Lương Xuân Trường thoáng nở một nụ cười khi được hỏi về bức ảnh anh cùng đồng đội cào tuyết, tạo điều kiện cho Nguyễn Quang Hải đặt bóng thực hiện quả đá phạt đẹp mắt vào lưới U23 Uzbekistan ở trận chung kết U23 châu Á 2018. Giải đấu trên đất Thường Châu, Xuân Trường không ghi bàn, nhưng là một trong những người đá nổi bật nhất.
Cầu thủ gốc Tuyên Quang hoàn thành nhiệm vụ ở trên khía cạnh chuyên môn lẫn thủ lĩnh tinh thần, để lại hình ảnh đẹp. Tuy nhiên, U23 châu Á 2018 cũng là đỉnh cao gần nhất của Xuân Trường. Sau lần tỏa sáng ở Thường Châu, Xuân Trường xuống phong độ theo chiều thẳng đứng và không còn nhiều cơ hội cạnh tranh trên tuyển.
Xuân Trường có còn phù hợp?
Trước khi vang danh ở giải U23 châu Á, Xuân Trường là lựa chọn số một ở hàng tiền vệ tuyển Việt Nam dưới thời HLV Nguyễn Hữu Thắng. Ngay khi vừa nhậm chức, ông Thắng xếp đội hình 4-1-4-1, trong đó bộ đôi Xuân Trường và Nguyễn Tuấn Anh được bảo vệ bởi một tiền vệ quét bên dưới, thường là Nguyễn Huy Hùng hoặc Ngô Hoàng Thịnh.
Tuyển Việt Nam có giai đoạn chơi tốt khi Xuân Trường đóng vai cầm trịch. AFF Cup 2016, Xuân Trường từng kiến tạo như đặt cho Văn Quyết ghi bàn, với đường chuyền mà một chuyên gia bóng đá nhận định rằng "không phải tiền vệ Việt Nam nào cũng làm được". Anh quan sát nhanh, ra chân chớp nhoáng để đặt Văn Quyết vào thế đối mặt.
Những đường chuyền ở cự ly trung bình - dài và khả năng đá phạt là vũ khí lợi hại, giúp Xuân Trường giữ được vị trí. Khi mới sang Việt Nam, HLV Park Hang Seo cũng trọng dụng Xuân Trường, giao băng đội trưởng. Đó không phải "thân tình" khi cả hai biết nhau và có chung công ty đại diện.
HLV Park hiểu rõ năng lực của Xuân Trường. Điểm mạnh của Xuân Trường cũng rất phù hợp với tuyển Việt Nam giai đoạn đầu, khi những đường chuyền chuyển đổi của tiền vệ 25 tuổi là mấu chốt để toàn đội đẩy trạng thái từ phòng ngự sang tấn công.
Giải U23 châu Á là một minh chứng, khi óc quan sát cùng sự thông minh trong khâu điều phối của Xuân Trường giúp U23 Việt Nam không phòng ngự thụ động. Đội bóng của Park vẫn giữ được sự cân bằng, lên bóng sòng phẳng với các đối thủ mạnh.
Tuy nhiên, tuyển Việt Nam bắt đầu cải tiến chiến thuật từ giữa năm 2018 để tránh bị đối thủ bắt bài. Khác biệt đầu tiên là cầu thủ mạnh dạn phối bóng từ hàng thủ. Nhiều trận đấu, tuyển Việt Nam bỏ qua hàng tiền vệ, tấn công theo chiều dọc từ hậu vệ lên tiền đạo. Vai trò của tiền vệ không còn là tung ra những đường chuyền sát thủ hay kiểm soát bóng, khi tuyển Việt Nam không cần cầm nhiều bóng để chiến thắng.
Các tiền vệ của Park cần biết kiểm soát lối chơi, phối bóng ở cường độ cao, giỏi tranh chấp, di chuyển liên tục, chuyền một chạm nhanh và xử lý đơn giản. Đó đều là những yếu tố Xuân Trường không có. Trường "híp" thường xử lý nhiều động tác, không đủ thể lực đeo bám đối thủ.
Nếu Xuân Trường đá chính, HLV Park sẽ phải bố trí những tiền vệ rất khỏe, chỉ để bọc lót và chạy gấp đôi để bù cho thiếu sót của Xuân Trường. Nhưng không giống các HLV trước, Park Hang Seo không sử dụng chiến thuật phục vụ con người, mà con người phải phục vụ chiến thuật.
Những tiền vệ tuyển Việt Nam như Đỗ Hùng Dũng hay Tuấn Anh đều thuộc mẫu "tự làm tự ăn" và không cần người phục vụ. Tuấn Anh là một điển hình. Thay vì chơi "nghệ sĩ" như trước đây, tiền vệ gốc Thái Bình đã thay đổi cách chơi, trở nên đơn giản và giàu sức mạnh hơn. Tuấn Anh đã bắt chặt Omar Abdulrahman - tiền vệ được mệnh danh là "Messi châu Á" của UAE, phong tỏa Chanathip Songkrasin nhờ sự bền bỉ và tính chiến đấu cao.
Xuân Trường không làm được điều đó. Sau hai năm, Xuân Trường vẫn chơi đủng đỉnh, chậm rãi và không khắc phục được điểm yếu. Khi HLV Park Hang Seo ngày càng đòi hỏi cao ở các tiền vệ, cơ hội cho Trường càng ít đi.
Thay đổi hay là "chết"?
Xuân Trường ra sân 14 trận cho HAGL mùa trước, thông số không tồi cho cầu thủ trở lại sau nửa năm dưỡng thương, nhưng thể lực của "số 6" đã xuống rất thấp. Trong 14 trận ra sân, có tới 7 trận Xuân Trường bị thay ra giữa chừng, 3 trận vào sân từ ghế dự bị, chỉ 4 trận đá đủ 90 phút. Trung bình mỗi trận, Xuân Trường chỉ đá 64 phút.
Cường độ chơi bóng ở HAGL thấp hơn tuyển Việt Nam khi sau lưng Xuân Trường luôn thường trực là Kelly Kester, phía trên là Chevy Walsh - ngoại binh có khả năng độc lập tác chiến. Tuyển Việt Nam là câu chuyện khác. Sẽ không ai bảo vệ Xuân Trường. Phía trước anh cũng không phải những tiền đạo tự mình giải quyết mọi vấn đề.
Vì thế, Xuân Trường sẽ tải khối lượng vận động khủng khiếp nếu đá trên tuyển. HLV Park Hang Seo cũng hiếm khi thay người ở vị trí tiền vệ trung tâm, bởi đây là trái tim và khối óc của đội tuyển. Khó tưởng tượng cảnh Xuân Trường có thể cày ải cả trận như Hùng Dũng và Tuấn Anh, trừ khi tiền vệ này thay đổi.
Tập luyện với chuyên gia riêng để đẩy nhanh tốc độ hồi phục, Xuân Trường vẫn còn đó ý chí cầu tiến, nhưng khao khát thôi là chưa đủ. Chấn thương dây chằng gặp phải hồi tháng 10/2019 khiến quỹ thời gian để cải thiện của Xuân Trường bị ngắn lại. Trở lại thi đấu, Trường càng ít tham gia va chạm hơn để tránh chấn thương.
2 năm sau giải đấu thành công ở Thường Châu, ngay cả việc duy trì phong độ cũng là khó khăn với Xuân Trường, chưa nói tới tiến lên đẳng cấp mới.
So với nhiều tiền vệ như Huy Hùng, Nguyễn Đức Chiến hay Lý Công Hoàng Anh, Xuân Trường chưa chắc cạnh tranh nổi, chứ chưa nói đến Hùng Dũng hay Tuấn Anh. Có lẽ, HLV Park vẫn chờ sự đột phá từ Xuân Trường. Anh vẫn có những phẩm chất nổi bật mà rất ít tiền vệ Việt Nam sở hữu. Nhưng ông Park cần một cầu thủ làm khá ở mọi thứ, thay vì tốt ở một thứ và kém những thứ còn lại.
Xuân Trường cũng chưa xuất chúng ở khâu đá phạt, chuyền bóng đến mức ban huấn luyện phải có ưu ái chiến thuật dành cho anh. Không thay đổi cách chơi, Trường sẽ chỉ lên tuyển và ngồi ngoài, như tình cảnh suốt năm 2019 vừa qua.
Bình luận