Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa ra Thông tư quy định về giá cước hòa mạng đối với thuê bao trả trước là 35.000 đồng, thuê bao trả sau là 25.000 đồng và áp dụng từ 1/1/2013.
SIM mới sẽ không có tiền trong tài khoản
Điểm mới trong Thông tư quy định về giá cước dịch vụ thông tin di động là thu phí hòa mạng thuê bao di động trả trước và cấm nạp sẵn tiền vào SIM chưa hòa mạng. Cụ thể, đối với thuê bao trả trước hòa mạng mới sẽ phải trả phí hòa mạng là 35.000 đồng/số thuê bao, thuê bao trả sau là 25.000 đồng/số thuê bao.
Cước hòa mạng sẽ thu một lần và thanh toán ngay sau khi khách hàng ký hợp đồng sử dụng dịch vụ thông tin di động trả sau và khi mua SIM thuê bao sử dụng dịch vụ di động trả trước.
Thông tư này còn quy định, việc hòa mạng chỉ được thực hiện sau khi người sử dụng dịch vụ ký hợp đồng và thanh toán tiền mua SIM thuê bao đối với dịch vụ thông tin di động trả sau. Đối với thuê bao trả trước, việc hòa mạng chỉ được thực hiện khi thuê bao di động trả trước mua SIM, đăng ký thông tin thuê bao và nạp tiền từ thẻ thanh toán vào tài khoản của SIM này.
Thông tư này cũng quy định giá SIM trắng sẽ do các mạng di động tự quy định. Bên cạnh đó, Thông tư nghiêm cấm hành vi lợi dụng vị trí thống lĩnh trên thị trường di động để bán, khuyến mãi hoặc chiết khấu giảm giá SIM thuê bao thấp hơn giá thành của SIM trắng cộng với cước hòa mạng nhằm tránh việc cạnh tranh không lành mạnh và gây mất ổn định thị trường. Bộ TT&TT nghiêm cấm các mạng di động nạp sẵn tiền vào tài khoản đối với tất cả các SIM thuê bao đang lưu hành trên thị trường hoặc chưa hòa mạng.
Thông tư còn quy định chỉ có các mạng di động mới được phát hành thẻ cào, nhưng bắt buộc phải thông báo mệnh giá thẻ với Bộ TT&TT.
Khi thu phí hòa mạng thuê bao trả trước và không áp dụng khuyến mãi cho SIM mới thì chỉ khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ thực sự mới mua SIM. Ảnh: TK
Thứ trưởng Lê Nam Thắng khẳng định, Bộ TT&TT không đặt ra các mức giá cước SIM mới mà chỉ bóc tách, quy định cụ thể giá cước hòa mạng cho dịch vụ trả trước là 35.000 đồng và trả sau là 25.000 đồng (với mức giá SIM trắng sẽ do các mạng di động quy định).
Căn cứ vào giá cước hòa mạng của Bộ TT&TT đưa ra, doanh nghiệp di động sẽ ban hành các mức giá bộ SIM kit của mình. Ví dụ trong thẻ SIM trị giá 50.000 đồng đang lưu hành ngoài thị trường sẽ bao gồm 25.000 - 35.000 đồng tiền cước hòa mạng và 15.000 - 25.000 đồng phí SIM trắng.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng khẳng định, Thông tư quy định giá cước dịch vụ thông tin di động mặt đất không hề tăng giá SIM hay đưa ra các mức giá SIM mới mà chỉ quy định giá cước hòa mạng cụ thể trong bộ SIM kit đang lưu hành thay vì để doanh nghiệp tự quyết định như trước.
Theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, nếu như Thông tư 04 là biện pháp hành chính quản lý thuê bao trả trước thì Thông tư về giá cước thông tin di động, quản lý hàng hóa chuyên dụng thông tin di động chính là biện pháp quản lý về mặt kinh tế. Bởi vì, trước đây, do không bóc tách cụ thể mà để doanh nghiệp hoàn toàn quyết định nên họ có quyền đưa ra các mức giá khác nhau làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững thuê bao di động.
Bộ TT&TT hy vọng với Thông tư này, hiện tượng dùng SIM thay thẻ, SIM rác, SIM ảo sẽ giảm đi, tránh tính trạng doanh nghiệp phát hành vài triệu SIM nhưng chỉ thu về khoảng vài trăm nghìn thuê bao di động thực tế. "Vì thế, không có chuyện từ Thông tư này mà doanh nghiệp tăng giá hay đặt các mức giá SIM mới", Thứ trưởng Lê Nam Thắng khẳng định.
Thu phí hòa mạng thuê bao trả trước sẽ giảm thuê bao ảo
Theo con số thống kê của các mạng di động khoảng 5 năm trước đây, nhà mạng cứ tung ra thị trường 4 SIM thì có 1 SIM ở lại mạng. Thế nhưng, vấn nạn dùng SIM thay thẻ cào hiện nay đã khiến các nhà mạng phải tung ra một số lượng SIM "khủng" hơn rất nhiều lần để giữ được 1 thuê bao ở lại mạng.
Các mạng di động đã đưa ra con số thống kê giật mình là vòng đời của một SIM được dùng thay thẻ cào trung bình chỉ là 12 ngày. Thậm chí đã có thống kê nhiều khách hàng sử dụng cùng lúc đến hàng chục SIM khuyến mãi. Ông Mai Văn Bình, Tổng giám đốc MobiFone đưa ra con số thống kê năm 2011: MobiFone tung ra thị trường 30 triệu SIM, nhưng đến cuối năm chỉ giữ lại được 500.000 SIM, tức là chỉ khoảng 1,66%.
Vì vậy, trong cuộc họp hồi đầu năm với Bộ TT&TT, các mạng di động đã kiến nghị cần phải quản bằng các biện pháp kinh tế là chủ yếu để tác động lành mạnh hóa thị trường này. Ông Mai Văn Bình đưa ra một ý tưởng là có thể thu cước hòa mạng đối với thuê bao di động trả trước (giống như thuê bao trả sau).
Như vậy, việc quản lý thuê bao di động trả trước sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều so với hiện nay và tiết kiệm nguồn lực cho doanh nghiệp cũng như Nhà nước. Đồng tình với quan điểm của MobiFone, một lãnh đạo Viettel chia sẻ với ICTnews ở góc độ cá nhân rằng đã đến lúc cần phát triển thuê bao di động thực chất hơn bởi số lượng người dùng mới vào mạng không còn nhiều.
"Đã đến lúc chúng ta cần phải thay đổi hành vi tiêu dùng của khách hàng bằng rất nhiều biện pháp kinh tế và hành chính. Trong đó, việc thu phí hòa mạng thuê bao trả trước cũng là sự lựa chọn cho nhóm giải pháp này", vị lãnh đạo này nói.
Giới chuyên môn cho rằng, quy định về giá cước hòa mạng đối với thuê bao trả trước là động thái điều tiết thị trường di động hiện nay theo hướng phát triển ổn định thị trường và tránh tình trạng "dùng SIM thay thẻ cào". Lãnh đạo một mạng di động cho biết, khi thu phí hòa mạng thuê bao trả trước và không khuyến mãi vào SIM mới thì chỉ những khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ thực sự mới mua SIM. Như vậy, chắc chắn việc phát triển thuê bao mới của các mạng sẽ chậm lại, nhưng có ưu điểm là bền vững.
Theo ICT News
Bình luận