• Zalo

Chính phủ dự kiến trình Quốc hội sửa 2 luật về tổ chức tại kỳ họp bất thường

Tin nóngThứ Tư, 11/12/2024 13:00:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Dự kiến Chính phủ sẽ sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương tại kỳ họp Quốc hội bất thường (tháng 2/2025).

Thông tin trên được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đề cập tại phiên họp thứ 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tổng kết Kỳ họp thứ 8, chuẩn bị bước đầu cho Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa XV, sáng 11/12.

Ông Trần Văn Sơn cho biết, ngay sau khi bế mạc Kỳ họp thứ 8, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành khẩn trương tham mưu, đề xuất Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn dưới luật.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn. (Ảnh: quochoi.vn)

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn. (Ảnh: quochoi.vn)

Để chuẩn bị cho các kỳ họp Quốc hội sắp tới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thông tin, ngày 10/12, Thủ tướng ký văn bản phân công các thành viên Chính phủ chuẩn bị 50 tài liệu, báo cáo, tờ trình để gửi Quốc hội kịp thời.

"Dự kiến trong tháng 2/2025 sẽ có kỳ họp Quốc hội bất thường. Chính phủ dự kiến sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Chính phủ đang nghiên cứu, chuẩn bị để kịp thời trình Quốc hội", ông Trần Văn Sơn nói.

Nêu ý kiến thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc định nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 8 là kỳ họp rất đặc biệt, không có Tổng Thư ký Quốc hội, trong khi đó công việc rất nặng nề, nội dung đột xuất, quan trọng phát sinh rất nhiều do chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, gần ngày cuối vẫn trình thêm nội dung.

"Các cơ quan phối hợp rất tốt. Hầu hết các Ủy ban của Quốc hội làm việc ngoài giờ, sớm thì 22h mới về, sáng đưa tài liệu chiều họp thẩm tra, sáng hôm sau trình Quốc hội", ông Nguyễn Khắc Định nói.

Trình bày báo cáo về chuẩn bị Kỳ họp thứ 9, Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, Quốc hội dự kiến xem xét 31 nội dung thuộc công tác lập pháp, 7 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác; 7 nhóm nội dung các cơ quan gửi báo cáo để đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu.

Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng. (Ảnh: quochoi.vn)

Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng. (Ảnh: quochoi.vn)

Do số lượng nội dung lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng tại Kỳ họp thứ 9 rất lớn, nhiều nội dung khó, phức tạp nên Tổng Thư ký Quốc hội đề xuất tiếp tục tổ chức Kỳ họp thứ 9 theo 2 đợt họp (với khoảng cách 9 ngày giữa 2 đợt họp) để có thời gian cho các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết với chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội thông qua.

Ông Lê Quang Tùng thông tin, dự kiến Quốc hội làm việc 26 ngày.

"Trong đó, đợt 1 chủ yếu bố trí thảo luận các nội dung trình Quốc hội biểu quyết thông qua tại Kỳ họp và thảo luận ở Tổ một số dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến; chất vấn và trả lời chất vấn. Còn đợt 2 chủ yếu bố trí Quốc hội biểu quyết thông qua các luật, nghị quyết và thảo luận ở Tổ về một số dự án luật và thảo luận ở hội trường về các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến", ông Lê Quang Tùng nói.

Kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh yêu cầu chuẩn bị sắp xếp chương trình kỳ họp Quốc hội một cách chặt chẽ, đặc biệt là công tác nhân sự phải được chuẩn bị "chặt chẽ, chu đáo nhất, đảm bảo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng".

"Chính phủ cần hạn chế tối đa việc trình bổ sung nội dung phát sinh vào chương trình kỳ họp", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Về thời gian diễn ra Kỳ họp thứ 9, Chủ tịch Quốc hội dự kiến khai mạc ngày 20/5/2025 và bế mạc ngày 30/6/2025, làm việc cả các ngày thứ Bảy.

Bình luận
vtcnews.vn