Nội dung được ông Ông Trần Văn Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra tối 5/5.
"Làn sóng thứ tư của dịch COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế. Vậy để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp bị tác động do dịch COVID-19, Chính phủ đã nghiên cứu các giải pháp chính sách về gói hỗ trợ thứ hai hay chưa? Nếu có bao giờ sẽ có gói hỗ trợ này?", phóng viên đặt câu hỏi tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn chia sẻ: "Năm ngoái có gói 62.000 tỷ đồng. Vừa rồi, Chính phủ giao cho Bộ LĐTB&XH tổng kết lại, sau đó sẽ có báo cáo Chính phủ. Mới đây, chúng ta có Nghị định 52 gia hạn tiền nộp thuế và theo tính toán của Bộ Tài chính, khi thực hiện Nghị định này, đã giãn, hoãn khoảng 115.000 tỷ đồng".
Cũng trả lời tại buổi họp báo, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây không hẳn là “gói hỗ trợ” mà là tập hợp những giải pháp nhằm thuộc các ngành, lĩnh vực khác nhau, để hướng tới mục tiêu chung hỗ trợ nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn của dịch COVID-19.
Nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế, Bộ Tài chính trước đó đã đề xuất Chính phủ thông qua chính sách giãn, hoãn nộp thuế cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với số tiền khoảng 115.000 tỷ đồng.
Cụ thể, gia hạn thuế giá trị gia tăng trong 5 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng phải nộp từ tháng 1-6/2021 khoảng 68.800 tỷ đồng; gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp quý I, quý II của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 trong 3 tháng khoảng 40.500 tỷ đồng.
Cùng đó, gia hạn thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân của hộ, cá nhân kinh doanh đến trước ngày 31/12/2021 khoảng 1.300 tỷ đồng và gia hạn tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2021 trong 6 tháng khoảng 4.400 tỷ đồng.
Chia sẻ về tình hình kinh tế xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021, ông Sơn cho biết kinh tế tiếp tục phục hồi và đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số giá tiêu dùng 4 tháng tăng 0,89%, mức thấp nhất kể từ năm 2016.
Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Thu ngân sách nhà nước 4 tháng đạt 40,5% dự toán năm, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Hiện đã gia hạn thời hạn nộp thuế đối với khoảng 24.000 tỷ đồng và bố trí 12.100 tỷ đồng tiết kiệm chi thường xuyên năm 2020 chuyển sang năm 2021 để mua vắc xin.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 4 tháng ước tăng 29,5% so với cùng kỳ năm trước; tiếp tục duy trì xuất siêu, đạt 1,29 tỷ USD. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 4 tăng 24,1%. Tính chung 4 tháng, ước tăng 10% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,7%, cao hơn cùng kỳ năm trước (tăng 9,7%). Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định.
Tuy nhiên, những diễn biến phức tạp, khó lường, khó đoán của dịch COVID-19 tác động đến toàn bộ các hoạt động kinh tế-xã hội của đất nước.
"Chính sách kinh tế vĩ mô, tiền tệ, tài khóa có những kết quả tích cực song vẫn còn có sự mâu thuẫn, xung đột, chồng chéo về thể chế làm cản trở các hoạt động sản xuất kinh doanh…", ông Sơn nói.
Bình luận