Thời gian qua, liên tiếp xảy ra nhiều vụ chó tấn công người dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, Gần đây nhất, vụ việc đàn chó dữ cắn chết cháu bé 7 tuổi ở Hưng Yên khiến dự luận bàng hoàng, xót xa.
Trước thực trạng đáng báo động này, các chuyên gia của Trung tâm Huấn luyện chó nghiệp vụ PDS phân tích một số nguyên nhân và biểu hiện khiến chó tấn công người, đồng thời đưa gia các giải pháp giúp hạn chế thấp nhất hậu quả khi chó cắn người.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn đến việc chó cắn người xuất phát từ các phản xạ tự vệ và tấn công (cảm thấy bị đe dọa về lãnh thổ sống, đe dọa chiếm đoạt thức ăn, bị đe dọa đến tính mạng) hoặc phản xạ săn mồi bao gồm các hành vi tưởng ta là con mồi đi săn (như bỏ chạy khi gặp nó).
Chó cũng có thể tấn công con người theo bản năng và thói quen. Những giống chó dữ tợn rất thích đánh nhau hay những con chó được dạy đánh nhau bừa bãi, cắn nhau bừa bãi mà chủ không can thiệp hoặc còn khuyến khích.
Một nguyên nhân khác cũng khiến chó tấn công con người đó là chó sẽ tấn công theo phản xạ bầy đàn nếu cảm thấy đàn của chúng bị đe dọa. Chó cũng thường hùa nhau, bắt chước nhau tấn công và tấn công ai đe dọa chủ của chúng vì chúng coi chủ là con đầu đàn.
Theo các chuyên gia, khi chuẩn bị tấn công người, chó thường có biểu hiện gầm gừ, nhe nanh, dựng lông gáy, lông sống lưng, đuôi quặp sát bụng, mắt chúng lấm lét hoặc long song sọc, đầu cúi gầm thủ thế.
Các chuyên gia khuyến cáo, để tránh bị chó tấn công, trước hết ta phải coi tất cả những con chó lạ đều là những mối đe dọa cần phải đề phòng. Cần tránh đứng đối diện, tránh cười với chó, không làm gì kích động chó (la hét, giơ tay lên cao, đá chó…).
Trường hợp bị chó tấn công hoặc đe dọa tấn công, phải thật bình tĩnh, không được hoảng loạn, quan sát nhanh chó và xung quanh tìm vật hoặc người hỗ trợ.
Có thể gọi tên chó, hô “Sai” thật to đối với con chó đã được huấn luyện. Tuyệt đối không bỏ chạy, không vừa chạy vừa ngoái lại nhìn, không nhìn vào mắt chó, đánh lạc hướng chó bằng các vật khác (ném thức ăn, đồ chơi, chai lọ nhựa… ra xa để chó đuổi theo) và di chuyển chậm ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Khi chó đã tấn công, nên đứng thẳng như cái cây, hoặc nằm như khúc gỗ (tay nhớ che những bộ phận quan trọng), nắm tay lại không để chó cắn các ngón tay. Có thể leo lên cây nếu kịp hoặc gọi mọi người đến cứu.
Theo các chuyên gia của Trung tâm Huấn luyện chó nghiệp vụ PDS, chó là một phương tiện, một lực lượng chiến đấu và bảo vệ vô cùng nguy hiểm và hiệu quả.
Chúng ta không nên đòi hỏi có những kỹ năng kỹ thuật chống lại nó một cách dễ dàng, nhất là người già, phụ nữ và trẻ em càng không thể, đặc biệt nếu bị nhiều chó tấn công thì thanh niên trai tráng hoặc ngay giới chuyên nghiệp cũng khó mà chống lại được, nếu chỉ có tay không. Vì vậy, việc phòng chống mang tính quyết định và hiệu quả nhất.
Để đảm bảo an toàn khi nuôi chó, các chuyên gia đề xuất chính quyền cần giám sát nghiêm túc việc thực hiện các quy định pháp luật đã ban hành.
Chính quyền cần ra quy chế về điều kiện bắt buộc người nuôi chó phải thực hiện như: nuôi chó phải tiêm phòng; phải có cũi và dây xích kiểm soát chó; phải ký giấy cam kết chịu trách nhiệm hình sự nếu để chó gây tai nạn (đây là biện pháp rất hiệu quả); phải có hàng rào và cổng an toàn chắc chắn không để chó xổng ra ngoài; phải có biển cảnh bào nhà có chó dữ.
Chính quyền cũng nên khuyến khích các biện pháp làm giảm tính hung dữ của chó: triệt sản nếu không có mục đích sinh sản; khuyến khích thành lập các tổ chức xã hội như các câu lạc bộ, hội… trong việc nuôi chó an toàn hơn, văn minh hơn, chó khỏe đẹp và có ích lợi hơn trong việc phục vụ cuộc sống con người.
Đồng thời, có biện pháp hạn chế nuôi một số giống chó đặc biệt dữ như ở một số nước ngoài (hoặc bắt đóng tiền bảo hiểm tai nạn thật cao…).
Đối với người nuôi chó, các chuyên gia khuyến cáo nuôi chó phải có mục đích và hiệu quả, không nên theo ý thích mà nuôi những giống chó không phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của mình và những người xung quanh.
Người nuôi chó phải có đủ điều kiện vật chất để nuôi dưỡng và kiểm soát thực sự chó không gây phiền hà hoặc nguy hiểm cho người khác.
Đối với những giống chó nguy hiểm, phải nghiên cứu kỹ trước khi nuôi. Nên cho chó đi học ở những nơi uy tín.
Người nuôi chó cũng cần có trách nhiệm với bản thân và cả với những người xung quanh. Tham gia các hội, câu lạc bộ những người nuôi chó để được giúp đỡ về kiến thức cần thiết.
Video: Chủ nuôi đàn chó cắn chết bé trai 7 tuổi bị Hưng Yên sẽ bị xử lý thế nào?
Bình luận