• Zalo

Chó Pit bull cắn chó Labrador tới chết: Hai bố con đánh người phải chịu mức phạt nào?

Thời sựThứ Tư, 08/04/2015 03:15:00 +07:00Google News

Hai bố con đánh dã man người dân ngăn cản chó Pitbull cắn chú chó Labrador tới chết sẽ phải chịu mức phạt nào?

(VTC News) - Hai bố con đánh dã man người dân ngăn cản chó Pitbull cắn chú chó Labrador tới chết sẽ phải chịu mức phạt nào?

Những ngày qua, dư luận xôn xao về clip một người dân bị đánh dã man vì can ngăn chó Pit bull hung dữ lao vào cắn một chú chó Labrador tới chết. Sự việc xảy ra vào tối 1/4 tại khu đô thị mới Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Nạn nhân bị đánh chảy máu mặt nói trên là anh Phan Thế Bảo, 46 tuổi. Anh Bảo được đưa đi bệnh viện cấp cứu, khâu 7 mũi ở mặt cùng nhiều vết thâm tím trên cơ thể. Công an phường Dịch Vọng cũng nhanh chóng tới hiện trường để giải quyết vụ việc.

Phóng viên VTC News đã phỏng vấn Luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng Văn phòng Luật sư Interla để hiểu rõ hơn về vấn đề pháp lý liên quan đến vụ việc trên.


- Theo Luật sư, căn cứ vào các tình tiết trong vụ việc này, cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự hay không?


Theo nhận định của tôi, cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án về tội cố ý gây tương tích theo Điều 104 Bộ luật Hình sự bởi vì hành vi của 2 bố con chủ chó Pitbull có dấu hiệu của tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự.

Theo Điều 104 Bộ luật Hình sự, tội cố ý gây thương tích có các dấu hiệu cấu thành tội phạm như sau: Người phạm tội phải thực hiện các hành vi đâm, chém, bắn, đấm đá, đốt cháy, đầu độc, cho chó cắn… tác động vào cơ thể của người khác làm cho người đó bị thương, bị tổn hại sức khỏe.

Anh Phan Thế Bảo phải khâu 7 mũi ở mặt, dập cơ vùng nách và nhiều vết thương khác.

Hậu quả, hành vi này để lại thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp: dùng hung khí nguy hiểm, gây cố tật nhẹ cho nạn nhân, phạm tội có tính chất côn đồ,… và hành vi phải được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp – người thực hiện hành vi mong muốn người đó bị thương.

Trong khi đó, theo hướng dẫn tại Công văn số 38/NCPL ngày 6/01/1976 và tại Hội nghị tổng kết công tác ngành năm 1995 giải thích về tình tiết “có tính chất côn đồ” như sau:

Khái niệm côn đồ được hiểu là hành động của những tên coi thường pháp luật, luôn luôn phá rối trật tự trị an, sẵn sàng dùng vũ lực và thích (hay) dùng vũ lực để uy hiếp người khác phải khuất phục mình, vô cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt là đâm chém, thậm chí giết người. Hành động của chúng thường là xâm phạm sức khoẻ, tính mạng, danh dự  người khác, gây gổ hành hung người khác một cách vô cớ hoặc vì một duyên cớ nhỏ nhặt…

Gây tật nhẹ cho nạn nhân theo hướng dẫn tại Điều 1 Phần 1 Nghị quyết 02/2003/HĐTP đó là: Hậu quả của hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân để lại trạng thái bất thường, không thể chữa được cho một bộ phận cơ thể của nạn nhân với tỷ lệ thương tật dưới 11% khi thuộc một trong các trường hợp: làm mất một bộ phận cơ thể của nạn nhân; làm mất chức năng một bộ phận cơ thể của nạn nhân; làm giảm chức năng hoạt động của một bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ của nạn nhân.

Việc làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ của nạn nhân có thể hiểu là: sẹo vùng đầu – mặt – cổ, gây thương tích phần mềm quy định tại các Phụ lục của Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH quy định về tổn thương cơ thể do thương tích, bệnh, tật và bệnh nghề nghiệp (Mục 9 Bảng 1 Phụ lục) và Thông tư số 20/2014/BYT quy định về tỷ lệ tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định tâm thần (Chương 9 Phụ lục).

Hiện trường vụ việc.

Xét trong trường hợp này, về mặt khách quan, hai bố con chủ sở hữu chó Pitbull đã có hành vi đấm đá tác động lên cơ thể của anh Bảo làm anh này ngã khi anh Bảo ngăn không cho con chó lớn cắn chó bé.

Có thể thấy, hành vi của bố con chủ chó Pitbull là hành vi hết sức ngang ngược, coi thường pháp luật, chỉ vì nguyên cớ rất nhỏ nhặt mà cố tình gây sự, gây thương tích cho người khác trước sự chứng kiến của rất nhiều người dân, hành vi thể hiện rất rõ tính chất côn đồ của những người này.

Đối chiếu với quy định này thì hành vi của hai bố con chủ sở hữu chú chó Pitbull thỏa mãn dấu hiệu được quy định tại điểm i khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự đó là phạm tội có tích chất côn đồ.

Hậu quả của hành vi của hai bố con chủ sở hữu chú chó Pitbull gây ra là đã gây thương tích cho anh Bảo, khiến anh Bảo phải khâu 7 mũi ở mặt và bị thương khắp người. Cho đến thời điểm hiện tại chưa có kết luận cho biết mức độ thương tật của anh Bảo là bao nhiêu %. Tuy nhiên, tình tiết phạm tội có tích chất côn đồ đã đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích cho dù thương tích gây ra cho anh Bảo có thể chưa đến 11% như luật định.

Việc xác định tỷ lệ thương tật của anh Bảo có thể được xem xét xác định tình tiết định khung đó là “gây cố tật nhẹ cho nạn nhân” theo điểm b khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự.

 Khu đô thị xảy ra vụ việc.

Xét về mặt chủ quan, hành vi của hai bố con chủ sở hữu chú chó Pitbull là lỗi cố ý xuất phát từ ý chí chủ quan của 2 người chủ chó Pitbull với mục đích hành hung, gây sát thương cho người đang ngăn cản chú chó của mình tấn công chú chó khác (ngăn cản trái với ý muốn của họ).

Như vậy, cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án về tội cố ý gây thương tích theo Điều 104 Bộ luật hình sự.

 

Khung hình phạt đối với hành vi này là người phạm tội có thể bị xử phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Luật sư Trương Quốc Hoè
 
- Người phạm tội danh này có thể bị xử phạt như thế nào thưa ông?


Như đã phân tích trên, hành vi hành hung anh Bảo của hai bố con là chủ sở hữu chú chó Pitbull có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự.

Khung hình phạt đối với hành vi này là người phạm tội có thể bị xử phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

 - Tội danh này có thuộc trường hợp khởi tố theo yêu của bị hại hay không?

Căn cứ theo quy định tại Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 thì những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.

Như đã nhận định ở trên, hành vi của hai bố con chủ sở hữu chú chó Pitbull có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự.

Mà theo quy định tại khoản 1 Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự thì trường hợp này, muốn khởi tố vụ án phải có yêu cầu của người bị hại do đó, trong vụ việc này, nếu có yêu cầu của người bị hại, tức là anh Phan Thế Bảo thì cơ quan điều tra có thể tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các đối tượng này.


- Ngoài tội danh trên, hai bố con hành hung anh Phan Thế Bảo có dấu hiệu vi phạm điều luật nào khác hay không thưa ông?

Trước khi có hành vi hành hung anh Bảo, người chủ sở hữu chú chó Pitbull còn có hành vi đó là để cho chú chó của mình cắn tới chết chú chó Labrador của người khác. Như các báo đã đưa tin, khi xảy ra việc chú chó Pit bull tấn công chú chó Labrador, rất đông người dân chứng kiến đã rất bức xúc và có ý định vào can ngăn.

Tuy nhiên, chủ của chó Pit bull không những không có bất cứ hành động nào để dừng hành động hung dữ của chú chó thuộc quyền sở hữu, quản lý của mình mà còn tỏ thái độ hung hăng, thậm chí chửi bới, đe dọa bất cứ ai có ý định vào can ngăn chú chó Pitbull của mình tấn công chú chó Labrador. 

Video: Anh Phan Thế Bảo bị đánh dã man vì ngăn cản chó Pitbull cắn chết chó Labrador


Hậu quả của vụ việc là chú chó Pitbull đã tấn công chú cho Labrador, cắn dữ dội khiến cho chú chó Labrador chết ngay tại chỗ.

Theo như tôi được biết, loài chó Pitbull là loài chó hung dữ, hiếu chiến, bền bỉ, gan lỳ được mệnh danh là “sát thủ máu lạnh” và được coi là “hung thần” của các loài chó. Theo như tôi thấy, có thể coi loài chó Pitbull là “nguồn nguy hiểm cao độ” theo quy định tại khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2005.

Điều luật này quy định, “nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định”.

Như vậy, theo quy định ngay tại khoản 2 của điều này, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.

Ngoài ra, hành vi này có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

Theo đó, người có hành vi “để động vật nuôi gây thiệt hại tài sản cho người khác” sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Hiện nay, loài Pitbull đang được nhiều người ở Việt Nam nuôi như một thú cưng trong nhà. Tuy vậy, đây là một loài động vật hết sức hung dữ và hiếu chiến nên chủ nhân của những chú chó này cầ  phải có trách nhiệm chăm sóc, quản lý để tránh gây nguy hiểm cho mình và những người khác.

- Xin cảm ơn luật sư!

Minh Quyết (thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn