• Zalo

Chính trường Thái 'địa chấn' với những can dự bất ngờ từ hoàng gia

Thế giớiChủ Nhật, 10/02/2019 12:53:00 +07:00Google News

Chiến dịch tranh cử kết thúc chóng vánh của công chúa Thái Lan là diễn biến mới nhất cho thấy sự tham gia ngày càng rõ nét của hoàng gia trên chính trường nước này.

Cuối tuần qua, đảng Thai Raksa Chart gây "địa chấn" trên chính trường Thái khi tuyên bố chị gái của nhà vua, công chúa Ubolratana, sẽ tranh cử ghế thủ tướng trong cuộc bầu cử tháng tới.

Tuy nhiên, chiến dịch tranh cử của công chúa có biệt danh "La Poupée" (búp bê) kéo dài chưa đầy một ngày. Vua Maha Vajiralongkorn khuya 8/2 ra sắc lệnh khẳng định đề cử trên là "không phù hợp và vi hiến", qua đó chấm dứt tham vọng chính trị của chị mình.

Cú sốc chóng vánh trên chính trường Thái

Đảng Thai Raksa Chart ngày 9/2 tái khẳng định lòng trung thành với vua Maha Vajiralongkorn.

Trên tài khoản mạng xã hội Instagram, công chúa Ubolratana cũng chấp nhận rút lui và bày tỏ lòng biết ơn trước sự ủng hộ của người dân. Bà nhấn mạnh mong muốn được thấy đất nước tiến bộ, người dân được hưởng đầy đủ những quyền lợi và cơ hội phát triển. Công chúa không trực tiếp đề cập đến sắc lệnh của nhà vua.

Quyết định tranh cử của công chúa Thái đã gây xôn xao khắp đất nước vì nó phá vỡ truyền thống không tham gia vào chính trị của hoàng gia.

cong_chua_Thai_Lan_4

Ông Preechapol Pongpanich, lãnh đạo đảng Thai Raksa Chart cầm trên tay tờ đăng ký ứng viên tranh cử thủ tướng của Công chúa Ubolratana. (Ảnh: Reuters)

Công chúa Ubolratana với thân thế hoàng tộc và sức ảnh hưởng xã hội lớn cũng được xem là ứng viên đủ khả năng thách thức chiến dịch tranh cử của Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha. Hiến pháp được chính quyền quân sự xây dựng đã trao cho quốc hội Thái Lan quyền quyết định người trở thành thủ tướng sau cuộc bầu cử ngày 24/3. Những thành viên bảo hoàng trong quốc hội có thể quay sang ủng hộ chị của nhà vua.

Việc công chúa Ubolratana tranh cử cùng đảng Thai Raksa Chart là cú sốc lớn đối với phe bảo hoàng tại Thái Lan. Đảng Thai Raksa Chart có quan hệ mật thiết với cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, đối thủ của chính quyền quân sự đang nắm quyền.

Ông Thaksin được cho là người đứng sau cơn địa chấn chóng vánh của chính trường nước này. Điều này làm thay đổi bản đồ chính trị của Thái Lan khi phe bảo hoàng luôn xem những nỗ lực loại bỏ sức ảnh hưởng của nhà Shinawatra là cách để bảo vệ nền quân chủ.

Trong sắc lệnh khuya 8/2, vua Vajiralongkorn nhắc rằng hiến pháp Thái Lan quy định nhà vua và những thành viên hoàng tộc phải đứng trên chính trị. Các quy tắc của chính quyền dân chủ cũng không cho phép hoàng gia can dự vào chính trường nước này.

Thông báo của Cơ quan Nội vụ Hoàng gia Thái Lan nhấn mạnh công chúa Ubolratana vẫn là thành viên của hoàng tộc dù bà đã từ bỏ tước vị khi cưới chồng ngoại quốc vào năm 1972.

"Dù đã từ bỏ tước vị, theo luật hoàng gia, công chúa vẫn giữ vị thế là thành viên trong vương triều Chakri. Hành động đưa thành viên cấp cao trong hoàng tộc vào hệ thống chính trị là hành động chống lại những quy tắc cổ xưa của hoàng gia, phong tục và văn hóa của đất nước", sắc lệnh cho biết.

nha_vu_thai_lan

 Lễ đăng cơ của quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn sẽ diễn ra vào tháng 5/2019. (Ảnh: AP)

Hoàng gia can dự sâu vào chính trị

Trước sắc lệnh bất ngờ của vua Vajiralongkorn khuya 8/2, giới quan sát còn phỏng đoán rằng công chúa Ubolratana đã nhận được sự ủng hộ của em mình trước khi tuyên bố tranh cử. Con gái đầu lòng của nhà vua quá cố Bhumibol Adulyadej và hoàng hậu Sirikit được cho là có mối quan hệ rất thân thiết với em trai.

Bên cạnh đó, quyết định tranh cử của công chúa Ubolratana cũng trùng với xu hướng can dự ngày một sâu vào đời sống chính trị của vua Vajiralongkorn, theo Wall Street Journal.

Các tướng lĩnh và chính quyền quân sự Thái Lan luôn khẳng định cuộc đảo chính năm 2014, tước quyền của Thủ tướng Yingluck Shinawatra, nhằm mục đích bảo vệ nền quân chủ. Tuy nhiên, kể từ khi thừa kế ngai vàng năm 2016, vua Vajiralongkorn liên tiếp có những bước đi gia tăng sức ảnh hưởng của mình và giảm quyền lực của chính quyền quân sự.

Nhà vua ra lệnh chỉnh sửa hiến pháp, trao cho ông thêm quyền lực để giải quyết những xung đột của "thường dân". Ông cũng xây dựng một đội ngũ các chỉ huy quân sự trung thành với mình. Vua Vajiralongkorn còn lấy lại quyền kiểm soát đối với khối tài sản trị giá gần 40 tỷ USD, từng được giao cho Cơ quan Tài sản Hoàng gia quản lý.

Quyết định tranh cử bất ngờ của công chúa Ubolratana ban đầu còn được xem là một nỗ lực để nhà vua can dự vào kế hoạch của Thủ tướng Prayuth nhằm biến Hội đồng Hòa bình và Trật tự Quốc gia (NCPO) thành chính quyền dân cử. 

Nhiều nhà phân tích còn cho rằng nhà vua muốn tăng cường sức ảnh hưởng về dài hạn để hàn gắn quan hệ đồng minh với Mỹ. Washington thường xuyên chỉ trích việc chính quyền quân sự liên tiếp trì hoãn tổ chức tổng tuyển cử.

cong_chua_Thai_Lan_3 3

 Công chúa Ubolratana là ngôi sao truyền thông tại Thái Lan, tham gia nhiều lĩnh vực từ truyền hình, điện ảnh đến âm nhạc. (Ảnh: Straits Times)

Tất cả những dự đoán của giới chuyên gia chính trị Thái cuối cùng bị "việt vị" vào khuya 8/2 khi sắc lệnh của vua Vajiralongkorn được phát trên sóng truyền hình quốc gia.

Nhiều tờ báo tại Thái Lan sáng ngày 9/2 được xuất bản chỉ đề cập về cơn địa chấn Ubolratana mà không kịp cập nhật các "dư chấn" từ sắc lệnh của nhà vua.

Những diễn biến ở hậu trường, lý do vì sao công chúa Thái bất ngờ tranh cử rồi bị em trai ra lệnh vô hiệu hóa, khó có khả năng được tiết lộ. Những vấn đề nội tình hoàng gia Thái Lan gần như không bao giờ được rò rỉ cho báo giới, theo AP.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn