• Zalo

Chó dữ vẫn được thả rông hung hăng chực... cắn người

Thời sựThứ Tư, 16/03/2016 07:00:00 +07:00Google News

Người dân vẫn thản nhiên dắt và thả rông chó nơi xóm ngõ, phố phường mà không có rọ mõm, trái với quy định của pháp luật mà không có cơ quan chức năng nào xử lý

(VTC News) - Người dân vẫn thản nhiên dắt và thả rông chó nơi xóm ngõ, phố phường mà không có rọ mõm, trái với quy định của pháp luật mà không có cơ quan chức năng nào xử lý.

Mối nguy hiểm rình rập

Chiều 14/3, theo ghi nhận của PV VTC News, nhiều địa bàn trên thành phố Hà Nội tình trạng người dân nuôi chó thả rông không có rọ mõm vẫn diễn ra tràn lan.

Có thể dễ dàng nhận thấy, những con chó không rọ mõm hung hăng gặp người đi đường qua lại sủa rất to như muốn lao vào cắn xé.

Đặc biệt, có những con chó còn lao đuổi theo xe máy khiến người điều khiển giật mình hốt hoảng, rú ga tháo chạy.

Phóng viên đảo một vòng quanh công viên Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội), nơi có rất đông người lớn cùng trẻ nhỏ ra tập thể dục và vui chơi, thì nhận thấy ở đây cũng có rất nhiều người dắt chó đi dạo và thả rông để chó có thể chạy quanh gần đó.

Và đặc biệt, tất cả những con chó này đều không hề có rọ mõm.

Trẻ nhỏ đi qua thích thú vì vẻ ngoài lộng lẫy của những con chó “Tây” với kích thước to hơn một người lớn, nhưng ngay cả bố mẹ các em cũng không hề biết bên trong con vật này là tính thú rất hung dữ có thể gây nguy hiểm bất cứ lúc nào.
Con chó đang kéo căng dây xích gầm gừ như muốn lao vào cắn người đi đường
Con chó đang kéo căng dây xích gầm gừ như muốn lao ra cắn người đi đường 

Chị Đinh Phương Lan (trú tại phố Kim Đồng, Quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội) cũng là một người nuôi chó nhưng chị thẳng thắn cho biết: “Tôi không dám đến gần những con chó thả rông mà không đeo rọ mõm, vì đôi lúc tôi đùa với con chó nhà tôi nó còn quay ra định cắn tôi nữa là. Mỗi khi có người thả đàn chó ra thì trẻ con cả khu chạy dạt, núp vào ngõ vì sợ.”

“Phải nói thật đáng sợ. Chúng như những con thú săn dữ dằn, gầm gừ, sẵn sàng nhe nanh để lao vào cắn xé người đối diện. Chó không rọ mõm rất nguy hiểm cho mọi người, nếu cắn người có thể gây mầm bệnh. Tại các hồ và công viên những con chó được thả rông không có rọ mõm nhìn không khác gì cái “chợ chó”. anh Quang Ninh (trú tại quận Tây Hồ, TP Hà Nội) nói.

Chị Minh Huệ (phố Nguyễn Du, Hà Hội) cũng cho biết: “Vào mỗi buổi chiều gia đình tôi thường đưa con ra công viên chơi. Khi đi qua những con chó thả rông hoặc buộc xích mà không có rọ mõm tôi rất sợ. Những con chó do thấy người lạ chúng xồ ra sủa to khiến tôi giật thót tim bế vội con lên, chẳng may nó tuột dây thì có phải bị nó cắn rồi không? Chúng rất nguy hiểm với trẻ nhỏ, vì kích thước của chó “Tây” to gấp mấy lần một đứa trẻ.”

Tuy vậy, cũng có người cho rằng việc thả chó ra đường mà không rọ mõm là chuyện đương nhiên. “Tôi nuôi chó cả chục năm nay, chỉ dùng dây xích khi ở trong sân thôi. Còn ra đường thì thả tự do, rọ mõm làm gì vì tôi đi theo canh chừng rồi.

Còn việc có sổ sách quản lý chó thì tôi không biết, thấy mọi người nuôi thì tôi nuôi thôi.” - bà Hiên (Hai Bà Trưng, Hà Nội) vô tư chia sẻ.
3 con chó được xích trên vỉa hè và không hề có rọ mõm
3 con chó được xích trên vỉa hè và không hề có rọ mõm 

Cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm?

Theo Điều 625 Bộ luật Dân sự thì “Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác; nếu người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi trong việc làm súc vật gây thiệt hại cho mình thì chủ sở hữu không phải bồi thường”. Nếu hai bên không thỏa thuận được mức bồi thường thì người bị thiệt hại có thể khởi kiện người chủ vật nuôi ra tòa án để được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người nuôi chó có hành vi thả rông chó ở khu dân cư hoặc dắt chó đi cùng mà không có dây xích, không có rọ mõm (đối với con dữ) thì theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ thì người nuôi chó có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. Nếu để chó gây thương tích, thiệt hại tài sản cho người khác thì bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng và phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do vật nuôi của mình gây ra.

Người nuôi chó có trách nhiệm đăng ký với Trưởng thôn, trưởng ấp hoặc tổ trưởng tổ dân phố để lập danh sách, trình UBND xã, phường cấp sổ quản lý chó. Đồng thời, phải thường xuyên xích chó, nuôi chó trong nhà, không được thả rông, để chó cắn người.
Chó được thả rông, không hề có rọ mõm
Chó được thả rông, không hề có rọ mõm 

Để việc nuôi chó được an toàn, không gây thiệt hại cho người khác, ngoài việc người chủ vật nuôi phải tự giác chấp hành các quy định của pháp luật thì mọi người đều có quyền yêu cầu người chủ vật nuôi chấm dứt vi phạm.

Trường hợp người nuôi chó đã được nhắc nhở mà vẫn tiếp tục vi phạm thì mọi người có quyền thông báo cho trưởng thôn, trưởng ấp hoặc tổ trưởng dân phố (nếu ở chung cư thì có thể đề nghị Ban quản lý khu chung cư) hoặc đề nghị trực tiếp với UBND xã, phường sở tại để được giải quyết.

Luật pháp đề ra là như vậy nhưng hiện nay rất nhiều hộ gia đình nuôi chó mà không có lấy nổi cuốn sổ cấp quản lý chó, huống chi ý thức về việc nuôi dạy chó như thế nào là đúng và làm sao để bảo đảm an toàn cho những người xung quanh.
Lệnh cấm cũng như không

Theo tìm hiểu của PV VTC News, Bộ NN&PTNT đã có quy định, khi dắt chó ra nơi công cộng phải có dây xích, phải rọ mõm (đối với con dữ) và có người dắt; không để chó đi lang thang ngoài đường, phố làm mất vệ sinh nơi công cộng.

Theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 48/2009/TT-BNNPTNT ngày 4/8/2009 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật thì người nuôi chó có các trách nhiệm sau đây:

a) Tại các đô thị, nơi đông dân cư, kể cả vùng nông thôn (trừ vùng sâu, vùng xa) tổ chức, cá nhân nuôi chó phải đăng ký với Trưởng thôn, Trưởng ấp hoặc Tổ trưởng dân phố để lập danh sách, trình Ủy ban nhân dân xã, phường cấp sổ quản lý chó (Sổ quản lý chó phải ghi rõ ngày, tháng, năm sinh; loài, giống, tính biệt, màu lông; ngày gia đình bắt đầu nuôi, thời gian tiêm phòng các loại vắc xin, số lô).

b) Phải chấp hành quy định tiêm phòng bệnh dại định kỳ và bổ sung của cơ quan thú y;

c) Phải thường xuyên xích chó, nuôi chó trong nhà, không được thả rông, để chó cắn người. Ở các thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư khi dắt chó ra nơi công cộng phải có dây xích, phải rọ mõm (đối với con dữ) và có người dắt, không để chó đi lang thang ngoài đường, phố làm mất vệ sinh nơi công cộng;

d) Thường xuyên thực hiện vệ sinh chuồng nuôi.




Tùng Lâm
Bình luận
vtcnews.vn