một trong khoảng 10 mẫu vật có mô mềm được bảo quản tốt trên thế giới. Bản thân hóa thạch này rất tuyệt vì tình trạng bảo quản của nó. Nhưng những gì còn lại giúp làm sáng tỏ ai là kẻ ăn thịt hàng triệu năm trước", trưởng nhóm nghiên cứu Christian Klug - Giáo sư Đại học Zurich cho hay.
Theo nhóm nghiên cứu, mẫu vật cho thấy những kẻ săn mồi đôi khi trở thành con mồi thế nào.
“Những kẻ săn mồi có xu hướng vui vẻ khi chúng ăn mà quên chú ý đến xung quanh và mối nguy hiểm tiềm tàng. Điều đó có thể giải thích tại sao con belemnite bị tấn công dù chưa có bằng chứng về điều đó", ông Klug nói.
Theo giả thiết của Klug và các đồng nghiệp, con cá mập có thể cố tình nhắm vào phần mềm của belemnite thay vì lớp vỏ cứng của con mồi. Nguyên nhân là bởi chúng muốn tránh lớp vỏ cứng khó tiêu hóa và tập trung vào khu vực phần mềm vốn không được bảo vệ nhiều.
Bình luận