Bộ Giao thông và Truyền thông Myanmar yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động đóng các kết nối internet từ 1h sáng đến 9h sáng hôm 15/2. Thông tin này được lan truyền rộng rãi trên phương tiện truyền thông xã hội, trong khi đó nhà cung cấp dịch vụ Oredoo của Myanmar cũng phát đi thông báo tương tự.
Bên cạnh đó, một số người dùng internet cũng xác nhận quyền truy cập vào các dịch vụ di động và băng thông rộng của Myanmar bị cắt.
Hôm 6/2, chính quyền Myanmar ra lệnh cho các nhà khai thác viễn thông địa phương ngừng cung cấp các dịch vụ dữ liệu di động và cố định khi các cuộc biểu tình diễn ra lẻ tẻ ở Yangon và khắp cả nước. Lệnh này được dỡ bỏ một ngày sau đó.
Myanmar cũng chặn các mạng xã hội ở nước này. Theo đó, hôm 5/2, chính quyền quân đội Myanmar lệnh cho các nhà cung cấp mạng Internet và hãng viễn thông chặn Twitter và Instagram cho tới khi "có thông báo mới". Trước đó, Chính phủ Myanmar yêu cầu các các nhà cung cấp internet chặn quyền truy cập Facebook của người dân. Một nửa dân số Myanmar có đăng ký tài khoản Facebook.
Chính quyền quân sự Myanmar đang phải đối mặt với các cuộc biểu tình lớn trên khắp cả nước cũng như các cuộc đình công của công nhân làm việc trong các cơ quan nhà nước. Động thái này được xem là một phần trong nỗ lực của tổ chức “Phong trào bất tuân dân sự”, phản đối đảo chính hôm 1/2.
Các binh sĩ được triển khai tới các nhà máy điện ở bang Kachin, miền Bắc Myanmar. Đối đầu giữa quân đội và người biểu tình xảy ra ở đây khi nhiều người cáo buộc quân đội đang có ý định cắt điện.
Hôm 1/2, chính biến xảy ra tại Myanmar khi lực lượng quân đội bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, cùng các quan chức cấp cao trong chính quyền dân cử, với cáo buộc có gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11/2020. Động thái này của quân đội châm ngòi những cuộc biểu tình lớn nhất trong hơn một thập kỷ qua tại Myanmar.
Bình luận