Theo Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, TP.HCM là đô thị loại đặc biệt, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, TP.HCM vẫn chưa phát huy hết tiềm năng của mình do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là mô hình tổ chức chính quyền địa phương chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị loại đặc biệt.
"Do yêu cầu quản lý đòi hỏi cần tổ chức bộ máy chính quyền đô thị tinh gọn, hiện đại, có năng lực lập quy hoạch, kế hoạch, sử dụng hiệu quả các tài nguyên, phát triển các dịch vụ hạ tầng đồng bộ", Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.
Bên cạnh đó, đánh giá tổng kết hơn 6 năm thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường tại TP.HCM đã cho thấy nhiều kết quả tích cực.
Bộ máy quản lý được tinh gọn, giảm tầng nấc trung gian, khắc phục sự trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các ngành, các cấp, tiết kiệm ngân sách, đảm bảo tính thống nhất, thông suốt, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước,...
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM được xây dựng trên cơ sở Đề án tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM đã được nghiên cứu, xây dựng và đánh giá tác động kỹ lưỡng.
Quá trình xây dựng Đề án và dự thảo Nghị quyết, UBND TP.HCM và Bộ Nội vụ đã tổ chức lấy ý kiến bằng văn bản của các cơ quan trung ương có liên quan, tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo, hội nghị và nhận được sự tán thành của các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Bộ Tư pháp đã có Báo cáo thẩm định dự thảo Nghị quyết. Tại Phiên họp thường kỳ tháng 9/2020, Chính phủ đã thảo luận và thông qua dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM (Nghị quyết số 142/NQ-CP ngày 03/10/2020 của Chính phủ).
Dự thảo nghị quyết gồm 12 điều với một số điểm chính quy định tổ chức chính quyền địa phương cấp thành phố gồm UBND và HĐND. Ở cấp quận và cấp phường chỉ có UBND.
Dự thảo nghị quyết quy định điều chuyển các nhiệm vụ của HĐND quận, phường cho HĐND, UBND, Chủ tịch UBND thành phố, UBND quận, phường để bảo đảm không bỏ sót chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan này.
Chính phủ đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho áp dụng xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội theo trình tự, thủ tục rút gọn và bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2020 để Quốc hội xem xét và ban hành Nghị quyết tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Nếu được thông qua, Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 và tổ chức thực hiện từ ngày 01/7/2021.
Bình luận