• Zalo

Chính phủ sẽ đảm bảo lợi ích cho người gửi tiền

Kinh tếThứ Sáu, 02/12/2011 08:27:00 +07:00Google News

(VTC News) - “Chính phủ chỉ đạo tái cơ cấu hệ thống ngân hàng nhưng không để đổ vỡ hệ thống, do đó người gửi tiền tại bất kỳ ngân hàng nào đều có thể yên tâm".


(VTC News) - “Tôi xin nhắc lại, Chính phủ chỉ đạo tái cơ cấu hệ thống ngân hàng nhưng không để đổ vỡ hệ thống, do đó người gửi tiền tại bất kỳ ngân hàng nào đều có thể yên tâm, không nên lo lắng”.

Đó là thông điệp được Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đưa ra tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, chiều tối ngày 1/12.

Chưa công bố tên 5% ngân hàng yếu kém

Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, trong thời gian qua, hệ thống ngân hàng bộc lộ nhiều yếu kém, trong đó có nguyên nhân từ công tác quản lý điều hành. Cùng với đó là nguy cơ khó khăn về thanh khoản dường như thường trực đối với một số ngân hàng, nên Chính phủ cần phải giải quyết căn bản tình trạng này.

Bên cạnh đó, do Việt Nam chưa có nổi một ngân hàng, định chế tài chính nào có quy mô, uy tín đủ tầm khu vực nên việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng sẽ là cơ sở để biến mục tiêu đó thành hiện thực.

“Tinh thần chung là sẽ cổ phần hóa một số ngân hàng thương mại nhà nước đang gặp khó khăn nhưng Nhà nước vẫn sẽ nắm giữ cổ phần chi phối, sẽ sắp xếp lại những ngân hàng ngoài quốc doanh, nếu tốt thì làm cho tốt hơn, đang khó khăn sẽ bớt khó khăn, nhưng chắc chắn quá trình cổ phần hóa ngân hàng phải là cổ phần hóa đại chúng, không phải là cổ phần của một nhóm lợi ích nào đó với nhau”, Bộ trưởng Đam khẳng định.

Họp báo Chính phủ chiều 1//12. Ảnh: N.Y 
Trước yêu cầu công khai danh tính nhóm ngân hàng yếu kém của báo giới, Phó thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cho biết, việc phân loại theo nhóm là nhằm phục vụ cho đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tuy nhiên mỗi thời điểm đều có biến động nhất định.

Về tỷ lệ 5% ngân hàng trong hệ thống được đánh giá rất yếu kém, ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, không thể công bố danh tính từng NH do những lo ngại về tác động tới lợi ích của hệ thống ngân hàng, “như một bà mẹ không muốn nói rõ con mình đứa nào yếu kém”. Do đó, theo ông Tiến, việc nêu tên các ngân hàng yếu kém chưa hẳn đã là giải pháp tốt.

Bổ sung cho nội dung này, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho hay, với vai trò của mình, đương nhiên Ngân hàng Nhà nước sẽ nắm rõ ngân hàng nào đang thuộc diện yếu kém, ngân hàng nào khỏe mạnh, thanh khoản tốt. Trong quá trình chuẩn bị tái cơ cấu, Ngân hàng Nhà nước đã có báo cáo Chính phủ về thực trạng, giải pháp cùng cam kết “không để đổ vỡ hệ thống ngân hàng”.

Vì vậy, Bộ trưởng nhấn mạnh, với tất cả người dân đang có tiền gửi tại các ngân hàng hoàn toàn có thể yên tâm, không có gì phải lo lắng. Chính phủ đảm bảo sẽ bảo vệ lợi ích hợp pháp của mọi người dân gửi tiền.

"Đây là thông điệp và cũng là đảm bảo của Chính phủ đối với người gửi tiền", ông Đam nói.

Hơn nữa, theo Bộ trưởng Đam, trên thực tế thì quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đang được tiến hành rồi, những ngân hàng yếu kém đang nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, nên việc lo sợ hay đồn đoán ngân hàng này, ngân hàng kia yếu kém, đổ vỡ là không có cơ sở.

“Phương án miễn giảm thuế, không biết Bộ Tài chính đã làm chưa?”

Về việc miễn giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp, theo ông Đam, “đến giờ phút này Chính phủ chưa nhận được phương án của Bộ Tài chính, không biết bộ đã làm chưa”.

Ông Đam cho biết thêm, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính phải xem xét chính sách hỗ trợ thuế không chỉ cho các doanh nghiệp có khả năng chịu thuế mà cả các doanh nghiệp yếu.

Còn theo bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Chính phủ đã có nghị quyết giao Bộ Tài chính nghiên cứu các giải pháp gia hạn nộp thuế trình Chính phủ.

Ngày 28/11, bộ đã có tờ trình báo cáo Chính phủ phương án, trong đó tiếp tục gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp, đưa ra một số phương án để lựa chọn. Những phương án miễn giảm thuế thuộc thẩm quyền Quốc hội, sẽ được xem xét trình Quốc hội kỳ họp thứ 3 vào tháng 5/2012.

Về chủ trương nới rộng tín dụng cho một số lĩnh vực bất động sản như xây nhà cho công nhân... của Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định không mâu thuẫn với chủ trương chung là thắt chặt tín dụng, mà nhằm mục đích duy trì sự phát triển hợp lý của thị trường.

Theo Bộ trưởng Đam, trước đây, đã có nhiều ý kiến nêu lên những khó khăn chung của thị trường bất động sản và mối quan hệ của bất động sản với hệ thống ngân hàng. Khó khăn như vậy thì phải tìm ra giải pháp. Sau 9 tháng đầu năm, các đánh giá lại cho thấy việc giảm vay cho phi sản xuất ở mức như thế là được. Việc nới lỏng tín dụng này là động thái nhằm tạo thêm động lực cho tăng trưởng kinh tế nói chung.

Trước lo lắng về việc tăng giá điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Hoàng Quốc Vượng khẳng định, Chính phủ đã có chủ trương điều hành giá điện theo giá thị trường với một lộ trình thích hợp, phù hợp với sức chịu đựng của nền kinh tế. Việc điều hành theo giá thị trường. Chính phủ vẫn đang xem xét cân nhắc mức độ, thời điểm. Chính phủ chưa có quyết định cụ thể nhưng chắc chắn tới đây sẽ có điều chỉnh.

Lo ngại về nợ công ở châu Âu và khả năng đồng Euro sụp đổ ảnh hưởng tới Việt Nam Phó Thống đốc Nguyễn Đổng Tiến cho hay, "đồng Euro bị sụp đổ chắc chắn có tác động đến Việt Nam nhưng mức độ tác động không lớn như đối với các nước châu Âu, các nền kinh tế lớn. Hiện nay, trong cơ cấu dự trữ ngoại tệ của Việt Nam, đồng tiền này chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ. Chính phủ cũng đã quan tâm, lường trước kịch bản xấu nhất xảy ra. Tôi cho rằng, đó không phải là một nguy cơ lớn, chắc chắn các nước châu Âu sẽ có giải pháp để tránh sự  sụp đổ của tài chính khu vực châu Âu cũng như toàn cầu".

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn