Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) được tổ chức trong hai ngày 26-27/9 tại Cần Thơ, thu hút hàng trăm chuyên gia, nhà khoa học và lãnh đạo các bộ ngành tham gia thảo luận, đưa ra các cảnh báo cũng như hiến kế nhiều giải pháp cho vùng ĐBSCL ứng phó biến đổi khí hậu.
Thách thức với ĐBSCL
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, vùng ĐBSCL với 13 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, có tổng diện tích 3,94 triệu ha và dân số 17,5 triệu người, chiếm 12% diện tích tự nhiên và 20% dân số cả nước, có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của cả nước.
ĐBSCL là một trong những vùng đồng bằng màu mỡ và có sản lượng nông sản lớn nhất khu vực Đông Nam Á và đứng đầu Việt Nam. Tính đến tháng 4/2017, khu vực này đóng góp 54% sản lượng lúa, 70% lượng thủy sản nuôi trồng, 36,5% lượng trái cây, cung cấp 90% sản lượng lúa gạo xuất khẩu và 65% sản lượng thủy sản xuất khẩu của cả nước.
Tại các phiên thảo luận, các nhà khoa học đã chỉ ra, trước diễn biến của BĐKH, nước biển dâng cùng sự thay đổi dòng chảy và lượng phù sa từ sông Mekong đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định và phát triển bền vững của vùng ĐBSCL.
Các nước ở thượng nguồn sông Mekong đã và đang xây dựng nhiều hồ thủy điện, thủy lợi và công trình chuyển nước, làm lượng nước và phù sa giảm mạnh gây nhiều hệ quả xấu cho ĐBSCL.
Mức độ và cường độ xảy ra xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển và sụt lún đất đang báo động, suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi thủy sản, gia tăng các điều kiện khí hậu cực đoan và thiên tai...
ĐBSCL cũng đang chịu áp lực gia tăng nguy cơ khan hiếm nước, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước do tăng dân số và phát triển các hoạt động sản xuất, đất sản xuất nông nghiệp cũng ngày càng bị thu hẹp.
Theo các chuyên gia, trong tương lai không xa, khoảng 40% diện tích đất tại ĐBSCL có thể bị ngập vĩnh viễn do nước biển dâng, đe dọa sinh kế của hàng triệu người dân.
Theo GS Trần Thục, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về BĐKH, trong 50 năm qua, nhiệt độ trung bình tại vùng ĐBSCL đã tăng khoảng 0,50C, nước biển dâng khoảng 20cm, dự kiến đến cuối thế kỷ này có thể lên 75cm. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt tại ĐBSCL đã hiện hữu và sẽ còn tiếp tục xảy ra nghiêm trọng trong thời gian tới, nhất là các tháng mùa khô. Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng tài nguyên nước còn chưa hợp lý và còn thiếu các chiến lược mang tính tổng thể, bền vững lâu dài.
Hiện nay, ĐBSCL chưa có quy hoạch tài nguyên nước toàn vùng, cũng như chưa kiểm soát, giám sát chặt các hoạt động khai thác, sử dụng nước và kiểm soát tình trạng ô nhiễm nguồn nước, nhất là các kênh rạch nhỏ.
Các quy hoạch chuyên ngành có sử dụng nước như: chống lũ, thủy lợi và các quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thiếu thống nhất, chưa phù hợp với các yêu cầu chung để quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên nước cho toàn vùng, ông Thục nói.
Bình tĩnh, không hoảng hốt
ĐBSCL hiện đang đối mặt với nhiều thách thức từ điều kiện tự nhiên, BĐKH và nước biển dâng, chịu các tác động kép từ các hoạt động khai thác tài nguyên cát sỏi, sử dụng nước ở thượng nguồn sông Mekong và các hoạt động nhân sinh khác. Từ bản thân mô hình phát triển cũng thiếu tính tổng thể, quản lý Nhà nước còn bất cập.
Dù còn nhiều thách thức, nhưng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Chúng ta cần sự bình tĩnh, lạc quan vào tương lai của vùng đất này, với quyết tâm biến thách thức thành thời cơ, tầm nhìn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là kiến tạo phát triển bền vững ĐBSCL, nâng cao đời sống của nhân dân".
“Chúng ta không hoảng hốt mà cần tìm ra lối đi, đổi mới tư duy, hành động của hệ thống chính trị và người dân nhằm mang lại điều tốt hơn cho cuộc sống gần 20 triệu người dân cùng vượt qua thách thức để có một tương lai tươi sáng”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh BĐKH, ĐBSCL phải chủ động sống chung với lũ, chủ động sống chung với hạn mặn. Nhưng không phải chỉ thích ứng với ngoại cảnh mà còn tận dụng, phát triển để tăng trưởng kinh tế của vùng cũng như sinh kế của địa phương, đặt mục tiêu quan trọng nhất là phục vụ người dân. Phấn đấu đến năm 2050, ĐBSCL trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, GDP gần 10.000 USD/người/năm.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề nghị cần đưa ra được những giải pháp chiến lược có biện pháp tổng thể, đồng bộ cả về trước mắt và lâu dài, những cơ chế chính sách phù hợp, huy động mọi nguồn lực...
Theo Thủ tướng, tinh thần phát triển bền vững vùng ĐBSCL là giữ được đất, giữ được nước, giữ được người.
“Trên cơ sở đó, cần có tầm nhìn xây dựng khu vực từ một vùng trũng giáo dục trở thành vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gia tăng giá trị của các loại sản phẩm”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Về giải pháp phát triển cho vùng ĐBSCL trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra 3 quan điểm, trong đó nhấn mạnh việc bảo tồn những giá trị văn hóa và cuộc sống sung túc của người dân.
Thứ hai là đổi mới tư duy phát triển cổ điển sang tư duy kinh tế nông nghiệp hữu cơ và công nghệ cao. Lương thực không phải là chống đói mà lương thực là dinh dưỡng, phòng bệnh và chữa bệnh. Vì vậy ĐBSCL phải có thương hiệu nông sản nổi tiếng.
Thứ ba là phát triển phải thuận theo tự nhiên, chống can thiệp thô bạo vào tự nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh…
Để hiện thực hóa kế hoạch nói trên, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thành lập ngay cơ chế điều phối phát triển vùng ĐBSCL, giao Bộ TN&MT hoàn thiện kịch bản biến đổi khí hậu đến 2010. “Kịch bản này phải công khai và cập nhật định kỳ để có kế hoạch ứng phó phù hợp”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng chỉ đạo, ngành Nông nghiệp và thủy lợi phải xây dựng kế hoạch dựa trên thực tế nguồn nước ngày càng khan hiếm. Do đó đầu tiên phải chọn cây trồng ít sử dụng nước, giảm diện tích lúa, chọn các mô hình lúa cá, lúa tôm để giảm sử dụng nước. Hướng tới xây dựng sản xuất nông nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao.
Đặc biệt trong lĩnh vực này cần có doanh nghiệp tham gia từ đầu trong lựa chọn cây con sản xuất nông nghiệp vì họ nắm được thị trường. Cần nghiên cứu chính sách đất đai, nới lỏng hạn điền, những quy định hiện nay không thích hợp thực tế ở ĐBSCL.
Video: Thủ tướng đi trực thăng thị sát Đồng bằng sông Cửu Long
Ngành Công Thương cần hạn chế tối đa làm nhiệt điện than, nếu làm thì không để ảnh hưởng đến môi trường. Thay vào đó, cần phát triển năng lượng tái tạo, tổ chức lại thị trường xuất nhập khẩu, nội địa rõ ràng hơn, chắc chắn hơn.
Ngành Xây dựng cần thực hiện các đô thị phải có khu vực điều tiết nước, "đào hồ lấy đất san lấp như cha ông ta đào ao xây nhà ngày xưa". Chương trình nước sạch liên vùng an toàn cho người dân. Xây dựng nhà ở an toàn cho người dân miền Tây.
Về GTVT, cần phải tận dụng lợi thế sông nước phát triển hệ thống giao thông thủy thay vì cao tốc đường bộ dù vẫn tiếp tục đầu tư. Phát triển hạ tầng, đảm bảo liên thông, gắn kết đảm bảo lưu thông hàng hóa cho nền sản xuất lớn.
Đối với vấn đề Đào tạo dạy nghề, Thủ tướng nhấn mạnh cần đầu tư phát triển nguồn nhân lực biến ĐBSCL thành thung lũng sáng tạo, tiếp thu và sáng tạo các tri thức của thế giới phù hợp với lợi thế của địa phương.
Về tài chính, Thủ tướng yêu cầu cần nghiên cứu thành lập Quỹ phát triển ĐBSCL với nhiều nguồn lực và từ nay đến 2020, giải ngân ít nhất 1 tỉ USD làm hệ thống cống điều tiết ở tỉnh Kiên Giang để ngăn mặn xả ngập; còn ở An Giang điều tiết lũ.
Bình luận