Sau lễ nhậm chức Tổng thống lần thứ 4, nhà lãnh đạo Nga V.Putin ngay lập tức ban hành “Sắc lệnh tháng 5” yêu cầu thành lập nội các chính phủ mới do Thủ tướng D. Medvedev đứng đầu. Nhiệm vụ của chính phủ mới là đưa nền kinh tế Nga tăng trưởng mạnh mẽ, với mục tiêu đến năm 2024 Nga sẽ là một trong 5 nền kinh tế hàng đầu của thế giới.
Diện mạo chính phủ mới ra sao?
Sau chiến thắng thuyết phục của đương kim Tổng thống V.Putin trong cuộc chạy đua vào vị trí lãnh đạo nước Nga, các nhà phân tích chính trị dường như đã dự đoán trước, D.Medvedev sẽ là người được giao trọng trách đứng đầu chính phủ mới. Mặc dù có nhiều thông tin nghi ngờ về khả năng tiếp tục giữ ghế Thủ tướng của Medvedev, khi mà Đảng Cộng sản Nga không ủng hộ, phe đối lập chỉ trích gay gắt. Tuy nhiên, dưới sự tín nhiệm và chính thức đề cử từ Tổng thống Putin, Thủ tướng đương nhiệm D.Medvedev vẫn sẽ là người điều hành nội các trong nhiệm kỳ 6 năm tới.
Hôm 15/5, tại Sochi, Thủ tướng Medvedev đệ trình lên Tổng thống Putin bản dự thảo cấu trúc bộ máy nhân sự của chính phủ trong nhiệm kỳ 2018 – 2024. Nhà lãnh đạo Nga đã đồng ý phê duyệt nhân sự cho nội các mới. Theo kế hoạch, chính phủ mới sẽ ra mắt vào ngày 18/05 tới.
Theo Kommersant.ru, nội các chính phủ mới theo đề xuất của ông D. Medvedev sẽ có 10 phó thủ tướng, so với 9 vị trí ở nhiệm kỳ trước. Ngoài ra, trong bộ máy chính phủ sẽ có 22 bộ (so với 21 bộ của nhiệm kỳ trước), trong đó 17 bộ trực thuộc chính phủ và 5 bộ trực thuộc phủ tổng thống. Nhiều sự thay đổi theo cơ cấu và chức năng nhiệm vụ đã được thực hiện.
Theo Rg.ru, Bộ Giáo dục Nga sẽ được chia thành 2 cơ quan mới là Bộ Khai sáng và Bộ Khoa học và Giáo dục trình độ cao. Bộ Khai sáng sẽ phụ trách các vấn đề liên quan đến giáo dục mầm non đến trung học, còn Bộ khoa học và giáo dục trình độ cao sẽ ưu tiên các nhiệm vụ phát triển giáo dục bậc cao và các vấn đề khoa học trong cả nước.
Ngoài ra, Bộ Truyền thông sẽ đổi thành Bộ Phát triển Kỹ thuật số và Truyền thông thông tin. Đây là sự thay đổi mới nhằm hiện thực hóa kế hoạch công nghệ số được V.Putin nêu ra trong Thông điệp liên bang mới đây. Hơn nữa, cơ quan ngoại thương trực thuộc Bộ Kinh tế sẽ được chuyển giao cho Bộ Công nghiệp. Còn cơ quan đặc trách về thanh niên nằm dưới sự quản lý của Bộ Giáo dục sẽ tách ra thành cơ quan ngang Bộ, trực thuộc chính phủ.
Cũng theo “sắc lệnh tháng 5”, Ủy ban điều phối các hoạt động của chính phủ và Cơ quan liên bang các tổ chức khoa học sẽ bị cắt bỏ khỏi hệ thống chính phủ mới. Trong 22 bộ trưởng của nội các chính phủ nhiệm kỳ mới, hầu hết là những nhân sự mới, chỉ có 5 bộ trưởng còn lại của nhiệm kỳ trước (gồm Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và Bộ Tình trạng khẩn cấp).
Sự thay đổi nhân sự cấp cao gần như triệt để của chính phủ nhiệm kỳ mới cho thấy quyết tâm của chính quyền Putin về kế hoạch tái cấu trúc nước Nga theo hướng phát triển hiện đại. Hướng ưu tiên dành cho giáo dục, kỹ thuật số và thương mại quốc tế là một sự đầu tư chiến lược dài hạn của Nga, nhằm hòa nhập vào xu thế chung của thời đại.
Sau 18 năm thực hiện thành công các chính sách về an ninh chính trị trong và ngoài nước, nước Nga hiện nay cần một cú hích mạnh mẽ về kinh tế thương mại. Bốn năm cấm vận của phương Tây giúp cho chính phủ Nga nhận ra những điểm yếu, dần dần khắc phục khó khăn và định hướng cho nền kinh tế Nga cất cánh, hòa mình vào nền kinh tế thế giới.
Năm 2024 nằm trong 10 nền giáo dục tốt nhất thế giới
Trong sắc lệnh đầu tiên của Tổng thống Putin ở nhiệm kỳ thứ 4, nhà lãnh đạo Nga đã nêu ra những mục tiêu quốc nội ưu tiên mà chính phủ Nga sẽ thực hiện trong 6 năm tới. Đó là cuộc chiến chống đói nghèo, giảm tỉ lệ tử, tăng tỉ lệ sinh, phát triển nguồn lực thanh thiếu niên toàn liên bang Nga.
Bà Tachiana Galikova, Phó thủ tướng phụ trách các vấn đề xã hội khẳng định, để thực hiện thành công những mục tiêu trên, nước Nga cần thúc đẩy những cải cách xã hội sâu rộng trong thời gian tới. Sắc lệnh về "Mục tiêu quốc gia và nhiệm vụ phát triển chiến lược Liên bang Nga trong giai đoạn đến 2024” của Tổng thống Putin sẽ định hình chính sách tương lai của chính phủ mới trong lĩnh vực xã hội.
Theo sắc lệnh này, V. Putin yêu cầu chính phủ Thủ tướng Medvedev tới năm 2024, phải giảm một nửa tỷ lệ người nghèo trong cả nước, trong đó cần bảo đảm nguồn thu nhập vững chắc cho người dân, phúc lợi hưu trí cao hơn, giảm mức lạm phát.
Ngoài ra, tới năm 2024, tuổi thọ trung bình của người Nga sẽ được năng lên 78 năm và hướng tới mục tiêu năm 2030 là 80 tuổi. Tỷ lệ sinh toàn liên bang phải đạt mức tăng 1,7 %. Chính phủ Nga sẽ tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ gia đình đông con, chính sách bà mẹ và trẻ em, bảo đảm an sinh xã hội cho người cao tuổi.
Trong lĩnh vực sức khỏe, y tế, chính phủ Nga quyết tâm giảm tỉ lệ tử vong đối với người dân trong độ tuổi lao động và trẻ em, hoàn thiện hệ thống y tế cơ sở. Về giáo dục, tới năm 2024, Nga đặt kế hoạch phải lọt vào Top 10 nước có chất lượng giáo dục tốt nhất thế giới. Theo đó, ngành giáo dục sẽ áp dụng những phương pháp đào tạo mới trong các trường phổ thông, nhằm tăng cường động lực và khuyến khích phát triển tài năng ở lứa tuổi thanh thiếu niên.
Sau khi tái đắc cử chức vụ thủ tướng Liên bang Nga, D.Medvedev và thành phần nội các mới cũng đã trình lên Tổng thống Putin phương hướng phát triển đất nước giai đoạn 2018 – 2024. Nền tảng của phương hướng này là thực hiện “25 đại kế hoạch” ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế, trong đó có 13 dự án lớn đã và đang được phát triển.
Một số lĩnh vực phát triển mới mẻ và đòi hỏi nhiều vốn đầu tư như: chương trình chữa trị ung thư, chương trình truyền thông kĩ thuật số cho trường học và khu vực hành chính công, sửa chữa đường xá và đầu tư xây dựng “chính phủ điện tử”.
Những dự án này đòi hỏi khoản chi ngân sách rất lớn để chính phủ Thủ tướng Medvedev có thể hoàn thành theo đúng kế hoạch đề ra. Trong khi đó, chính phủ còn phải xem xét về việc tăng lương hưu trí và phúc lợi xã hội cho người dân. Vấn đề cân đối ngân sách quốc gia sẽ là một bài toán hóc búa cho những tham vọng trong nhiệm kỳ 6 năm tới của bộ đôi quyền lực Putin – Medvedev.
Nước Nga ngày nay đang có vị thế cao trên trường quốc tế, đó là dấu ấn mà bộ đôi Putin – Medvedev đã làm được trong 4 nhiệm kỳ lãnh đạo đất nước. Song, những vấn đề khó khăn quốc nội cấp thiết (như an sinh xã hội, giáo dục, y tế) đang đòi hỏi chính phủ mới tìm ra hướng giải quyết. Nước Nga đang đứng trước những thách thức và cơ hội mới, nhằm lấy lại hình ảnh của một siêu cường đúng nghĩa.
Video: Những lần nhậm chức Tổng thống của ông Putin
Bình luận